Từ 'bò cạp' đến 'ngựa thành Troy'

Cơn mưa đầu hạ sầm sập đổ xuống. Kể cũng lạ. Trời đang trong xanh, nắng vàng rộm như màu mật ong rừng, như thảm lúa vàng bên dòng Ngô Đồng cố đô Hoa Lư khi mùa hè đến.

Bỗng dưng mây đen vần vũ kéo tới, gió thổi ào ạt, trong chốc lát mưa rơi nặng hạt, thảm mưa long lanh như dát bạc dưới ánh mặt trời. Tôi nói với em: “Mưa bóng mây. Ở quê anh vẫn mưa như vậy, chốc lát là tạnh”. Em mỉm cười, nói: “Không phải đâu anh, sắp giông lốc đấy, không chừng có mưa đá”. Sao nhỉ, tuổi đời chưa nhiều, dân Hà Nội gốc, mà sao sành sỏi quy luật của đất trời?

1. Tôi và em ngồi trong một quán cà phê thoáng đãng phóng xa tầm mắt ra quảng trường thành phố. Cũng đã khá lâu, gần chục năm nay chứ ít ỏi gì, nay mới có dịp trò chuyện cùng em, cũng là chuyện tình cờ, sau hôm gặp em ở đại hội hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhạc Trịnh ở quán nhẹ nhàng, sâu lắng, dù cho nhạc và lời với cảnh trời, lòng người chẳng ăn nhập với nhau.

Doanh nhân Ngô Thị Hồng Phượng.

Doanh nhân Ngô Thị Hồng Phượng.

Chúng tôi hẹn nhau tới quán cà phê này, bởi nó đối diện với nơi tổ chức một sự kiện truyền thông mà sau đấy ba tiếng tôi phải có mặt. Lời bài hát của Trịnh Công Sơn như chùng xuống: Một thời yêu dấu đã qua/ Gót hồng em muốn quay về/ Dù trần gian có xót xa/ Cũng đành về với quê nhà… Em gõ nhẹ tay lên bàn đánh nhịp cùng bài hát, giọng em tiếp theo: Một chút mây phù du/ Đã thoáng qua đời ta… Tôi và em cùng mỉm cười, mỗi người theo đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Em hỏi tôi: “Anh thích bài này không?”.

Tôi trả lời: “Thích lắm! Đóa hoa vô thường rất nổi tiếng của Trịnh Công Sơn”. “Anh thích nhạc đỏ, nhạc Trịnh, hay dân ca?”. “Anh thích cả ba!”. Em mỉm cười ý nhị: “Anh tham thế”. “Chưa biết ai tham hơn ai” - tôi nói vậy, bởi biết em rất mê âm nhạc, nhạc cổ điển là thứ em không thể thiếu mỗi ngày.

Mấy chục năm nay, cô nàng có thói quen, sau 6 giờ 30 sáng, em và Adam - một nửa của mình - ngồi bên nhau nhâm nhi chén trà “thủ đô gió ngàn”, nghe nhạc cổ điển, hoặc nhạc Trịnh, chủ nhân của “Đóa hoa vô thường”. Từ 7 giờ 30 trở đi hai anh chị mới vào việc kinh doanh.
Chiều nay, em và tôi ngồi đây - chỉ tiếc là thiếu Adam, một nửa mà em kính trọng, yêu thương, có cùng thói quen nghe nhạc. Anh ấy đang dự cuộc họp mặt bạn bè ở nước ngoài về, sau 18 giờ sẽ đến đây đón em đi một công việc khác. Ngoài trời, mưa ngày càng to, gió giật làm đổ gãy cây dầu đã chừng vài ba chục tuổi. Những hạt mưa đá bằng hạt ngô rơi lã chã trên mặt đường nhựa. Em nói: “Mưa đá và lốc đó anh, nhưng nhẹ thôi”. Tôi nói: “Anh khen em dự báo thời tiết quá giỏi, thông thiên văn - tường địa lý, chuyển em qua nha khí tượng thôi” (cười).

Tiếp tục nghe nhạc Trịnh, bỗng nhiên em gợi mở: “Anh có thiền không?”. Tôi thành thật: “Anh có thiền, nhưng chưa được một năm, lu bu công việc, không kiên trì được, nay anh bỏ thiền rồi”. Em lý giải: “Như vậy là anh thiền vô ngã - trường phái tu thiền. Còn em do làm kinh doanh bận tối ngày nên thiền chân ngã, thiền mọi nơi, mọi lúc: ăn… thiền, đi… thiền, họp… thiền, ngủ… thiền. Doanh nhân chúng em thiền chân ngã, tranh thủ khi tạm rảnh công việc, dù chỉ mươi lăm phút là đầu óc tạm quên đi mọi thứ để thiền. Thiền chân ngã giúp cho ta sức khỏe dẻo dai, đầu óc minh mẫn, ăn tốt, ngủ ngon”.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, như một cơn gió thoáng qua, khi tôi đang ở nước ngoài, bỗng em nhắn tin: “Anh đang ở đâu?”. Tôi nhắn tin trả lời: “Anh đang ở Paris”. Năm phút sau, qua mạng Viber em gửi cho tôi hai bản nhạc cổ điển mà em thích, kèm lời nhắn nhủ: “Anh thư giãn mấy phút!”. Với em, người nữ doanh nhân bận tối ngày này là vậy. Em vẫn nói với bạn bè: “Mình có giấc mơ làm doanh nhân từ thuở nằm nôi, nhưng đời doanh nhân không thể thiếu âm nhạc và những nụ cười tươi tắn!”. Âm nhạc và nụ cười đã là bửu bối chắp cánh cho em đạt tới những khát vọng và giấc mơ đẹp của doanh nhân.

