Từ chức, đừng trông chờ tự nguyện!

Gần đây, câu chuyện yêu cầu cán bộ thiếu gương mẫu, thiếu năng lực từ chức lại một lần nữa được đặt ra trong các cuộc họp quan trọng.

Nhiều lần bàn về vấn đề này thì ai cũng hiểu muốn cán bộ rời ghế quả là rất khó.

Hiếm hoi lắm chúng ta mới nghe nói có một cán bộ từ chức, và càng hiếm hơn là cán bộ cấp tỉnh hoặc cao hơn. Những cán bộ từ chức phần nhiều là dính đến sai phạm, bị kỷ luật hoặc chẳng còn cách nào níu kéo chiếc ghế quyền hành. Tìm một cán bộ đang làm việc nhưng thấy năng lực mình không đủ, sự phục vụ của mình chưa tương xứng với kỳ vọng của người dân mà từ chức thì càng đỏ mắt. Cả triệu cán bộ trong bộ máy nhà nước hiện nay mà không có ai thấy mình thiếu năng lực thì quả là đáng nể.

Nói đâu xa, chúng ta đã thừa nhận bộ máy biên chế cồng kềnh, đang là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia, và có khoảng 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" thì nghiễm nhiên số lượng cán bộ thiếu năng lực, kém cỏi đang có ở khắp các cơ quan, khắp các địa phương. Kế hoạch của trung ương về việc tinh giản biên chế trên cả nước đang diễn ra là minh chứng làm rõ thêm thực trạng này. Thế nhưng, chuyện giảm biên chế không dễ dàng, không ít địa phương cứ kêu than không thể giảm cán bộ trong khi tỉ lệ cán bộ trên số dân của ta hiện nay thuộc diện cao nhất thế giới.

Những gì đang diễn ra ở thực tế cho thấy câu chuyện chen chân vào bộ máy nhà nước không hề đơn giản. Chuyện chạy chọt, ưu tiên bố trí người nhà, họ hàng, phe cánh… khá phổ biến. Tình trạng tiêu cực này đang làm yếu đi năng lực phục vụ của các cơ quan nhà nước nhưng đến nay chưa được xử lý rõ ràng, hiệu quả. Từng chiếc ghế quyền hành sẽ kèm theo lợi lộc nên ai cũng than lương cán bộ thấp nhưng có mấy ai dám bỏ việc? Có tỉnh, thành khuyến khích hỗ trợ cán bộ lớn tuổi về hưu sớm đến mấy trăm triệu đồng mỗi trường hợp mà chẳng mấy người để tâm nữa là... Tự nguyện từ chức là chuyện xa xôi lắm.

Và một vấn đề đặt ra: Tại sao phải khuyến khích cán bộ từ chức? Về mặt pháp luật, chúng ta có đầy đủ quy định về trách nhiệm của cán bộ. Nếu không đủ năng lực, làm việc không hiệu quả thì cho nghỉ việc. Còn nếu sai phạm thì kỷ luật, vi phạm pháp luật thì khởi tố, truy tố, đưa ra tòa xét xử, tuyên án như những trường hợp đang xử lý ở nhiều địa phương, chứ sao lại trông chờ vào sự tự nguyện?

Văn hóa từ chức phải đặt trong bối cảnh có văn hóa làm việc, văn hóa phục vụ. Biên chế phình to, nhiều cán bộ nhận lương hằng tháng nhưng chẳng muốn làm việc, thậm chí không ít người còn sách nhiễu người dân thì chúng ta làm sao trông chờ họ có được tinh thần phục vụ, văn hóa công sở. Cán bộ càng kém thì càng sợ phải rời khỏi "bầu sữa" ngân sách.

Năng lực cán bộ không quá khó để nhận thấy. Việc cần làm là các cơ quan hữu trách có nghiêm khắc và công minh để loại những cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước hay không…

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-tu-chuc-dung-trong-cho-tu-nguyen-20181105104606867.htm