Từ câu chuyện cô bé mang nỗi đau mất cha, mất bà đến trường thi, đừng để những đứa trẻ phải lớn lên bằng nghị lực mồ côi

Những ngày qua, sĩ tử cả nước nức lòng đi đến cuộc thi quan trọng sau 12 năm đèn sách. Có một cô bé 18 tuổi ở Quảng Nam cũng đến trường thi với lòng trĩu nặng. Em đi thi khi ở nhà gia đình đang lo hậu sự cho người cha và người bà vừa mới mất vì tai họa...

“Vĩnh biệt cha, con đi thi đây!”

Trưa 27-6, sau ba ngày kìm giữ nước mắt để bước vào phòng thi khi mà cả cha lẫn bà nội đang được người nhà tẩm liệm, Nguyễn Thị Thu Thủy trở về nhà với hai vòng tang trắng trên đầu.

"Em không biết vì sao mình lại có thể hoàn thành được bài thi nữa. Mấy ngày qua là quãng thời gian khủng khiếp và nặng nề nhất em phải trải qua", Thủy quệt nước mắt lã chã rơi trên mặt khi các cô các bác hàng xóm tới thắp hương, chia buồn. Cô học trò mới qua tuổi 18, vừa học xong lớp 12/2 Trường THPT Tiểu La huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Không ai có thể lí giải vì sao với nỗi đau đớn tưởng như không gì vượt qua nổi khi một lúc mất cha, mất bà, mẹ nằm viện... nhưng Thủy lại mạnh mẽ và hoàn toàn tỉnh táo để giúp lo tang ma cho cha, chuẩn bị cho lễ di quan bà nội và lại vừa hoàn thành tốt những ngày thi cam go.

"Em khỏe, ăn uống cũng bình thường và vẫn cầm điện thoại để thay mặt mấy anh em nghe điện thoại mẹ gọi từ bệnh viện về. Mẹ cứ hỏi vì sao cha không lên thăm mẹ, em cố gắng cười và bảo cha khỏe, đang bị bó bột ở chân nên chưa lên được", Thủy nói.

Trưa 24-6, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra giữa một xe máy và xe tải trên quốc lộ 1 đoạn qua trạm thu phí Điện Thắng. Nạn nhân là một cặp vợ chồng trên đường đi bán rau từ TP Đà Nẵng trở về. Họ đang trên đường đi bán rau để kiếm tiền cho cô con gái ăn học. Và cô gái ấy sắp bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh: thi THPT quốc gia.
1h sáng 24-6, mẹ Thủy chạy xe máy chở theo chồng là ông Nguyễn Khôi (45 tuổi) cõng hai sọt hành chạy ra chợ đầu mối tại Đà Nẵng để bán, kiếm tiền chuẩn bị cho con thi xong rồi vào đại học. Lúc 12h trưa, bán hàng xong hai vợ chồng đèo nhau về, khi tới trạm thu phí Điện Thắng thì xe máy của hai người tông vào xe tải. Ông Khôi nguy kịch và được đưa vào viện nhưng không qua khỏi. Bà Đoàn Thị Ánh - vợ ông cũng nguy kịch và được chở ra Bệnh viện Đà Nẵng.

Khi xe bệnh viện chở xác ông Khôi về tới nhà thì cũng là lúc tấn bi kịch khác ập tới: mẹ ông lom khom bước ra cửa, vừa nhìn thấy xe đưa thi thể con trai về, bà quỵ xuống. Nỗi đau đớn ngoài sức tưởng tượng đã khiến bà ngã xuống rồi tắt thở.

Tai họa ập đến ngay trong thời khắc quan trọng nhất của đời học sinh của Thủy. Mới mấy hôm trước, cả nhà còn ăn cơm vui vẻ với nhau rồi bàn tán chuyện sắp tới cô con gái học giỏi sẽ thi tốt nghiệp, rồi đăng ký vào ngành du lịch, đeo đuổi giấc mơ mà cha mẹ đã nhen nhóm, dành dụm cho Thủy.

Thủy nuốt nước mắt vào trong để đi thi. Mặc áo dài, cầm giấy bút, em đứng trước thi thể nhìn mặt bố lần cuối rồi đến trường thi với một quyết tâm không ai hiểu được.

Câu chuyện đau lòng của ba đứa bé mất cả cha lẫn mẹ vì tai nạn giao thông

Năm 2015, ba anh em em Nguyễn Hoàng Đức (15 tuổi), Nguyễn Hoàng Lan Anh (14 tuổi), Nguyễn Hoàng Bút (10 tuổi) không may bị mất mẹ trong một tai nạn giao thông. Kể từ đó, ba đứa trẻ sống dưới sự chăm sóc, bảo ban của bố. Thế nhưng, bất hạnh nối tiếp bất hạnh, đến tháng 7 năm 2017, một lần nữa các em lại chịu cảnh mồ côi khi bố cũng qua đời vì tai nạn giao thông…Trong ngôi nhà cấp 4 ở ấp Đa Tôn, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai, chiếc bàn thờ của anh Nguyễn Văn Cao (cha của Đức, Lan Anh, Bút) nghi ngút khói nhang, sự lặng lẽ bao trùm lên từng mảnh vườn, từng góc phòng nhỏ. Bố vừa mất khi ngôi nhà vừa được sửa sang xong, ba anh em vẫn chưa quen với nỗi mất mát lớn đó. Sau đám tang cha, em Hoàng Bút bị sốc tâm lý, luôn lẩn vào một góc, không dám tiếp xúc với ai.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, ông nội Bút xót xa: “Cháu nó rất nhớ bố. Mọi lần, đi đâu bố cũng đèo mấy đứa đi theo. Đi trực ở cơ quan, bố cũng chở tụi nhỏ đi vì sợ chúng nó ở nhà buồn. Bố thương lắm, chiều lắm nên bây giờ bố mất, các cháu bị sốc và hụt hẫng!