Tôi lại hỏi em: “Tối 5 tháng 5 vừa rồi, anh đang trên xe mở radio nghe chương trình Thế giới Adam của VOH, em vào cuộc… giao lưu hay quá”. Một thoáng ngạc nhiên, em cởi mở: “Bận vậy mà anh cũng biết chương trình Adam?”. “Thì anh vẫn nghe đều. Bữa đó, VOH bàn về “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” mà luận thuyết của em thì ngược lại “Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”. Em có ông xã - đức lang quân quá tuyệt vời. Như khơi đúng mạch, em bắt đầu kể cho tôi nghe cuộc đời doanh nhân nơi trời Nam. Em nói: “Không có ông xã xây tổ ấm bên cạnh, ủng hộ và chia sẻ, sự nghiệp doanh nhân của em khó thành. Hoặc tổ ấm gia đình, hoặc công việc kinh doanh, không ít bạn bè của em trong hai chỉ còn một, hoặc rồi cũng đổ vỡ tùm lum, trắng tay cả hai".

2. Ngoài trời, mưa đã nhẹ hạt, gió cũng ngừng giật. Thấy tôi nhìn ra ngoài trời, em nói: “Bão giông rồi cũng sẽ qua đi đấy anh”. Em nhè nhẹ hát: Một chút mây phù du/ Đã thoáng qua đời ta … Đôi mắt em xa xăm nhìn ra khoảng trời đã xanh ngắt trở lại. Cuối chiều, ông mặt trời sắp khuất bóng sau tòa cao ốc ở dãy phố bên kia quảng trường, lác đác vài đám mây bạc trắng như núi bông nhè nhẹ trôi.

Em kể: “Em sinh đúng vào tháng 6 giữa mùa hè ve kêu phượng nở, hoa phượng đỏ rực phố phường, đỏ rực ngay góc nhà hộ sinh nơi em được sinh ra. Bố em là kỹ sư xây dựng, nhưng thơ ca lãng mạn lắm. Bố nói, vậy tên của em sẽ đặt tên Phượng - Hoa Phượng, vậy là tuyệt. Mẹ em thì giáo chức, bà dạy giỏi toán, lý, hóa, sinh vật, nhưng hát hay đàn giỏi, yêu thơ văn, chốt lại: Ngô Thị Hồng Phượng. Em cười: “Càng lớn lên em càng giống cả bố và mẹ, nét dáng, tính cách, sở thích”.

Giọng nói của em sôi nổi hẳn lên. Mẹ nói, Hồng Phượng mê làm doanh nhân, mà mệnh của nó là phải đi xa lập nghiệp. Hồng Phượng học xong Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đã vù vô Nam khởi nghiệp, cũng như là duyên phận vậy. Khát vọng khởi nghiệp bằng nghề thiết kế thời trang nên Hồng Phượng học mỹ thuật công nghiệp, nhưng về sau nàng đổi ý, say nghề trang trí nột thất, tiếp nối nghề kiến trúc - xây dựng của bố. Doanh nghiệp đầu tiên Hồng Phượng thành lập được đặt tên Hồng Minh - ánh hồng bình minh mỗi sáng mai thức dậy.

Một thời gian ngắn sau, nhân điều chỉnh, bổ sung chức năng hoạt động, Công ty Hồng Minh được đổi tên thành Công ty Bò Cạp. Cứ nghe tên gọi Bò Cạp, nhiều người hỏi, vì sao đặt tên đó? Hồng Phượng trả lời: “Thứ nhất là không sợ trùng tên với ai. Thứ hai do Hồng Phượng thời học sinh sinh viên đã rất mê ban nhạc Scorpion - vua Bò Cạp, rất nổi tiếng ở Đức và châu Âu - dòng nhạc vốn làm cho tâm hồn thêm lãng mạn, bay bổng, với triết lý “Không gì là không thể - chỉ cần bạn tin vào điều đó”. Thứ ba, Bò Cạp có sức sống phi thường, hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản, hủy diệt mọi thứ, duy nhất trong đám đổ vỡ chỉ có Bò Cạp là sống sót, tiếp tục sinh sôi nẩy nở. Công ty Bò Cạp sẽ là sự trường tồn vĩnh cửu.

