Tự chủ đại học: Xuất hiện nhiều thách thức

Tự chủ đại học là cuộc chuyển đổi lớn, có ý nghĩa rất quan trọng để giáo dục đại học phát huy được sức mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, từ thực tế đã xuất hiện nhiều thách thức với các trường đại học, Đại học.

Những con số ấn tượng về Tự chủ đại học
Bài toán nào tháo “điểm nghẽn” trong tự chủ đại học?
Quản trị Đại học: Cân bằng mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng như thế nào?

Tự chủ đại học là một cuộc cách mạng về chính sách

Ba trụ cột của giáo dục đại học trong thế kỉ 21 là: Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ thành công, tư vấn chính sách có hiệu quả. Giáo dục đại học ngày càng phải thể hiện rõ tính chất độc đáo, dẫn dắt và sáng tạo.

Vì vậy, để có sức sáng tạo - chức năng quan trọng nhất của trường đại học và để tầm ảnh hưởng của nó được lan tỏa và có sức hấp dẫn bởi một môi trường tốt, môi trường tự chủ và sáng tạo sẽ là điểm then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cộng đồng. Đây cũng là tư tưởng cốt lõi của Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học, năm 2018 (gọi tắt là Luật số 34).

Kết quả đạt được qua gần 3 năm thực hiện Luật 34 là rất lớn, có thể coi tự chủ đại học là một cuộc cách mạng về chính sách, đột phá, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ ĐH và mở rộng quyền tự chủ cho các trường.

Có thể nói, tự chủ đại học với 3 trụ cột quản lí nhà trường về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính đã thúc đẩy các trường chủ động hơn, khai thông nguồn lực và đặc biệt là đã làm mỗi trường đại học có cơ hội đánh giá nhìn nhận toàn diện mình hơn, chủ động chỉ ra các hạn chế, khiếm khuyết và những rào cản để vươn dậy.

Đây cũng là thách thức rất lớn các trường trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện, đánh giá và hoàn thiện các mặt hoạt động của nhà trường. Điểm sáng của tự chủ đại học là rõ nét từ khi thực hiện Luật 34 với thời gian chưa nhiều, song có thể kiểm đếm 5 kết quả tốt: Tư duy mới về quản trị đại học; mở rộng hệ thống và các quan hệ; chất lượng chuyên môn học thuật; bộ máy tinh gọn; tài chính hiệu quả.

Dẫn chiếu các điều Luật và thể chế hóa qua các Nghị định, Thông tư đã cho thấy có sự đồng bộ, điều chỉnh theo hướng chất lượng, coi trọng thực tiễn và đem lại hiệu quả rõ nét, ví dụ Nghị định 116/2020/NĐ-CP về Quy định về chính sách hỗ trợ học phí với sinh viên sư phạm; Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo giáo dục đại học…

Sức sáng tạo của các trường được thể hiện rõ ở các phương diện chuyên môn, trong phát triển chương trình và nghiên cứu, chuyển giao KHCN, công bố quốc tế, xếp hạng…Môi trường giáo dục đại học được xây đắp bởi tính tự chủ, tự giác vượt bậc của chính đội ngũ và sinh viên nhà trường.

Có thể coi đây là cuộc chuyển đổi lớn, có ý nghĩa rất quan trọng để giáo dục đại học phát huy được sức mạnh thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá đã xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục đại học ngày càng phải thể hiện rõ tính chất độc đáo, dẫn dắt và sáng tạo

Giáo dục đại học ngày càng phải thể hiện rõ tính chất độc đáo, dẫn dắt và sáng tạo

Đại học Vùng gặp khó

Tuy nhiên, tự chủ tại các trường đại học của Việt Nam đang là một vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là đối với các Đại học Vùng (đa ngành) khi thực hiện Luật số 34. Đại học Vùng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, chưa gắn liền với chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên và các chương trình, dự án trọng điểm.

Mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên.

Các đại học vùng khi có được cơ chế mới phải hướng đến mục tiêu tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất, tài chính, quản lý,…để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu phục vụ cộng đồng. Nếu tăng tính tự chủ cao theo luật sẽ phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo trong phát triển các chương trình đào tạo, thích ứng với sự thay đổi toàn cầu và nhu cầu của xã hội.

Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định tự chủ cho các trường đại học, cần có lộ trình cụ thể, tăng sự giám sát của Nhà nước để tránh hiện tượng bất bình đẳng trong giáo dục, đào tạo; đầu tư có trọng điểm và để tránh lãng phí, tập trung sức mạnh giải quyết vấn đề lớn về nguồn nhân lực.