Khi chị Như, vợ anh Cao mất vì tai nạn giao thông, để lại ba đứa con nhỏ dại. Một mình anh Cao gà trống nuôi con, vừa làm công an tại địa phương, vừa nhận thêm đủ việc để có tiền trang trải cuộc sống của gia đình. Căn nhà ọp ẹp được anh dành dụm, sửa sang lại cho thoáng mát để các con có cuộc sống tiện nghi thoải mái hơn, thế mà, niềm vui chưa được bao lâu thì tai nạn bất hạnh ập đến...

Ba em nhỏ còn đang tuổi ăn, tuổi học giờ đây chỉ còn biết nương tựa vào ông bà nội già yếu. Ông nội của các em, năm nay đã 79 tuổi, hiện sinh sống nhờ vào mảnh vườn nhỏ trồng chuối. Bà nội chỉ ở nhà làm việc nội trợ, trí nhớ đã không còn minh mẫn nữa, lúc nhớ lúc quên.

Em Bé Lan Anh khi được hỏi, chỉ lắc đầu: “Bây giờ con chẳng có ước mơ gì hết. Ông bà con đã lớn tuổi lắm rồi, không biết tụi con có còn được đến trường nữa không?

Nỗi niềm rau răm ở lại

Chẳng ai biết trước chuyện gì xảy ra cả. Khi bất hạnh bất ngờ gọi tên mình, những người cha người mẹ ra đi thì những đứa con ở lại cũng đau thương như câu hát ru: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Khi những mái nhà vắng nóc thì những đứa con vẫn phải tiếp tục sống, vẫn phải tiếp tục lớn lên, viết tiếp ước mơ của mình bằng nghị lực và sự dũng cảm. Các em có thể sẽ nên người, thành người hữu ích nhưng con đường đó thật lắm gian nan và nhiều thử thách, đặc biệt khi bên cạnh mình không còn những người lớn yêu thương chăm sóc.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, cả nước đã xảy ra trên 20.000 vụ tai nạn giao thông. làm hơn 8000 người chết. Bình quân 1 ngày có 23 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về nữa. Có biết bao nhiêu đứa trẻ phải mất cha, mất mẹ và phải tiếp tục lớn lên bằng nghị lực của những đứa trẻ mồ côi.

Tai nạn giao thông đáng sợ thay lại chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đưa Việt Nam thành 1 trong 3 nước có tỉ vệ thương vong đứng đầu thế giới vì thảm họa này.

Hàng ngày, khi chúng ta biết được những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ sớm mồ côi cha mẹ mà vẫn cố vươn lên bằng nghị lực, chúng ta xúc động, chia sẻ. Có những tấm lòng hảo tâm thì đóng góp, hỗ trợ một phần nào. Những sự giúp đỡ đó thật sự sẽ là động lực, không thể cùng các em đi trọn cả cuộc đời. Không gì bù đắp nổi nỗi đau mất cha mất mẹ, mất người thân.

Thế mà, hàng ngày, đi trên đường, chúng ta vẫn gặp những con người chạy xe như làm xiếc, vẫn nghe, vẫn thấy những vụ tai nạn không thể hiểu nỗi xuất phát từ sự sơ ý, chủ quan của người cầm lái. Nghe thật quá quen thuộc và sáo rỗng với câu khẩu hiệu: “Phía sau tay lái là mạng sống”, nhưng thật sự có được bao nhiêu người luôn thuộc nằm lòng điều này mỗi khi cầm lái. Lái ẩu, chủ quan không chỉ mang tai họa cho chính mình mà còn có khả năng đem đến bi kịch cho những gia đình khác.

Ai cũng có gia đình, người thân để thương yêu và lo lắng. Ai cũng có những người thương yêu chờ chúng ta về mỗi ngày. Thế nên, mỗi ngày, khi dắt xe ra đường, lại tự nhủ lòng: “Phải an toàn trở về sau mỗi ngày làm việc!” Bởi ai thì cũng mong con mình có nghị lực và mạnh mẽ, nhưng chẳng ai mong những đứa trẻ lại phải lớn lên bằng nghị lực mồ côi!

Nguồn Webtretho: https://webtretho.com/forum/f3950/tu-cau-chuyen-co-be-mang-noi-dau-mat-cha-mat-ba-den-truong-thi-dung-de-nhung-dua-tre-phai-lon-len-bang-nghi-luc-mo-coi-2682765/