Từ bê bối Món Huế: 'Ngành F&B hào nhoáng khiến nhiều người lầm tưởng lãi siêu khủng'

Một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B) cho biết, ngành F&B có mức độ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Ngành này có vẻ ngoài hào nhoáng khiến mọi người thường lầm tưởng về khả năng sinh lời siêu khủng...

Chuỗi Món Huế bất ngờ đóng cửa không tuyên bố lý do. Ảnh: N.Mạnh.

Chuỗi Món Huế bất ngờ đóng cửa không tuyên bố lý do. Ảnh: N.Mạnh.

Nhiều chuỗi F&B đóng cửa tại Việt Nam

Mới đây, chuỗi nhà hàng Món Huế đã đột ngột đóng cửa không tuyên bố lý do. Chuỗi nhà hàng này cũng bị tố nợ nhà cung cấp nguyên vật liệu vài chục tỷ đồng.

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, Công ty Huy Việt Nam - chủ sở hữu Món Huế - từng được xem là doanh nghiệp đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B) khi thu hút số vốn cả vài chục triệu USD từ quỹ ngoại (theo số liệu nhóm đại diện nhà đầu tư vào Món Huế cung cấp là khoảng 70 triệu USD).

Ngay sau sự sụp đổ của Món Huế, nhiều người cũng nhớ lại câu chuyện của The KAfe. Trước đó, toàn bộ chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng này cũng đóng cửa mà không hề đưa ra bất cứ lời giải thích nào mặc dù trước đó được quỹ ngoại rót vốn 5,5 triệu USD.

Ngoài Món Huế và The KAfe, nhiều chuỗi F&B tại Việt Nam cũng phải dừng bước trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Năm 2017, lần lượt Gloria Jean's Coffees – thương hiệu cà phê Australia và sau đó là Saigon Café phải đóng hàng loạt cửa hàng.

Một thương hiệu cà phê nổi tiếng khác cũng “ra đi” trong sự bất ngờ là NYDC (New York Dessert Café) của Singapore.

Gần đây nhất, chuỗi 23 cửa hàng trà sữa Ten Ren do The Coffee House mua nhượng quyền cũng nói lời chia tay sau gần một thời gian kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng.

Cạnh tranh khốc liệt, “sống còn” như thế nào?

Loại bỏ các nguyên nhân như cố tình lừa đảo, giới chuyên gia cho rằng các nhà hàng chuỗi thực sự là một cuộc chiến khốc liệt về mặt bằng, nhân lực, nguồn nguyên liệu… khiến cho nhiều chuỗi F&B rơi cảnh thảm bại.

Vậy nếu kinh doanh theo chuỗi F&B thì cần làm gì để sống tốt trên thị trường? Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Trần Bằng Việt - CEO Dong A Solution chia sẻ 4 lưu ý.

Thứ nhất, cần làm một điểm bán cho thật tốt nhằm tìm ra công thức thành công, hoàn thiện sản phẩm và chính sách giá, kiểm soát tiêu chuẩn đầu vào và kiểm soát chi phí.

Thứ hai, chậm rãi nhân ra 2-3 điểm bán vừa làm vừa tính chỉnh hệ thống quản lý, tiêu chuẩn và chính sách cho đội ngũ, khả năng kiểm soát chất lượng toàn hệ thống.

Thứ ba, chỉ khi dòng tiền sinh ra từ 3 điểm bán đầu tiên đủ cáng đáng cho điểm bán thứ 4 mà không phải vay mượn thì mới nhân thêm và cứ như vậy cho đến khi phủ kín địa bàn hiện tại.

Thứ tư, khi mở sang địa bàn hay phân khúc khách hàng khác, cần làm chậm lại để tinh chỉnh lại hệ thống và chính sách trước khi mở rộng thêm.

Sự hào nhoáng khiến nhiều người nghĩ “lợi nhuận siêu khủng”

“Mạo hiểm hơn, quyết liệt hơn thì có thể sẽ nhanh hơn trong việc mở rộng nếu đủ may mắn. Nhưng không chắc là sẽ hiệu quả và bền vững hơn. Câu nói “muốn nhanh thì phải từ từ” trong hoàn cảnh này là không sai”, chuyên gia Trần Bằng Việt bình luận khi nói về đầu tư chuỗi.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, chúng ta mơ ước có được những thương hiệu Việt Nam đủ mạnh với nhiều món Việt ngon được nâng cấp và phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, thế nhưng, sẽ cần thêm những nỗ lực để nâng tầm để không chỉ "tốt gỗ mà còn tốt cả nước sơn"…

Trong khi đó, bà Nguyễn Hà Linh - đồng sáng lập và CEO chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam bình luận: Ngành F&B với vẻ ngoài hào nhoáng khiến mọi người thường lầm tưởng về khả năng sinh lời siêu khủng.

Theo bà Nguyễn Hà Linh, việc xác định mô hình kinh doanh đã là chuyện khó, dành đủ thời gian kiên nhẫn thử nghiệm mô hình, kiểm tra cơ cấu thực đơn, chỉnh công thức món ăn, thử độ ổn định của chất lượng món ăn so với công năng vận hành lúc cao điểm, thấp điểm là cả một chặng đường "tưởng không khó mà khó không tưởng".

“Chỉ có khi mình còn là chủ cuộc chơi của mình, mình mới “chờ” được đứa con tinh thần đủ lớn và để đi được một chặng đường dài”, bà Nguyễn Hà Linh bình luận.

Bà Linh nhấn mạnh, khi mở rộng kinh doanh, ngoài chất lượng sản phẩm phải ổn định, bài toán vận hành và đào tạo nhân sự cũng là những vấn đề rất quan trọng.

Một vấn đề nữa cũng là sự áp lực với chủ sở hữu chuỗi nếu có đầu tư từ các quỹ. “Khi gọi vốn vì áp lực của quỹ, áp lực của việc giải ngân và nâng điểm, quyền kiểm soát trong việc công ty đã sẵn sàng mở rộng hay chưa lại có thể không còn nằm trong tay họ”, bà Linh nói…

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tu-be-boi-mon-hue-nganh-fb-hao-nhoang-khien-nhieu-nguoi-lam-tuong-lai-sieu-khung-553606.html