Từ bỏ vai 'cảnh sát toàn cầu': Túi tiền Mỹ đã cạn?

Sự từ chối vai trò cảnh sát toàn cầu của ông Donald Trump có thể được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm 2019 sắp tới.

Ông Ivan Danilov, chuyên gia kinh tế người Nga đồng thời giữ vai trò là một trong những người đóng góp cho hãng tin Sputnik cho biết, việc rút quân đột ngột từ Syria và một phần từ Afghanistan đã cho thấy sự thật rằng Mỹ không còn khả năng rót hàng nghìn tỷ USD vào các hoạt động đắt đỏ của họ ở nước ngoài.

Trong chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ không quân Al Asad ở Iraq vào ngày 26/12, Tổng thống Mỹ khẳng định chấm dứt vai trò "cảnh sát toàn cầu", nhấn mạnh rằng việc duy trì sự hiện diện ở khắp các châu lục, khắp các quốc gia không còn là mục tiêu hàng đầu của nước Mỹ.

Điều đáng chú ý, ông Danilov đã chỉ ra dẫn ra một tuyên bố của ông Trump tại Al Asad. Cụ thể, Tổng thống Mỹ nói: "Nước Mỹ không nên chiến đấu cho mọi quốc gia trên Trái Đất, trong nhiều trường hợp, nước Mỹ đang làm việc đó một cách miễn phí. Nếu họ trân trọng giá trị mà nước Mỹ mang lại, họ phải trả giá - đôi khi, đơn giản hơn, họ chỉ phải trả tiền cho việc này. Chúng tôi không phải kẻ thù của thế giới. Năm sau, chúng ta sẽ không còn là người đi hút mọi rắc rối vào mình".

Chuyên gia Danilov phân tích, đây không phải lần đầu tiên ông Trump nói về vấn đề "giá cả" trong các phát biểu của mình. Riêng trong quyết định về Syria, từ đầu năm, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút quân. Và không quên nhắc tới Arab Saudi: "Những người bạn của chúng tôi rất quan tâm đến quyết định này. Và tôi nói, chà, bạn biết đấy, bạn muốn chúng tôi ở lại, có lẽ bạn sẽ phải trả tiền".

Ông Donald Trump đưa ra nhiều thông báo đáng chú ý khi thăm căn cứ không quân Mỹ ở Iraq

Gần đây nhất, khi Mỹ quyết định chính thức rút quân khỏi Syria, ngay lập tức ông Trump đã đưa ra thông báo về việc Arab Saudi sẽ thay họ trả khoản tiền tái thiết quốc gia này, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay phần Washington giải quyết những tàn dư IS ở đây.

Ông Danilov nhận xét, Mỹ đã phải chi hàng trăm tỷ USD cho các cuộc chiến ở quốc gia khác. Nhiều thông tin cho rằng Washington đã mất tới 7.000 tỷ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông từ năm 2001.

"Mỹ đã không còn đủ nguồn lực để tiến hành các cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. Họ cũng không thể buộc các đồng minh và đối tác của mình phải trả tiền cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài với giá hàng tỷ USD. Vì thế, người Mỹ tốt hơn hết cần biết tiết chế và rút khỏi vai trò "cảnh sát toàn cầu" như ông Trump đã nhận định. Nó sẽ khiến túi tiền của nước Mỹ an toàn hơn" - chuyên gia Danilov cho biết.

Phân tích thêm, ông Danilov đã trích dẫn thực tế chỉ có Ba Lan chịu trả 2 tỷ USD cho sự bảo vệ của Washington. Số tiền này chỉ là một giọt nước trong cỗ máy chiến tranh hàng năm của Mỹ.

"Không còn tiền. Chính xác hơn, họ vẫn còn tiền, nhưng họ không còn có thể tiêu nó một cách thoải mái. Bởi vì cái túi bạc của Mỹ đang cạn kiệt, và thị trường tài chính Mỹ có vẻ đang không tốt. Nó đang mắc những căn bệnh hiểm nghèo" - ông Danilov đánh giá.

Đầu năm nay, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nợ quốc gia và thâm hụt liên bang tăng nhanh, dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2020.

Tổng thống Mỹ và Phu nhân đã mang tới nhiều món quà năm mới cho các binh sĩ viễn chinh của Mỹ

Chuyên gia Danilov cho rằng việc Mỹ thay đổi vai trò "cảnh sát toàn cầu" sẽ dẫn đến những câu chuyện hết sức phức tạp cho địa chính trị trong năm 2019. Thay vì Mỹ dàn trải ở tất cả các mặt trận, họ sẽ chỉ tập trung vào một vài trọng điểm, giải quyết thật nhanh nó và nhanh chóng vơ vét chiến lợi phẩm.

Việc Mỹ yêu cầu đồng minh chi trả các khoản tiền bảo vệ cũng đang làm suy giảm vai trò cũng như uy tín của Mỹ trên toàn cầu. Phải kể đến các trường hợp Mỹ đòi Hàn Quốc chi trả phần lớn kinh phí vài tỷ USD mỗi năm trong việc triển khai chương trình lá chắn tên lửa tại lãnh thổ Hàn Quốc.

Hoặc việc Washington yêu cầu Arab Saudi trả thêm tiền cho các hành động hỗ trợ quân sự tại Yemen. Khi Arab Saudi từ chối, Washington lập tức cắt toàn bộ hỗ trợ quân sự cho quốc gia này trong cuộc chiến.

Còn với NATO, Mỹ cũng đang ép một loạt quốc gia thành viên phải tăng chi phí quốc phòng của họ để phục vụ các hoạt động quân sự chung của khối, thay vì Mỹ là người chi trả phần chính. Điều này dù đã được Đức, Pháp, hay một số quốc gia khác cam kết nâng các khoản chi của họ.

Nhưng sự o ép này đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, đặc biệt trong việc EU đang phải gồng mình chịu những gánh nặng kinh tế xuất phát từ lệnh trừng phạt Nga mà Mỹ kêu gọi.

Hiện tại, bản thân Pháp và Israel - hai đồng minh thân cận của Mỹ tại Syria đang cực liệt lên án việc rút quân bất ngờ của Washington và cho rằng đó là hành động "vô trách nhiệm".

Thực tế, hành động này đảm bảo cho Mỹ tránh một khoản chi gần 15 triệu USD/ngày. Nhưng ngược lại sẽ khiến Pháp và Israel gánh những khoản chi phí đó nếu họ muốn tiếp tục tận hưởng những lợi ích ở Syria.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tu-bo-vai-canh-sat-toan-cau-tui-tien-my-da-can-3371942/