Xuất hiện nhiều mâu thuẫn

Hội đồng trường đại học là một thiết chế mới đã được thực thi trong một số trường đại học trong khoảng 5-7 năm qua. Cần tham khảo 2 thiết chế hoạt động “hội đồng” trong thực tiễn. Cụ thể: Thiết chế của Hội đồng nhân dân tỉnh (hoặc huyện) là Bí thư hoặc Phó bí thư cấp ủy chủ trì (chủ tịch Hội đồng nhân dân) có Luật hội đồng nhân dân, thông qua quyết nghị nhân sự ủy ban và các hoạt động của chính quyền; thiết chế hoạt động này có 2 điểm lưu ý: nhân sự là công chức nhà nước và có ngân sách đảm bảo.

Đối với Hội đồng quản trị của doanh nghiệp hoạt động bởi chi phối của Luật doanh nghiệp và thành viên là đóng góp cố phần (người chủ trì là góp vốn trên 51%); hoạt động theo thiết chế kinh tế thị trường…

Nhìn chung, hoạt động của 2 thiết chế hội đồng trên đây được điều chỉnh bởi những Luật rất rõ ràng. Các thành viên hội đồng của 2 thiết chế chịu ràng buộc bởi trách nhiệm và lợi ích các bên tham gia.

Tuy nhiên, khi tổng hợp hoạt động của hội đồng đại học thì khó khăn xuất hiện: Thành viên hội đồng bên ngoài khi tham gia góp ý tài liệu, biểu quyết nhân sự, trao đổi trực tiếp trong các phiên họp…) với thời gian hạn hẹp bởi 100% là kiêm nhiệm (tổng giám đốc, nhà lãnh đạo, nhà khoa học…) .

Khả năng đóng góp về trí tuệ thì lớn, đóng góp nhiều kinh nghiệm hay…nhưng không thường xuyên và nhiều khi bị vướng bởi yêu cầu pháp chế của các quyết định cá nhân khi không có mặt trong khi hoạt động của nhà trường cần giải quyết các vấn đề nảy sinh, cần những quyết sách trực tiếp, kịp thời.

Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Đảng ủy: Muốn trường đại học tự chủ thực sự, Hội đồng trường phải có thực quyền theo Luật định. Điều này đã được Luật số 34 và Nghị định số 99 quy định rõ, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu Chủ tịch hội đồng trường kiêm Bí thư đảng ủy là xu hướng thuận lợi.

Mặc dù không xuất hiện mâu thuẫn lớn nhưng có hai xu hướng: Nếu các Nghị quyết của Đảng ủy được Hội đồng tuân thủ tuyệt đối, do vậy, ý kiến khác của các thành viên khác sẽ khó được tiếp thu. Ngược lại, có nội dung của nghị quyết Hội đồng trường có thể chưa “khớp” vào định hướng của Đảng, do vậy cần có sự “đối thoại” trực tiếp giữa Hội đồng và Đảng ủy.

Như vậy, tính chất chỉ đạo và phản biện, tham gia và quyết định từ 2 chiều giữa Đảng ủy và Hội đồng tuy đồng nhất nhưng chưa thực sự thống nhất cao. (ví dụ, một thành viên hội đồng – người trong trường, giữa vai đảng ủy viên và vai thành viên hội đồng chưa rõ).

Hội đồng đại học (áp dụng cho Đại học vùng): Trong Luật 34: “a) Thành viên hội đồng đại học công lập bao gồm thành viên trong và ngoài đại học. Thành viên trong đại học bao gồm bí thư cấp ủy, giám đốc đại học, chủ tịch công đoàn đại học, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của đại học; chủ tịch hội đồng trường của đơn vị thành viên (nếu có) hoặc người đứng đầu đơn vị thành viên trong trường hợp đơn vị không có hội đồng trường…”.

Như vậy, có thể hiểu “nếu có” là khi xuất phát từ thực tiễn, các trường thành viên không nhất thiết có Hội đồng trường. Vì Hội đồng Đại học đã có chức năng “Cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học” (Khoản 9 Điều 1 của Luật số 34).

