Từ 2021, lương của chồng có thể chuyển sang tài khoản của vợ?

Theo quy định mới, từ 1/1/2021, người lao động có thể ủy quyền hợp pháp cho người khác nhận lương. Điều này đồng nghĩa tiền lương của chồng có thể chuyển sang tài khoản của vợ hoặc ngược lại.

Ngày 1/1/2021 là thời điểm Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Lao động 2012 hiện hành. Bộ luật mới này có nhiều điểm mới đáng chú ý về nguyên tắc, hình thức và kỳ hạn trả lương cũng được quy định rõ ràng tại bộ luật này.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng họ có thể trả cho người được ủy quyền hợp pháp.

Như vậy, lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ nếu người chồng ủy quyền hợp pháp cho vợ mình nhận lương thay. Hoặc lương của vợ có thể chuyển thẳng vào tài khoản của chồng nếu vợ ủy quyền hợp pháp cho chồng.

Theo quy định, để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ thì phải đáp ứng các điều kiện: Chồng (người lao động) không thể nhận lương trực tiếp; Vợ là người được chồng ủy quyền hợp pháp; Chồng đăng ký số tài khoản của vợ để nhận lương.

Trường hợp doanh nghiệp từ chối trả lương vào tài khoản không phải của người lao động làm việc cho mình với lý do đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động, tránh bị kẻ gian lợi dụng, công ty hoặc doanh nghiệp cũng không vi phạm quy định.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cũng theo Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Về kỳ hạn trả lương, trường hợp có lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Trọng Sang - Theo Thời Đại

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-2021-luong-cua-chong-co-the-chuyen-sang-tai-khoan-cua-vo-d143908.html