Từ chức sẽ trở thành văn hóa ứng xử

Kết luận số 20 TB/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 8-9 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên. Chủ trương phân công, xử lý cán bộ sau khi bị kỷ luật thật rõ ràng, cụ thể. Hầu hết mọi ý kiến đều đồng tình cho rằng Kết luận của Bộ Chính trị đã mở hành lang pháp lý rõ ràng cho văn hóa từ chức của cán bộ, điều mà trước nay khá hiếm hoi ở ta. Một hệ thống văn bản hoàn chỉnh của Đảng đang từng bước cụ thể hóa những qui định về xử lý cán bộ vi phạm ngày càng rõ ràng, không còn đất cho những ai muốn…vận dụng. Kết luận của Bộ Chính trị sẽ chấm dứt tình trạng những vị cán bộ bị kỷ luật, 'nín hơi' chờ 1 năm hết thời hiệu kỷ luật lại tiếp tục phát triển(!)Ngay trong ngày dịch bệnh còn nóng bỏng, tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII ngày 15-9-2021, phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu 'phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân'.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, từ đó đến nay Bộ Chính trị liên tục có các văn bản qui định cụ thể, rõ ràng về công tác tổ chức, cán bộ. Đầu tiên là Qui định số 41 – QĐ/TW ngày 3/11/2021 qui định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ngày 6-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm. Quy định mới thay thế cho các quy định trước đây. Ngày 8-9-2022 Bộ Chính trị có Thông báo Kết luận số 20 TB-TW về chủ trương phân công, bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Từ chức là phạm trù văn hóa chính trị phổ biến, một trong những nét văn hóa cơ bản gắn với trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi công chức tại các quốc gia phát triển. Văn hóa từ chức thể hiện lòng tự trọng, trách nhiệm của người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo đối với sự nghiệp chung. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ".

Tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng đã rất quyết liệt. Các bước triển khai của Ðảng và Nhà nước ta đã từng bước thể chế, cụ thể hóa quy định về việc từ chức của cán bộ. Toàn thể đảng viên và nhân dân tin tưởng vào công cuộc thanh lọc đội ngũ cán bộ của Đảng, để cán bộ thực sự là những công bộc tận tụy của dân.

Thủy Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202209/tu-chuc-se-tro-thanh-van-hoa-ung-xu-8263010/