Tự chủ bệnh viện cần hành lang pháp lý minh bạch, cụ thể

Tự chủ toàn diện của khối bệnh viện công lập như thế nào là phù hợp, đặc biệt là với bệnh viện ở tuyến cuối?

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K khẳng định, không phải 2 bệnh viện dừng tự chủ mà là chuyển từ hình thức tự chủ này sang hình thức tự chủ khác. Nghị quyết 33 yêu cầu 4 bệnh viện tự chủ, trên thực tế chỉ có 2 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K tự chủ toàn diện.

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này, sau 2 năm thí điểm tự chủ các bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 xây dựng nhiều năm chưa đưa vào sử dụng

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 xây dựng nhiều năm chưa đưa vào sử dụng

Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã có Nghị định 60 về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Giữa Nghị quyết 33 và Nghị định 60 có những điểm tương đồng. Do vậy, chúng tôi muốn chuyển sang thực hiện Nghị định 60 sẽ dễ hơn vì đã có Thông tư 56 hướng dẫn chứ không phải chúng tôi dừng tự chủ. Tuy nhiên, mức độ tự chủ ở Nghị định 60 rất rõ ràng: Tự chủ toàn diện gần như theo Nghị quyết 33 bây giờ. Mức hai là tự chủ chi thường xuyên, tức là không phải đầu tư. Mức ba là một phần chi thường xuyên thì chúng tôi chỉ lo 1 phần lương. Còn mức 4 là Nhà nước phải chi trả. Chúng tôi muốn chuyển sang thực hiện Nghị định 60.

Rất nhiều người nói rằng 'bệnh viện (Bệnh viện K - PV) xin dừng tự chủ', như vậy là không đúng, mà là chúng tôi chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn.

Khi thực hiện tự chủ, nghiên cứu thấy cơ hội rất nhiều. Có thể giải phóng được những cản trở do cơ chế gây ra. Bệnh viện tự chủ về chuyên môn, về tổ chức, tài chính nhưng thực tế còn đang vướng một chút. Ưu điểm là thu hút được nguồn lực xã hội vào đầu tư. Sử dụng nhân lực chủ động linh hoạt, lãnh đạo có nhiều quyền hơn và thậm chí nhiều tiền hơn, đời sống cán bộ nhân viên được nâng lên.

Nhưng thách thức cũng không ít, cụ thể như vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ. Làm sao tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế. BHYT với mức đóng hiện nay thì liệu có đủ để chi trả? Chắc chắn bệnh nhân sẽ phải chi trả nhiều hơn, đó là cái khó.

Thách thức nữa là các bệnh viện có phải cạnh tranh với tư nhân? Nhưng nhiều bệnh viện khác cần tự chủ để người ta phải cạnh tranh. Muốn cạnh tranh với Bệnh viện Bạch Mai hay K thì phải đầu tư mới mẻ, năng động, nâng cao chất lượng, làm tốt hơn để nếu Bệnh viện K hay Bạch Mai quá tải thì chuyển người bệnh sang.

Bên cạnh đó còn nhiều thách thức, ví dụ như vấn đề dùng người. Khi bệnh viện tự chủ, tôi cần người làm được việc. Ai không làm được việc, thì phải giảm lương thưởng đi, đấy cũng là thách thức. Tôi thấy có tới 18 thách thức.

Bệnh viện K đang xây dựng K1, mới xây dựng xong phần thô. Phần thân chúng tôi phải 1.020 tỷ đồng. Chúng tôi mà tự chủ thì chắc chắn không thể lo được, khi xây xong cơ sở chưa đi vào hoạt động được cũng là bài toán rất khó cho lãnh đạo và bệnh viện.

Hiện tại, máy xạ trị của bệnh viện chạy ít nhất 2-3 tiếng, nhiều thì 24 tiếng, gần như bệnh nhân thức cả đêm để xạ. Để đáp ứng được nhu cầu, chúng tôi phải cần 10 máy nữa. Chi phí đầu tư một máy xạ trị đã mất 130 tỷ đồng, 10 máy 1.300 tỷ đồng, không biết khi nào mới đầu tư đủ được. Do đó, chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư 3-4 năm, sang năm thứ 5 chúng tôi đủ nguồn vốn thì sẽ tự chủ toàn diện.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho rằng, Nghị quyết 33 của Chính phủ nêu bệnh viện tự chủ toàn diện thì được tự chủ về giá. Tự chủ về giá nhưng giá ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định. Bệnh viện công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể tự ý nâng giá lên để thu của bệnh nhân.

Trước đây bệnh viện Bạch Mai liên doanh, liên kết, thu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo giá liên doanh, liên kết. Nhưng khi kiểm tra thì vướng do không có văn bản hướng dẫn thu giá liên doanh, liên kết rõ ràng. Làm như vậy rất dễ sai phạm.

Xã hội hóa y tế là chủ trương đúng và cần có những văn bản pháp quy rõ ràng về vấn đề này. Bây giờ tự chủ toàn diện bệnh viện thì chắc chắn phải xã hội hóa, liên doanh liên kết, thuê địa điểm, máy móc thiết bị y tế… Cần hành lang pháp lý chuẩn để các bệnh viện thực hiện.

Bởi nếu thiếu hành lang pháp lý thì lãnh đạo bệnh viện ngại làm, không dám làm. Chúng ta rất dễ vướng vào những sai phạm. Vì vậy chúng ta cần rà soát lại văn bản pháp quy, kể cả Thông tư, Nghị định… để có quy định rõ ràng, cụ thể trước khi các bệnh viện đi vào thực hiện.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/tu-chu-benh-vien-can-hanh-lang-phap-ly-minh-bach-cu-the-5007017.html