Hội đồng đại học có trách nhiệm và quyền hạn: “Quyết định về cơ cấu tổ chức, đơn vị thành viên của đại học” (Khoản 13 Điều 1 của Luật số 34). Với quy định trong Luật đã rõ nhưng trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn lại cụ thể hóa cho các trường thành viên (như các trường độc lập khác) trước khi Hội đồng Đại học thành lập nên khó khăn. Ví dụ: “Điều 8. Các đơn vị thành viên của đại học vùng: 2. Cơ cấu tổ chức của trường đại học thành viên của đại học vùng thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Giáo dục đại học)”.

Do vậy, khi Hội đồng đại học thiết kế về tổ chức, cơ chế hoạt động các trường thành viên gặp khó khăn bởi không thể “tổ hợp” lại được. Điều này sẽ làm cho nhiệm vụ của Đại học khó thực hiện được mục tiêu đã ghi trong Luật: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”; “Cùng thống nhất thực hiện mục tiêu sứ mạng chung”.

Tự chủ đại học chịu sự chi phối của nhiều văn bản

Về vấn đề quản lý, phân cấp, tài chính, tài sản: Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức – Viên chức…Hiện nay, Luật Lao động chưa phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Doanh nghiệp, các luật chồng chéo, khó để phát triển đại học tự chủ.

Sự chưa đồng bộ giữa tương thích giữa các Luật có liên quan đến Luật Giáo dục đại học và nhiều quy định của nhà nước. Việc kết nối doanh nghiệp và đầu tư theo các phương thức xã hội hóa; công tác bổ nhiệm cán bộ theo Luật viên chức; công tác đảng yêu cầu về nhiệm kì và quy hoạch cán bộ trước khi bổ nhiệm…

Cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND Tỉnh hoặc cơ quan khác) quản lý về đất đai, trong tình huống nhà trường vay nợ không trả được, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm nên chủ quản phải nắm tài sản, nhân sự, đầu tư công dài hạn, xây dựng trường. Hội đồng trường tự chủ học phí, tự chủ chương trình và học thuật. Cần xác định rõ vị trí “người đứng đầu” trong cơ quan đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ.

Mối quan hệ cơ quan quản lý nhà nước (Đại học vùng) và các trường đại học thành viên: Khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng phải rà soát các luật trên và sửa đổi các quy định dưới luật; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường đại học; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.

Tự chủ không có nghĩa là tự do, tự lo mà ngược lại, cơ sở giáo dục được gỡ các “nút thắt” trong các quy định pháp luật giáo dục đại học trước đây, được tự do trong mọi hoạt động và trong khuôn khổ các quy định pháp luật có liên quan. Nhà nước cần đầu tư mạnh cho các trường đại học có khả năng tự chủ cao và có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Tự chủ đại học không có nghĩa là không có sự quản lý của nhà nước mà các cơ sở giáo dục đại học vẫn chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước và chịu sự quản lý của pháp luật. Ví dụ, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17 về quản lí chương trình có tác dụng định hướng chuẩn cho các trường, tránh tình trạng các chương trình bị hạ thấp để “đáp ứng nhu cầu” thuộc phân khúc thấp của thị trường lao động. Do vậy, cần quản lí tốt về tự chủ.

GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên

5 giải pháp

Thứ nhất, Thiết kế Hội đồng đại học Vùng theo yêu cầu thực tiễn để đạt mục tiêu chung: nguồn lực chung về con người, cơ sở vật chất và tài chính. Hội đồng trường đại học hoặc hội đồng đại học cần tinh gọn. còn các thành phần khác (ngoài trường) thiết kế là thành phần tham vấn, hội đồng khoa học, hội đồng chuyên gia…Hội đồng trường đại học hoặc hội đồng đại học cần xác định rõ vị trí quản lí và chuyên gia, có thiết chế hoạt động kèm chế tài hoạt động (trong trường hợp không tuân thủ các quy định của hội đồng) để hoạt động thực sự có hiệu quả.

Thứ hai, Trên thực tế, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các trường đang gặp khó khăn: giữa yêu cầu của hệ thống văn bản pháp luật với thực tế từng trường đang trong quá trình tinh giản biên chế, thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Đảng về tinh gọn bộ máy hiệu quả, hiệu lực; tính chuyên nghiệp về pháp chế văn bản của nhiều đơn vị còn yếu (nhiều văn bản của trường đại học đang “chờ” những văn bản lớn hơn trong khi công việc phải điều hành).

