Tứ chi cụt ba nhưng không dám chết vì vợ liệt, con thơ

Có những lúc cuộc sống bế tắc đến cùng quẫn anh đã từng nghĩ 'mình chỉ cần 10 ngàn tiền thuốc diệt cỏ là xong đời, chứ sống cùng cực thế này thì chẳng bằng chết đi cho rồi…'. Thế nhưng, nhìn cảnh người vợ nằm liệt giường, đứa con thơ còn nhỏ dại anh lại gạt nước mắt gắng gượng sống, lao động và không quên mơ về một ngày mai tươi sáng hơn.

Hàng ngày anh còn phải chăm sóc người vợ bị liệt nằm một chỗ

Câu chuyện về cuộc đời nhiều tai ương, đầy bất hạnh nhưng lại tràn đầy nghị lực đó là của vợ chồng anh Ngô Văn Hồng (50 tuổi) và chị Đỗ Thị Tuyết Mai (45 tuổi tuổi trú tại thôn 4, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, Gia Lai).

Tàn nhưng không phế

Trong một lần công tác tại huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện đầy bất hạnh của gia đình anh Hồng. Những cán bộ nơi đây khi nói về hoàn cảnh gia đình anh ai cũng tỏ ra khâm phục, người đàn ông bị cụt 2 tay, 1 chân nhưng quyết không đầu hàng số phận.

Ngay từ đầu cổng, chúng tôi đã lặng đi trước ngôi nhà vách gỗ dột nát. Nghe tiếng người lạ, anh Hồng lê từng bước nặng nhọc ra chào rồi dẫn khách vào. Bên chén trà, anh Hồng kể, năm 1985, trong một lần khai hoang đất sản xuất, anh cuốc phải bom mìn còn sót lại từ thời chiến. Trong tiếng nổ rầm trời, anh Hồng chỉ kịp cảm thấy đau nhói toàn thân, đôi mắt tối sầm lại rồi ngất lịm.

Sau nhát cuốc oan nghiệt ấy, anh Hồng giữ lại được mạng sống đã là một kì tích. Trở về nhà với đôi tay cụt, chân phải chỉ còn đến mắt cá, mắt phải cũng vĩnh viễn đui mù. Những tháng ngày ấy với anh Hồng như rơi vào địa ngục. Nhiều lúc tủi phận anh chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng nghĩ đến cha mẹ già, anh lại cố gắng làm lại cuộc đời.

Không chịu khuất phục trước số phận, sau khi lành vết thương anh Hồng bắt đầu đi kiếm việc làm. Nhưng vì tàn tật, anh đi đến đâu cũng không có ai thuê vì sợ nuôi tốn cơm. Quá đắng cay, anh Hồng ở nhà một thời gian, lúc buồn chán anh lại lấy bút giấy tập viết.

Vậy mà trời cũng không phụ người có tâm, cuối cùng anh Hồng được một doanh nghiệp sản xuất cà phê nhận vào làm. Anh Hồng nhận làm tất cả công việc từ đào hố, bón phân, phun thuốc, đặc biệt hơn, anh còn làm thêm công việc kế toán với đôi tay cụt. Tất cả mọi việc anh đều dùng những đoạn xương còn sót lại sau vụ nổ để thực hiện.

Mặc dù bị cụt 2 tay, 1 chân nhưng anh Hồng vẫn cố gắng lao động kiếm tiền nuôi gia đình

“Tôi làm được mấy năm thì gặp vợ tôi bây giờ. Thời gian đầu tôi sợ mình sẽ làm khổ cô ấy. Thân mình cùi cụt lo cho mình chưa xong nữa là lo cho ai. Nhưng rồi vì thương hoàn cảnh cùi cụt nên bà ấy một mực theo tôi về làm vợ”, anh Hồng kể. Năm 2006, đôi vợ chồng ấy hạ sinh được một cậu con trai. Từ ngày có vợ có con, anh Hồng phải cố gắng làm lụng đủ nghề những mong kiếm tiền cho vợ con đỡ khổ.

Nhưng dường như số phận cứ mãi đùa cợt với mái ấm nhỏ ấy khi chị Mai bị tai biến mạch máu não. Để cứu vợ, anh Hồng đã cắn răng bán hết đất đai nhà cửa mà cha mẹ để lại. Sau lần tai biến ấy, dù được cứu sống nhưng chị Mai cũng chỉ nằm một chỗ vì bị liệt nửa người.

