Tự chủ để tăng tính học thuật

Sau 1 năm chính thức được Chính phủ giao thí điểm tự chủ Trường Đại học Trà Vinh đã thực hiện đã đẩy mạnh triển khai các mục tiêu hướng tới là nhằm đảm bảo phát triển trường thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Chúng tôi xác định thực hiện quyền tự chủ là để nhà trường nâng bước, cất cánh vươn cao và bay xa trong tiến trình hội nhập. Nhưng tự chủ cũng giúp chúng tôi hiểu rằng, mình phải có trách nhiệm cao hơn với người học và xã hội.

Trách nhiệm với người học và xã hội

Ngày 13/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chính thức cho phép Trường Đại học Trà Vinh thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo cơ chế tự chủ, với mục tiêu phát triển Trường Đại học Trà Vinh thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường.

Còn nhớ khi đó, đại diện nhà trường là TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh đã phát biểu quan điểm không vì tự chủ mà tăng học phí. Nhà trường xét thấy việc tăng học phí phải phù hợp với điều kiện của người học, phù hợp với tình hình kinh tế địa phương, nên mức quy định học phí mới được nhà trường đưa ra trong năm học 2017 - 2018 thấp hơn so với mặt bằng chung.

Đã một năm học trôi qua, cũng là một năm trường thực hiện cơ chế tự chủ, nhưng Đại học Trà Vinh, mức thu học phí chỉ tăng chút ít, vẫn thấp hơn mặt bằng chung của các trường đại học, cho dù những biến động của giá cả thị trường một năm qua là không hề nhỏ. Được biết, thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, trường xác định mức học phí phải phù hợp với thực tế chi phí đào tạo để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Để sao cho người học khi chọn trường, có sự cân nhắc kỹ về định hướng nghề nghiệp, khả năng tài chính, điều này cũng sẽ góp phần điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề thông qua việc tuyển sinh hàng năm. Với phương châm, trên cơ sở đảm bảo tự chủ tài chính với mục tiêu phi lợi nhuận và thực hiện trọng trách của một trường đại học công lập, trường đã thành lập các quỹ để hỗ trợ cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, tài năng… hữu ích nhất.

Bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: Chúng tôi xác định tự chủ là để nhà trường nâng bước, cất cánh vươn cao và bay xa trong tiến trình hội nhập nhưng tự chủ cũng giúp chúng tôi hiểu rằng, mình phải có trách nhiệm cao hơn với người học và xã hội.

Trong tự chủ, yếu tố tài chính là quan trọng có tác động rất lớn đến phát triển nhưng không phải khi được tự chủ thì tăng nguồn thu từ học phí, nhất là với một trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực miền Tây Nam Bộ, có đông sinh viên là người dân tộc Khmer. Phát huy thế mạnh của tự chủ, trường đã tăng cường hiệu quả các hoạt động đối ngoại, liên kết hợp tác, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bước đầu đã đem lại giá trị tích cực.

Động lực nâng bước phát triển

Đến thời điểm này, Đại học Trà Vinh đã triển khai việc xây dựng một quỹ nghiên cứu khoa học tối thiểu là 3% từ nguồn thu học phí đại học chính quy dành cho sinh viên, một quỹ học bổng ổn định cho các sinh viên giỏi, tài năng; cho các sinh viên thuộc diện chính sách và đặc biệt khó khăn. Trường cũng đang đẩy mạnh việc huy động tổng thể các nguồn lực trong xã hội và phát huy được hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi trong toàn trường.

Tự chủ ở Đại học Trà Vinh thực sự là một bước đi đột phá - phát huy được tối đa nguồn lực con người và cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực của xã hội đồng thời sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của Nhà nước, mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác để nâng cao năng lực tài chính cho phát triển bền vững, đảm bảo điều kiện thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Trà Vinh đã thực sự lớn mạnh hơn khi thực hiện tự chủ, từ việc xác định tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường đã chủ động trong việc quyết định mở ngành, hoặc dừng mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân cấp IV.

Cũng như được quyền thí điểm mở ngành đào tạo ngoài danh mục cấp IV theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện mở ngành theo quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển... Được tự chủ và tự chịu trách nhiệm thực sự là động lực để Trường Đại học Trà Vinh thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tương tác với các hoạt động, nguồn lực xã hội; tạo các chuyển biến kết nối trong việc thực hiện nhiệm vụ phục vụ xã hội, trong đó trọng trách lớn nhất là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ.

Nói như PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng nhà trường: Được tự chủ toàn diện, nhà trường có điều kiện thuận lợi, chủ động hơn trong đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và công nghệ giảng dạy phù hợp với mô hình đào tạo theo chương trình tiên tiến hướng tới hội nhập quốc tế về đào tạo. Chúng tôi đã và sẽ tăng cường số lượng, chất lượng các đề tài khoa học cấp bộ và cấp Nhà nước, tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học liên kết quốc tế.

Mở rộng và tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường với tư cách là trường đại học công lập và thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong việc đào tạo nguồn nhân lực đồng bào Khmer vùng Nam Bộ; góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong lần về làm việc tại Trường Đại học Trà Vinh, đã chỉ đạo: “Việc giao cho trường tự chủ là giảm bớt những bó buộc không cần thiết, nhằm khơi dậy mọi năng lực, mọi tiềm năng sáng tạo; tin tưởng, cổ vũ, tạo điều kiện cho những ý tưởng mới phát triển, tăng tính học thuật…”. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Đại học Trà Vinh đã và đang đẩy mạnh hoạt động tự chủ theo định hướng ứng dụng gắn kết cộng đồng và hợp tác doanh nghiệp điển hình ở Việt Nam thông qua việc cung cấp các tiện ích học tập chuẩn mực, môi trường nghiên cứu tích cực, sản phẩm công nghệ chất lượng, an toàn cho cộng đồng và là đơn vị trung tâm về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân tộc đặc thù của địa phương và Nam Bộ.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-de-tang-tinh-hoc-thuat-3954598-b.html