Tự chủ bệnh viện - làm sao để bệnh viện 'sống' tốt, người dân được hưởng lợi?

Câu chuyện về tự chủ bệnh viện đã thu hút sự quan tâm của xã hội trong nhiều tháng gần đây và liên tục làm 'nóng' các phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội.

Từ thực tế việc thí điểm tự chủ toàn diện tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K trong 2 năm cho thấy, thất bại khi tự chủ có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song, không thể không nhắc đến vướng mắc rất lớn về cơ chế. Vậy làm thế nào để tự chủ bệnh viện thành công, phục vụ người bệnh tốt hơn, đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Những kinh nghiệm quý báu

Tự chủ bệnh viện là điều tất yếu phải làm bởi một đất nước dù có tiềm lực kinh tế mạnh đến đâu thì ngân sách Nhà nước cũng không thể đủ để bao chi toàn bộ, nhất là để thúc đẩy được sự phát triển vượt bậc của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ngày càng hiện đại.

Tại nước ta, tự chủ bệnh viện là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới cơ chế quản lý, phù hợp bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước cải cách phương thức tài chính công theo hướng phát huy tính tự chủ, hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao. Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng các Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và làm việc với bệnh viện này về tự chủ bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và làm việc với bệnh viện này về tự chủ bệnh viện

Đặc biệt, Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15-9-2019 của Chính phủ đã giao thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bạch Mai. Thế nhưng đến tháng 8-2022 vừa qua, khi kết thúc thời gian thí điểm, cả 2 bệnh viện này đều xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 mà chuyển sang tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60, thừa nhận sự thất bại trong tự chủ toàn diện. Một chuyên gia trong ngành y ví von, nếu coi quá trình tự chủ bệnh viện như chiếc thuyền trên sông, thì hiện tại không ít thuyền đang “mắc cạn”.

Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, tôi thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhìn lại, năm 2020 Bệnh viện Bạch Mai bắt tay vào thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện trong điều kiện hết sức khó khăn. Trước hết là dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tiếp đến, từ hàng chục năm trước Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 của Chính phủ, tức là tự chủ chi thường xuyên. Trong thời gian này, hầu hết thiết bị y tế trong bệnh viện thực hiện theo đề án liên doanh liên kết.

Năm 2019, bệnh viện được thanh tra, kiểm tra toàn diện, phát hiện thiếu sót, sai phạm tới công tác liên doanh liên kết. “Điều này ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng bởi khi chúng tôi bắt tay vào tự chủ thì với toàn bộ thiết bị y tế của bệnh viện, nếu là những đề án đã hết hợp đồng thì được dừng lại, với các đề án còn hợp đồng thì vướng vào các thủ tục pháp lý, vướng vào sai phạm. Có 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, phát hiện sai phạm và đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Đây là vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, khi thực hiện thì các văn bản pháp quy của việc xã hội hóa, liên doanh liên kết chưa chuẩn. Do vậy 11/27 đề án vướng, dẫn đến các thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thiếu trầm trọng” - PGS.TS Đào Xuân Cơ chỉ ra.

Đặc biệt, PGS.TS Đào Xuân Cơ chỉ rõ, mặc dù bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế, bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá. Chênh lệch thu chi không có bởi giá BHYT hiện cũng chỉ thu một phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Vì thế, mặc dù đông bệnh nhân nhưng thu không đủ để chi. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế rằng, chúng tôi cần cơ chế hoạt động làm sao công khai, minh bạch để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi cần cơ chế chính sách phù hợp” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Tương tự, GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, khi thực hiện tự chủ toàn diện ở bệnh viện này, cơ hội rất nhiều, song thách thức còn lớn hơn bởi “có tới 18 thách thức chứ không phải ít”. “Chúng tôi vẫn mong muốn khi chuyển sang tự chủ theo Nghị định 60 thì tương đồng với Nghị quyết 33 của Chính phủ trước đó, bệnh viện vẫn được Nhà nước đầu tư, sẽ thuận lợi hơn trong thời gian trước mắt. Khoảng 3 - 5 năm nữa chúng tôi chuyển sang hình thức tự chủ toàn diện thì hợp lý” - GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Cần nhất là cơ chế

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhấn mạnh, một người làm quản lý cần nhất là cơ chế, cần cơ chế nhiều hơn cần tiền. Tự chủ bệnh viện là chủ trương rất đúng, là cơ chế rất hay, nhưng tự chủ đến đâu? Nếu tự chủ quá mức vô tình mình tư nhân hóa. Cái này là sai định hướng xã hội chủ nghĩa, sai đường lối của Đảng. Do vậy, ông Nguyễn Anh Trí nêu rõ quan điểm không ủng hộ tự chủ toàn diện ở mức 1 mà chỉ nên tự chủ có chi thường xuyên.

Đồng quan điểm, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, có 3 vấn đề khiến bệnh viện chưa thể tự chủ toàn diện được. Thứ nhất là thể chế của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu để bệnh viện tự chủ toàn phần được. Thứ hai là tổ chức thực hiện có vấn đề. Thứ ba có tính chất rất quyết định là vấn đề cơ chế giá. “Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, tôi thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần” - TS Bùi Sỹ Lợi nói. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, có 2 hạng bệnh viện là bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu thì dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.

Cũng phân tích về nội dung này, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tự chủ tài chính là một nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của xã hội cũng như trong quá trình vận động và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Nhưng tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn. Điều quan trọng nữa là tự chủ bệnh viện phải giúp chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, chất lượng cao hơn và giá dịch vụ vừa phải.

Đồng thời, tự chủ nhưng vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tức là thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội. Đây chính là bộ mặt của chế độ ta, tức là người dân phải được bảo đảm về chính sách an sinh xã hội. Trong tự chủ, chúng ta không chỉ tự chủ về mặt tài chính. Thứ nhất là tự chủ về các hoạt động chuyên môn. Thứ hai là tự chủ về tổ chức cán bộ. Thứ ba là tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản. Thứ tư là tự chủ về giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Thứ năm là tự chủ về tiền lương và mức độ phụ cấp. Và đối chiếu vào thực tiễn hiện nay, ông Quang cho rằng, tất cả những nội dung tự chủ trên đều gặp vướng mắc về cơ chế. “Tôi nhấn mạnh rằng, chủ trương là đúng đắn nhưng để bệnh viện tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện, thì chúng ta cần có hành lang pháp lý đầy đủ, hướng dẫn tự chủ về mặt tổ chức như thế nào, mua sắm tài sản ra sao, giá dịch vụ khám chữa bệnh, rồi tiền lương, tiền công nữa. Khi đã cụ thể rồi thì chúng ta có hẳn hành lang pháp lý để áp dụng, tổ chức, thực hiện” - , TS Nguyễn Huy Quang đề xuất.

Các chuyên gia nói trên cũng đều thống nhất cho rằng, dù chính sách tự chủ bệnh viện ra sao thì quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cho quyền lợi của người dân.

Tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn. Điều quan trọng nữa là tự chủ bệnh viện phải giúp chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, chất lượng cao hơn và giá dịch vụ vừa phải. Đồng thời, tự chủ nhưng vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tức là thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội.

TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-chu-benh-vien-lam-sao-de-benh-vien-song-tot-nguoi-dan-duoc-huong-loi-post523434.antd