'Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương' đổ bộ đường sách TP Thủ Đức

Lần đầu tiên chương trình vinh danh văn hóa Nam bộ với chủ đề 'Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương' diễn ra tại đường sách TP Thủ Đức, TP.HCM.

Tối 12-1, tại Đường sách TP Thủ Đức (99 Hồ Thị Tư, Phường Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) đã diễn ra chương trình vinh danh văn hóa chủ đề “Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lươngdo CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức.

Những diễn giả có thâm niên nghiên cứu, đào tạo về âm nhạc truyền thống hơn 30 năm như TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, ThS. Huỳnh Khải, Nhà báo Hà Đình Nguyên, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang... thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả.

Đờn ca tài tử không chỉ để giải trí mà còn ẩn nhiều giá trị đạo lý

Mở đầu chương trình, người tham dự được khái quát lại về bối cảnh ra đời của đờn ca tài tử cải lương theo dấu chân của tiền nhân khai khẩn, hình thành và phát triển trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Tính đến nay, cũng đã tròn 10 năm, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại, tiếp tục bảo tồn và phát huy, không chỉ trong nước mà còn được bạn bè thế giới biết đến.

Các khách mời giao lưu trong chương trình.

“Đờn ca tài tử không chỉ là loại hình nghệ thuật giải trí được cha ông chúng ta tạo nên mà còn ẩn trong đó là giá trị đạo lý. Ví dụ như vì sao bài Lưu Thủy là đứng đầu trong 6 bài Bắc, vì thủy nghĩa là nước, tính cương nhu của nước phản chiếu cho ta về bài học ứng xử, nước nuôi cây, nước xuôi về đại hải với chí cả ra biển lớn.

Là một quốc gia nông nghiệp làm chủ đạo, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu và trong văn hóa dân tộc, câu “uống nước nhớ nguồn” hay “nước chảy về nguồn” cũng chính là những bài học cao quý cho mỗi chúng ta.

Bên cạnh đó, còn có nhiều bài khác nữa, ví dụ như Bình Bán để dạy cho chúng ta sự trung dung hòa hợp hay Kim Tiền (có một giả thuyết khác gọi là Kim Thiền) nhằm dạy cho chúng ta phải nâng cao tính vượt trội, vượt qua mọi thử thách hoàn cảnh để thành công và hạnh phúc.

Do vậy, trong các giáo trình dạy đờn ca tài tử xưa thường chọn 3 bài Lưu Thủy, Bình Bán và Kim Tiền để dạy đầu tiên” – Ths. Huỳnh Khải, cựu Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM chia sẻ.

Cầm ca tân điệu - "bí kíp gối đầu giường" của giới đờn ca tài tử

Người mộ điệu cũng được nghe nhà báo Hà Đình Nguyên chia sẻ về tác phẩm Cầm ca tân điệu của tác giả Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc viết vào năm 1926 - một cuốn sách mang tính lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ.

Cuốn sách này chứa đựng 60 bài tài tử, bao gồm 20 bản tổ và 40 bài khác, được phát triển để đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương. Nội dung của các bài ca trong cuốn sách này mang tính luận đề và giáo huấn, dạy người ta trở thành con người tốt trong xã hội, dựa trên các điển tích trong văn học cổ và các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nam bộ.

Vì vậy, cuốn Cầm ca tân điệu trở thành một "bí kíp gối đầu giường" của giới đờn ca tài tử, cung cấp hướng dẫn chi tiết từ cách lên dây đến tiết tấu và nhịp điệu trên cây đàn kìm, giúp người học dễ tiếp thu...

Nghệ sỹ Lý Kiều Hạnh và Lý Trung Tín biểu diễn chặp cải lương "Thương Tết quê nhà" (tác giả: Hồ Nhựt Quang).

“Tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch hơn 23 năm, với ước mơ được giới thiệu về nghệ thuật sân khấu cải lương đến với du khách quốc tế, tôi đã dựa vào lòng bản của Cầm ca tân điệu để chọn lọc những bài bản, làm ngắn lại nội dung, súc tích hơn với thời lượng từ 5-10 phút để tạo thành chặp cải lương phục vụ hoạt động du lịch và các chương trình vinh danh văn hóa Nam Bộ tại trường học, công sở, bảo tàng…

Các chương trình đó đều rất thành công, công chúng mộ điệu ngày càng tăng và ngay cả được giới thiệu trên Đài Truyền hình của Nhật Bản. Tôi nhận ra chặp cải lương sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo sức hút du lịch Việt Nam trong tương lai” – Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Nghệ sỹ Kim Anh trình diễn bài "Tứ Đại Oán" và vọng cổ "Đàn tranh Việt Nam" (tác giả: Hồ Nhựt Quang).

Khán giả trẻ Đỗ Vũ Bình An, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Bá hào hứng khi nói về chương trình: “Con rất vui vì hôm nay được xem chương trình vinh danh văn hóa Nam Bộ với phần trình diễn âm nhạc và diễn chặp cải lương rất hay, rất ý nghĩa. Mong rằng sẽ có nhiều chương trình hay, thú vị hơn nữa đến với Đường sách TP Thủ Đức, con sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè người thân cùng đến xem nhằm nâng cao sự hiểu biết”.

Dự kiến, sáng mai 14-1 chương trình vinh danh văn hóa “Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương” sẽ được tổ chức lần nữa tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) để phục vụ với người mộ điệu.

HOÀNG GIANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-cam-ca-tan-dieu-den-hat-chap-cai-luong-do-bo-duong-sach-tp-thu-duc-post771671.html