Từ chuyện mặc gì tại Cannes, nghĩ về văn hóa ứng xử

Chuyện một người mẫu với bộ trang phục phản cảm trên thảm đỏ Liên hoan phim (LHP) Cannes mới đây nhận về 'cơn bão' chỉ trích từ dư luận, trở thành tâm điểm của khá nhiều tờ báo quốc tế.

Nhìn ở góc độ hẹp, đó chỉ là bộ trang phục, nhưng rộng hơn đó là văn hóa ứng xử của mỗi người khi ra nước ngoài. Câu hỏi được đặt ra, mỗi người nên lựa chọn trang phục, giới thiệu hình ảnh đất nước và thuần phong mỹ tục ra sao khi ra thế giới.

Dẫu biết văn hóa mỗi nơi một khác, từ lâu thế giới đã chấp nhận sự khác biệt. Nhưng rõ ràng cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia nếu mỗi cá nhân ra nước ngoài để lại tiền lệ xấu.

Trang phục thể hiện văn hóa của người mặc, chỉ đẹp khi phù hợp với nơi xuất hiện. Không cứ là nghệ sĩ, mỗi công dân Việt Nam tại các sự kiện quốc tế không còn là câu chuyện cá nhân nữa, ở một góc độ nào đó còn là đại diện cho đất nước. Nếu biết sử dụng trang phục đậm chất dân tộc phù hợp với thời hiện đại sẽ là một sự lựa chọn sáng suốt.

Ai đó nói, mỗi người phải là một sứ giả văn hóa. Bên cạnh ứng xử, trang phục cũng là một cách thể hiện sự thông minh. Con người ta, ai cũng muốn khát khao, vươn tới cái đẹp. Quan trọng là cái đẹp phải đặc trưng cho phong cách, tâm hồn, văn hóa của người Việt Nam. Vun đắp những giá trị văn hóa cần hài hòa với các yếu tố của tự nhiên, thuần phong mỹ tục, đáp ứng được điều xã hội hiện đại cần.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Nếu như phụ nữ Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc tự hào với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại ấn tượng đặc biệt với bộ Sari...

Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn tự hào với chiếc áo dài truyền thống duyên dáng và thướt tha, kín đáo nhưng vẫn gợi cảm, sang trọng. Qua từng thời kỳ, tà áo dài Việt Nam vẫn tồn tại theo thời gian, vẫn là tâm hồn Việt, văn hóa Việt.

Còn nhớ LHP Cannes 2018, Lý Nhã Kỳ gây bất ngờ khi xuất hiện nổi bật với tà áo dài truyền thống thêu hoa sen. Ngay tại LHP Cannes 2019, Á hậu Trương Thị May cũng mặc áo dài truyền thống gam đen đính thêm phần áo choàng thêu họa tiết rồng bay ấn tượng. Cô cũng sử dụng trâm cài đầu với hình rồng vàng, thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt tại sự kiện điện ảnh quốc tế.

Lý Nhã Kỳ gây bất ngờ khi xuất hiện nổi bật với tà áo dài truyền thống thêu hoa sen tại Cannes 2018.

Dù Âu hay Á, xưa nay đều tôn vinh cái đẹp, đến giá trị văn hóa. Ta có quyền học hỏi những giá trị văn hóa khác một cách chọn lọc. Mỗi cá nhân, đặc biệt là người của công chúng nên tự xây dựng hình ảnh của chính mình, phải biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh.

Việt Nam là đất nước của những con người thân thiện, ở lĩnh vực nào cũng đều có người xuất sắc. Đó là Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu làm rạng rỡ dân tộc với Huy chương Fields. H’Hen Niê lập kỳ tích cho Việt Nam khi lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018…

Bên cạnh trang phục, quan trọng hơn cả là cách ứng xử của người Việt ra sao khi đi nước ngoài? Chính những tấm biển bằng tiếng Việt cấm ăn cắp, cấm lấy quá nhiều đồ ăn trong tiệc buffet… mới thực sự đáng lo ngại chứ không chỉ là hình ảnh cô gái ăn mặc phản cảm trong một sự kiện văn hóa lớn.

Thế giới luôn vận động, việc nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh quốc gia khi ra nước ngoài nằm ở cách hành xử văn hóa. Một đất nước có văn hóa sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ.

Còn nhớ những cổ động viên Nhật Bản ở lại gom rác trên khán đài World Cup 2018. Những hình ảnh này được đăng tải lên mạng xã hội, khiến làng túc cầu thế giới ngả mũ khâm phục ý chí, văn hóa của người Nhật Bản. Đó là hình ảnh giám đốc người Nhật cúi đầu chào khách mua xăng (ở Hà Nội) thực sự gây ấn tượng trên mạng xã hội…

Bước chân ra thế giới, mỗi người phải có trách nhiệm với hình ảnh, phát ngôn hay hành động của chính mình. Để là một vị sứ giả văn hóa thân thiện, mỗi người phải tự nâng cấp văn hóa từ chính trong cách ứng xử…

Nguyệt Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-chuyen-mac-gi-tai-cannes-nghi-ve-van-hoa-ung-xu-95042.html