Chủ nhân của doanh nghiệp Bò Cạp ngay từ đầu đã thể hiện một cá tính mạnh, quyết chí, khi đã quyết không ai có thể cản được. Thời kỳ học trung học phổ thông và đại học, hoa khôi Ngô Thị Hồng Phượng nổi tiếng với các thành tích học tập và là “thủ lĩnh” luôn hào hiệp, yêu thương, chan hòa, sẵn lòng giúp đỡ các bạn học. Tư chất đáng yêu này tiếp tục được nhân rộng, khi người nữ doanh nhân này trong hoạt động kinh doanh vẫn không quên chăm lo an sinh xã hội, dành khoản tiền không nhỏ làm công tác xã hội, từ thiện, hướng tới người nghèo, những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn.
Ở đất phương Nam, Công ty Bò Cạp cạnh tranh ngang ngửa với những doanh nghiệp trang trí nội thất vốn đã dày dạn thương trường.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Bò Cạp chuyển hướng kinh doanh từ nhập khẩu hàng nội thất cao cấp ở nước ngoài sang nghiên cứu để sản xuất các mặt hàng có chất lượng tương ứng hàng ngoại nhập, bằng cách mua máy móc thiết bị, kỹ thuật công nghệ, nguyên vật liệu để tự sản xuất. Tiêu chí của thương hiệu Bò Cạp luôn vươn tới triết lý “Chân - Thiện - Mỹ”, quan tâm về tiện ích sử dụng của khách hàng, cái đẹp của sản phẩm. Nhờ vậy, Bò Cạp đã thắng thầu nhiều dự án lớn, cả với những khách hàng khó tính là các công ty đa quốc gia, văn phòng đại diện nước ngoài và tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam.

Một công trình thiện nguyện tại tỉnh Trà Vinh.

3. Thêm một ngụm trà Thái Nguyên, tôi hỏi em: “Anh chưa hiểu công việc trang trí nội thất của Bò Cạp đang ăn nên làm ra, Hồng Phượng lại lập thêm một tổng công ty mới gắn rất chặt với khoa học công nghệ - doanh nghiệp khoa học mang tên Công ty TNHH Quốc tế TROY? Nữ doanh nhân Ngô Thị Hồng Phượng lại mỉm cười, nói: “Bò Cạp ổn định rồi, em giao cho thế hệ tiếp nối và các cộng sự trông coi. Mà em bật mí nhé, có những quyết sách của thế hệ 9X còn táo bạo hơn cả thế hệ chúng em (cười).

Với Công ty TROY, ngày 11-7-2018 là tròn 5 tuổi, đã đi vào quỹ đạo để từng bước thăng tiến sứ mệnh một doanh nghiệp khoa học công nghệ”. Nữ doanh nhân Ngô Thị Hồng Phượng cho biết, từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-2018, Chủ tịch Công ty TNHH Quốc tế TROY sẽ tham dự hội thảo và chuỗi hoạt động “Ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp” vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây nguyên tổ chức tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì tổ chức, để từ đây tăng cường các giá trị kết nối giữa các nhà khoa học và cộng đồng doanh nhân, góp phần thúc đẩy các hoạt động khoa học - công nghệ của doanh nghiệp.

Ngô Thị Hồng Phượng bộc bạch: “Với TROY là sự gắn kết với các chuyên gia công nghệ, các doanh nhân nước ngoài, khai thác vốn tri thức khoa học - công nghệ của họ. TROY đưa công nghệ vật liệu xây dựng Nano - vật liệu xanh sạch vào Việt Nam.

Công nghệ sản xuất gạch Nano rất ưu việt, trái hẳn với cách nung gạch truyền thống gây ô nghiễm môi trường. Công ty TROY đi tiên phong ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xử lý ô nhiễm nguồn nước, sự cố tràn dầu; nhất là ứng dụng để thi công đường qua vùng sình lầy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng, độ bền chắc đường sá. Cái gì cuộc sống đòi hỏi, cái gì đất nước mình cần doanh nhân cần vào cuộc”.

Phía sau những câu chuyện của nữ doanh nhân Ngô Thị Hồng Phượng là cả những dự án lớn, cần sự đầu tư không nhỏ, đương nhiên rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước - hứa hẹn những thành quả giàu ý nghĩa thực tiễn, đối với cộng đồng và xã hội. Tôi mong và hy vọng âm nhạc, lòng đam mê sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của nữ thuyền trưởng sẽ chắp thêm nghị lực cho TROY.

Câu chuyện về cuộc chiến thành TROY - con ngựa thành TROY trong lịch sử Âu châu thật ý nghĩa - sẽ giúp TROY hôm nay, dưới bàn tay chèo lái của nữ doanh nhân giàu cá tính, mạnh mẽ, quyết đoán sẽ càng vươn xa, bay cao. Hồng Phượng có một mái ấm gia đình làm bệ đỡ cho khát vọng và ước mơ, mà ở đó là sự kết hợp hài hòa “Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”, như nữ doanh nhân này bộc bạch tại Diễn đàn Thế giới Adam của VOH 2018 mới đây.

Quốc Toàn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/tu-bo-cap-den-ngua-thanh-troy-59421.html