“Giờ bà ấy nằm một chỗ, không biết gì hết nên mọi việc chăm sóc bản thân đều do một tay tôi lo…”, anh Hồng ngậm ngùi.

Vẫn mơ về ngày mai

Dù đã dốc hết sức lực và tài sản trong nhà để chạy chữa cho vợ, nhưng tất cả đều vô vọng, bệnh tình của chị Mai mỗi lúc một nặng hơn. Thế nhưng, người đàn ông này vẫn tin rằng sẽ có ngày vợ khỏi bệnh. Hàng ngày anh ra sức đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Mỗi tháng, dành dụm được bao nhiêu tiền anh Hồng lại “cõng” vợ đi tìm thầy chữa bệnh.

Anh Hồng tâm sự: “Buổi sáng tôi ở nhà chăm sóc vợ, cho con trai đi học, buổi chiều mới bắt đầu đi làm. Vì cùi cụt nên tôi chỉ nhận làm khoán để bù lại thời gian nghỉ buổi sáng. Thường tôi làm từ 12h trưa cho đến 19h tối, khi người ta ra nghiệm thu công việc, trả tiền tôi mới được về. Trời nắng thì làm cỏ, đào hố cà phê, phun thuốc, mưa thì đi bón phân, trồng cây…

Phải làm khoán vậy, chứ làm công không đủ tiền lo thuốc thang cho vợ và con ăn học. Những ngày hè thế này, có cháu ở nhà chăm mẹ, tôi mới làm được nhiều. Phải ráng làm gấp 3, gấp 4 lần bình thường mới đủ tiền trang trải chi phí cho gia đình”. Đổi lại, nếu như một ngày làm công bình thường được 160.000 đồng thì anh Hồng có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày từ việc nhận làm khoán.

Thế nhưng cuối năm 2017, tai ương lại tiếp tục gieo xuống mái ấm của anh Hồng. Trên đường đi làm về anh bị ngã xe. Vụ tai nạn khiến chiếc chân lành lặn còn lại của anh bị gãy dập. Đói nghèo lại thêm cùng cực khi phải nằm viện cả tháng trời. Thương cảm cho hoàn cảnh nghèo túng, bà con xóm giềng mỗi người chung một ít lo viện phí, thuốc thang cho anh.

Nằm viện cả tháng trời, người vợ liệt anh đành phải giao cho đứa con nhỏ chăm sóc nên dù chưa liền chân anh vẫn phải gắng gượng tìm việc làm để nuôi sống gia đình.

Ngôi nhà cũ đã lụp sụp của gia đình anh Hồng

Hiện tại, tài sản duy nhất của gia đình anh chỉ còn ngôi nhà vách gỗ đã bị mối ăn gần hết cột và bộ đồ nghề làm thuê chuyên dụng do anh tự chế. Vì không còn tay chân nên mỗi vật dụng như: cuốc, dao, rựa anh Hồng đều phải gắn một cái quai để đeo vào cùi tay thay cho những ngón tay đã bị cụt.

Sau những buổi làm việc cật lực, lúc đêm về, những cùi tay của anh Hồng sưng đỏ đau rát. Dù đau đớn nhưng anh vẫn phải cắn răng chịu đựng khi bên anh là người vợ liệt nằm một chỗ, và đứa con còn nhỏ dại.

Mặc dù, cuộc sống trước mắt anh và gia đình gần như chỉ toàn một màu đen, đã có những khi anh cảm thấy cùng quẫn chỉ muốn tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Thế nhưng, khi nhìn vợ con, anh lại không đành lòng và lại không ngừng hi vọng rằng sẽ có một ngày bệnh của vợ anh sẽ được chữa khỏi.

Chúng tôi ra về khi trời đã sâm sẩm tối, anh Hồng lê từng bước nặng nhọc xuống bếp vặn lại chiếc bóng đèn chữ u đang chập chờn sáng tối. Ở bên ngoài, cơn gió thổi mạnh làm tấm tôn trên mái nhà vỗ rầm rầm rồi rách toe. Mùa mưa đang đến gần, chẳng biết anh Hồng sẽ xoay sở thế nào với cái mái nhà đang dần hở toác…

Nguyễn Luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/tu-chi-cut-ba-nhung-khong-dam-chet-vi-vo-liet-con-tho-410504.html