Do vậy, Bộ chủ quản cần hỗ trợ và kiểm duyệt hệ thống văn bản này (ở mức độ đạt yêu cầu) sẽ giúp các trường tháo gỡ các vướng mắc, sai sót trong giai đoạn đầu của tự chủ đại học. Đặc biệt là mô hình 3 đại học vùng cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành để triển khai hiệu quả hội đồng 2 cấp hiện nay.

Thứ ba, Từ kinh nghiệm của hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp và hội đồng quản trị doanh nghiệp, mỗi trường đại học cần thiết chế hệ thống chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp chế cho nhà trường; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Trong quá trình đó, cần một độ “trễ” khi được kiểm tra, kiểm toán, thanh tra các hoạt động của nhà trường, góp phần tạo động lực mạnh mẽ hơn trong quá trình tự chủ giáo dục đại học. Công tác kiểm tra (đảng), thanh tra (chính quyền) cần điều chỉnh các nội dung phù hợp với thực tiễn đang triển khai tại các trường (vì hiện nay các trường đang được kiểm tra, thanh tra theo đối tượng tổ chức Đảng tương đương cấp huyện, xã...)

Thứ tư, điều kiện cần thiết để Đại học Vùng giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm đào tạo đa ngành trong giai đoạn hiện nay rất cần đến chính sách đầu tư trọng điểm của Nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự trong quản trị đại học và chương trình đào tạo.

Để giải quyết căn bản các vấn đề trên, bản thân các trường đại học phải tự vận động để nâng cao chất lượng toàn diện thì mới thu hút được người học. Bên cạnh đó, vấn đề đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế thì đại học vùng phải gắn bó chặt chẽ với địa phương để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương bằng chính các sản phẩm khoa học và công nghệ có tính thực tiễn và cạnh tranh cao.

Thứ năm, cần thống nhất khái niệm về tự chủ đại học bởi vì tự chủ là khái niệm rộng, tự chủ không cẩn thận sẽ hiểu là tự trị. Tự chủ cũng không phải là tự túc, tự lo. Nhà nước cần đầu tư ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu.

Các nước như Anh, Úc, Hoa Kỳ có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia.

Cần điều chỉnh Nghị định 99 và Thông tư 10

Để khẳng định vai trò dẫn dắt phát triển chiến lược vùng, trong Nghị định Chính phủ cần có cơ chế giao nhiệm vụ cho Đại học Vùng khảo sát, đề xuất, tổ chức nghiên cứu, áp dụng chuyển giao về KHCN và tư vấn chính sách với các địa phương (cách làm hiện nay là các địa phương được giao kinh phí, mời các nhà khoa học tham gia đăng kí, đề xuất…).

Đối với các đại học quốc gia và đại học vùng, cần tổng kết hiệu quả mô hình hội đồng 2 cấp, vì: Trong Luật 34 đã quy định thành phần Hội đồng Đại học “…chủ tịch hội đồng trường của đơn vị thành viên (nếu có) hoặc người đứng đầu đơn vị thành viên trong trường hợp đơn vị không có hội đồng trường…”.

Mặt khác, Luật 34 cũng quy định "Cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học", Hội đồng Đại học có trách nhiệm và quyền hạn: "Quyết định về cơ cấu tổ chức, đơn vị thành viên của đại học".

Như vậy, Hội đồng Đại học có quyền quyết định về cơ cấu tổ chức của các trường thành viên (trong đó có hội đồng trường) phù hợp Nghị quyết 18, 19 cũng nhấn mạnh đến việc “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Quy chế tổ chức hoạt động của Đại học Vùng sẽ do Đại học Vùng có trách nhiệm ban hành, cụ thể quy chế hoạt động của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc trong đơn vị của để nâng cao hiệu quả quản trị, trong khi các đơn vị thành viên được giao quyền đầy đủ (dẫn đến quan hệ tương tự như Điều 5 - Liên kết các trường đại học thành đại học, Nghị định 99). Hoặc, thực tế là Giám đốc Đại học Vùng có trách nhiệm điều hành đại học, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các trường thành viên, nhưng lại không được ra quyết định bổ nhiệm các hiệu trưởng trường thành viên…(Theo NĐ 99, việc này do Hội đồng Đại học công nhận).

Với các quy định hiện nay về tổ chức và hoạt động của các đại học vùng đã khiến cho đại học vùng chưa phát huy hết được thế mạnh của mình, do đó cần điều chỉnh Nghị định 99 và Thông tư 10.

GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/tu-chu-dai-hoc-xuat-hien-nhieu-thach-thuc-i304028/