Từ chuyện 'ném đá' Công nghệ giáo dục: Thiếu văn hóa tranh luận, giáo dục khó đổi mới

Tranh luận và phản biện là điều cần thiết cho sự phát triển trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là giáo dục. Nhưng theo nhiều chuyên gia, ở nước ta vẫn thiếu văn hóa tranh luận. Thay vì góp ý, phản biện trên cơ sở khoa học và sự hiểu biết của mình, đám đông lại chọn cách lao vào 'đánh hội đồng', vùi dập những cái mới.

Sách Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục và GS Hồ Ngọc Đại trở thành tâm điểm của những tranh cãi suốt 3 tuần qua.

Sách Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục và GS Hồ Ngọc Đại trở thành tâm điểm của những tranh cãi suốt 3 tuần qua.

“Hành vi phản giáo dục!”

Từ clip cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần tiếng Việt, hay clip học sinh đọc thơ theo “ô vuông, tròn, tam giác”… bỗng chốc trở thành một làn sóng kêu gọi “tẩy chay” sách “Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục” và chỉ trích cá nhân GS Hồ Ngọc Đại. Đặc biệt, có không ít người dùng những lời lẽ nặng nề để chửi bới một nhà khoa học đã trên 80 tuổi và một cuốn sách đã tồn tại 40 năm như thể nó vừa ra đời.

Theo dõi câu chuyện này, với tư cách là một nhà khoa học, một người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho biết bà thực sự buồn.

“Lĩnh vực giáo dục ảnh hưởng đến từng nhà, từng người, thì việc người dân quan tâm, tranh luận trước những vấn đề mới trong giáo dục là điều dễ hiểu. Tất cả mọi người đều có quyền tranh luận và phản biện. Điều này có lợi cho giáo dục. Có tranh luận, phản biện thì giáo dục mới phát triển được.

Nhưng giáo dục chỉ phát triển, đổi mới khi đón nhận những tranh luận của người dân, nhà khoa học một cách có văn hóa, bằng những luận điểm khoa học, chứ không phải bằng những lời thô thiển. Những nhà tri thức tranh luận với nhau, thì càng cần có văn hóa, chứ không nên phản ứng một cách vội vàng trước cái mới, hay mạt sát lẫn nhau. Vì việc này không mang lại lợi ích gì cả”- PGS-TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

PGS-TS Bùi Thị An. Ảnh: Hải Nguyễn.

Bà cũng cho rằng, hiệu quả của Công nghệ giáo dục đến đâu, hãy để nhà chuyên môn, giáo viên, học sinh đánh giá. Việc chưa hiểu gì về cuốn sách đã vội vàng phán xét, chạy theo hội chứng đám đông để mạt sát những nhà khoa học nghiêm túc… là hành vi phản giáo dục.

PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng cho rằng dư luận, phụ huynh nên bình tĩnh trước những cái mới trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là trong giáo dục và không nên vội vàng bài xích “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại.

“Chúng ta có thể không đồng tình nhưng không nên vội vã chê bai, vừa thấy khác thì lập tức phản bác. Tôi khác anh không có nghĩa là tôi chống anh. Tôi khác anh có nghĩa là tôi có thể bổ sung cho anh, để hai chúng ta đi tới cùng mục tiêu" - PGS Phạm Văn Tình khẳng định.

Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng - điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng việc trao đổi học thuật và phản biện khoa học là con đường phát triển khoa học và giáo dục. Lĩnh vực giáo dục nói riêng và xã hội nói chung chỉ phát triển khi sự khác biệt được tôn trọng. Việc dùng những lời lẽ miệt thị khi tranh luận dù đến từ phía nào, đều không nên được cổ vũ.

“Tư duy thấp mà còn vụ lợi, thì không có hy vọng”

Trong 40 năm ra đời và tồn tại, chương trình Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi, bởi nó chứa những quan điểm mới, ngược với suy nghĩ của số đông, nhưng GS Hồ Ngọc Đại thừa nhận, chưa lần nào tranh cãi lại “dữ dội” như lần này.

Ông cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau chuyện sách của mình bị “đánh hội đồng”. 16 năm qua (từ năm 2002), sách giáo khoa được biên soạn và phát hành độc quyền.

Trong khi từ năm 2019, sẽ chính thức bỏ cơ chế độc quyền, nhiều bộ sách của các đơn vị khác nhau, sau khi được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua cũng sẽ trở thành sách giáo khoa để đưa vào nhà trường giảng dạy. Và hiện đang manh nha cuộc chiến giành thị phần sách giáo khoa mới.

“Hiện nay, gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách tôi, (800.000 em -PV), thì hẳn sẽ có nhiều nhóm làm sách giáo khoa khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Và tôi cho rằng cơn bão tấn công tôi xuất phát từ đó” – GS Hồ Ngọc Đại nhìn nhận.

GS Hồ Ngọc Đại.

Bị dư luận chỉ trích, chê bai, ông nói mình không chấp những người không biết. Nhưng tính vụ lợi trong giáo dục, trong việc làm sách là một mối lo cho sự phát triển của giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh.

Vì thế, GS Hồ Ngọc Đại chỉ biết ví von: "Khi tư duy thấp, mà thêm tính vụ lợi, thì giáo dục khó có hy vọng phát triển”.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tu-chuyen-nem-da-cong-nghe-giao-duc-thieu-van-hoa-tranh-luan-giao-duc-kho-doi-moi-630252.ldo