Từ chuyện 100 đô của anh Cà Rê

Việc thành phố Cần Thơ xử lý vụ 100 đôla của anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đã làm dư luận dậy sóng.

100% thì không chứ tôi đoan chắc ít nhất khoảng 70% các gia đình người Việt Nam đang sở hữu một vài đồng đô la trong nhà mệnh giá từ 100 xuống đến 1, 2 đô. Nó là một thực tế không thể phủ nhận. Nó có thể từ nguồn được cho, mừng tuổi dịp tết, tặng nhau nhân sinh nhật... và để trong ví cho may mắn (tờ 2 đô), hoặc để phòng thân (tờ 100 đô)...Và thế tức là, luôn luôn lúc nào cũng có người có nhu cầu đổi tiền, những tờ tiền mệnh giá rất bé, để chi tiêu cấp thời.

Chính vì thế mà khi thành phố Cần Thơ xử lý vụ 100 đôla của anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đã làm dư luận dậy sóng.

Anh thợ điện Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ.

Ở đây có 2 việc cần lưu ý.

Một là quy định không được buôn bán ngoại tệ, hoặc chính xác là được buôn bán có nơi có chỗ, đã quy định xử phạt người bán 100 đô như người bán cả triệu đô là vô lý, hết sức vô lý. Đánh đồng người kinh doanh ngoại tệ với người được cho 100 đôla mang đi đổi lấy tiền Việt để tiêu là hết sức bất công.

Chưa kể, để đổi được 100 đô ấy trong hệ thống “được phép” nó hết sức nhiêu khê và mất thời gian, trong khi người dân có tiền, họ có quyền với tờ tiền ấy mà lại bắt họ san sẻ quyền của mình bằng những quy định gây khó cho họ, là điều khiến họ “thấy đâu tiện là đổi”.

Và hai là cái cách xử lý của chính quyền Cần Thơ đã hết sức cứng nhắc và có tính chất “triệt buộc”. Chả phải mình anh Cà Rê giật mình với mức phạt mà chính quyền thành phố Cần Thơ đưa ra, mà hầu như nhân dân cả nước này đều giật mình. Nó vô lý đến hài hước. Đi đổi 100 đôla mà bị phạt tới 90 triệu đồng, chưa kể còn bị tịch thu tờ đôla ấy và cả hai triệu mấy tiền Việt vừa đổi.

Tiệm vàng Thảo Lực cũng bị phạt tổng số tiền 295 triệu đồng với nhiều vi phạm khác.

Luật là để quản lý và điều hành xã hội, nhưng cũng là để tạo điều kiện cho người dân sống trong môi trường bình thường và bình đẳng nhất. Vụ 100 đô vừa rồi là một kiểu luật trên trời và người thừa hành thì... âm phủ.

Và vị phó chủ tịch thành phố Cần Thơ ký quyết định phạt anh Cà Rê ấy, dù là làm đúng luật (dẫu là luật... trên trời), nhưng trước khi đặt bút ký có lẽ cũng nên ngẫm tới ngẫm lui một chút. Có thể đối chiếu luật thì họ đúng, nhưng đúng kiểu robot, không tim, không óc...

Là vì nó như thế này. Ông ký phạt, phạt rất nặng, nhưng dân, cụ thể ở đây là anh thợ điện nghèo tên Nguyễn Cà Rê lương tháng 4 triệu ấy, không có tiền phạt thì sao? Rõ ràng là người ký sẽ... lúng túng. Nếu mà anh Cà Rê bán nhà, thậm chí bán chó (nếu nhà anh Rê có chó) thì ông sẽ cắn rứt lương tâm. Rồi ông và chính quyền lại phải lập hội đồng xét cứu đói trường kỳ cho nhà anh Rê.

Vậy nên cái sự ký phạt của ông Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trở thành đề tài của sự... hài hước mấy hôm nay. Và cũng may, đến hôm qua thì một con đường đã được hé ra: Anh Cà Rê có thể làm đơn xin... cứu xét, không nộp phạt. Hú vía. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã giao cho Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía nam kiểm tra, tư vấn cho Cần Thơ hướng xử lý phù hợp, và quy định xử phạt cũng đang nằm trong kế hoạch sửa đổi.

Và cũng nhân đây nhìn lại thì thấy nước ta có rất nhiều thứ luật trên trời, rất khó thực hiện. Ví dụ thi thoảng thấy tòa tuyên những bản án tử hình mà kẻ chịu án còn chịu những hình phạt phụ như nộp tiền khắc phục hậu quả chẳng hạn. Tôi đã từng hỏi thử vài người hiểu biết là có bao giờ thu được tiền ấy sau khi tử tù đã thi hành án không thì biết chả bao giờ thu được, nhưng vì luật quy định thế thì phải tuyên thế.

Vấn đề là, khi cứ tuyên mà không thực hiện được thì luật sẽ bị nhờn, người ta sẽ vin vào đấy mà lần lữa, thậm chí là tiêu cực. Ví dụ ngay vụ anh Cà Rê, quyết định ban rồi, anh ấy được chính người ký “bật đèn xanh” làm đơn cứu xét, sau này ông ký phạt vụ khác, người ta tiếp tục làm đơn cứu xét, hoặc chính người trong bộ máy “giúp” làm đơn cứu xét, tất nhiên là “giúp có điều kiện”. Khi ấy, điều gì sẽ xảy ra?...

Ký phạt mà biết người ta không thực hiện được, rồi sau đấy lại phải “ngọt nhạt” gợi ý người bị phạt làm đơn “cứu xét” thì quả là không thể hiểu nổi người ký nghĩ gì?

Chưa kể, phía sau vụ 100 đô này còn đang thấp thoáng những chuyện bất bình thường khác mà chưa chắc ngày một ngày hai đã hóa giải xong...

Văn Công Hùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/tu-chuyen-100-do-cua-anh-ca-re-925114.html