Từ chuyện ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Xin đừng phán xét người khác khi chúng ta chưa biết, chưa hiểu họ là ai?

Kinh nghiệm sống mấy mươi năm cũng dạy cho tôi bài học: Đừng vội vàng phát xét bất kỳ điều gì về người khác vì chúng ta không thể biết được những gì họ đã trải qua.

Hôm nay, đồng loạt các trang báo mạng lớn nhất Việt Nam đều đưa tin, bài về sự xuất hiện "bất ngờ khó tin" của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TGĐ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. "Bất ngờ" đến “khó tin” bởi ông Vũ xuất hiện với một thần sắc tươi tắn tại phiên tòa hòa giải ly hôn sáng nay và với đôi mắt sáng, giọng nói sang sảng suốt 3 tiếng trong buổi gặp gỡ với một số báo chí chiều qua trong khi trước đó, người ta đồn đoán rầm rĩ ông bị tâm thần, bị điên, bị thần kinh hoang tưởng sau 49 ngày nhịn ăn, thiền định trên núi, đặc biệt, lời đồn đoán đó càng được xác thực khi xuất hiện một clip ngắn lan truyền trên mạng quay cảnh ông ngồi ủ rũ, gương mặt thất thần trong phiên tòa hòa giải ngày 3 tháng 8.

Thú thực, với cá nhân tôi, không hề thấy bất ngờ. Kinh nghiệm của người tập thiền nhiều năm, ít nhiều giác ngộ đạo Phật đã cho tôi cái nhìn điềm tĩnh, sâu lắng trước mọi sự vật, hiện tượng. Vì thế, tôi không bị ảnh hưởng bởi đám đông. Càng không bao giờ đưa ra nhận xét khi chưa hiểu rõ ngọn nguồn. Kinh nghiệm sống mấy mươi năm ở đời đã cho tôi những bài học vô cùng thấm thía, sâu sắc: Đừng bao giờ nhìn nhận, đánh giá ai đó qua lời nói của người khác mà hãy bằng cách nhìn, cách thấy, cách trải nghiệm của chính mình. Ví như trước đây, thấy tôi kết bạn với anh A, chị B., một số người bảo: "Chú đừng chơi với họ. Họ ranh ma, khôn ngoan, xảo quyệt lắm. Người cả tin như chú, dễ bị lừa". Song thực tế, anh A, chị B ấy, bây giờ, lại trở thành tri kỷ, thành những người thân thiết nhất của tôi.

Kinh nghiệm sống mấy mươi năm cũng dạy cho tôi bài học: Đừng vội vàng phát xét bất kỳ điều gì về người khác vì chúng ta không thể biết được những gì họ đã trải qua. Bởi với tôi, cuộc đời mỗi người là một đại dương thăm thẳm, mênh mông. Cái mà chúng ta nhìn thấy, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để mà khám phá hết nó, hiểu đúng về nó, khó vô cùng. Dành hết cả cuộc đời cũng chưa chắc khám phá hết nó. Bằng chứng là có những người sống cạnh mình cả đời như cha mẹ, vợ chồng, con cái..., mà nhiều khi mình còn chẳng hiểu họ, nhiều khi mình còn hiểu sai về họ nữa là huống hồ là người ngoài. Thậm chí, ngay cả chính mình, nhiều khi mình còn không hiểu hết, hiểu đúng mình.

Trở lại câu chuyện về anh Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi có may mắn được gặp gỡ anh 2 lần. Lần đầu tiên, năm 2002, Ban lãnh đạo cà phê Trung Nguyên có mời tôi vào Sài Gòn nói chuyện 3 buổi về văn hóa trà cho nhân viên Trung Nguyên nghe. Lần thứ 2, năm 2003, Trung Nguyên mở một Trung tâm văn hóa trà lớn mang tên Trà Tiên Phong Quán tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tôi được mời vào đào tạo toàn bộ nhân viên và trình diễn nghệ thuật pha trà trong đêm khai mạc. Ấn tượng của tôi về anh Vũ lúc đó rất mạnh: Một doanh nhân lịch thiệp, có tri thức, có văn hóa, có khát vọng lớn, khát vọng không chỉ cho riêng anh, tập đoàn của anh mà cho cả đất nước, dân tộc. Một người như thế, đương nhiên, trong con mắt của nhiều người, là "khác người". “Khác người” ở đây, theo cách nhìn của nhiều người, là không bình thường (hiểu theo nghĩa tiêu cực). Có lẽ bởi vì ai trong chúng ta cũng có một hệ thống quan niệm và thước đo riêng của mình. Cho nên khi quán chiếu người khác bằng hệ thống quan niệm và thước đo riêng ấy, ta thường áp đặt rằng phải như thế này mới đúng, mới là bình thường, còn như thế kia là sai, là bất bình thường. Thực ra, theo cái thấy của tôi, bất kỳ một người tài năng nào, đặc biệt là những người xuất chúng, ở họ đều có những phẩm chất hơn người, khác người thường. Và ngay cả ở những người thường, lúc này, lúc khác, chúng ta cũng có những biểu hiện khác người. Chính cái khác người này tạo nên sự khác biệt, tạo nên bản sắc ở mỗi cá nhân. Tôi là người may mắn được kết thân với nhiều người tài năng ở nhiều lĩnh vực. Và tôi thấy hạnh phúc, thú vị vô cùng khi được thấy, được học từ những cái “khác người” ở họ. Ở đời, chỉ sợ nhất, chán nhất là gặp gỡ, trò chuyện, sống hay làm việc với những người nhạt, không có bản sắc riêng, không có cái “khác người”.

Sau những lần gặp gỡ trực tiếp ấy, tôi không có liên lạc trực tiếp với anh Vũ. Nhưng qua một số người quen của anh, tôi vẫn biết được cuộc sống của anh, biết được những chuyển hóa tâm linh của anh sau 49 ngày nhịn ăn và thiền định trên núi. Cách đây vài tháng, khi dư luận rầm rộ lên chuyện anh Vũ bị tâm thần, một số đài truyền hình và báo chí có liên lạc với tôi, xin phỏng vấn nhưng tôi từ chối. Bởi nói về một người mà mười mấy năm tôi không gặp, lại không hiểu nhiều, sao tôi dám nói. Tôi chỉ thấy tội cho nhiều người, chưa một lần nhịn ăn, chưa một lần ngồi thiền, lại cứ đăng đàn thao thao nói về tác hại của thiền và nhịn ăn. Càng thấy tội cho những người, cả đời, chưa một lần gặp anh Vũ, lại cứ phán xét về anh. Tôi tin, 90% những người nói về anh Vũ, phán xét về anh Vũ trên mạng xã hội, chắc chắn chưa một lần gặp gỡ, tiếp xúc với anh ở ngoài đời bao giờ. Nói về một người mà mình chưa hề gặp, chưa hề biết, chưa hề hiểu, liệu có đúng? Câu trả lời ai cũng biết.

Tôi vẫn nói với những người thân: Chuyện đời vốn dĩ phức tạp lắm. Chuyện hôn nhân lùm xùm giữa anh Vũ và vợ, chị Lê Hoàng Diệp Thảo, cũng thế. Truyền thông, thời gian vừa qua, chủ yếu mới đưa tin một chiều từ sự chia sẻ, cung cấp thông tin của chị Thảo. Để hiểu đúng vấn đề, cần phải lắng nghe sự chia sẻ từ phía anh Vũ nữa. Vì từ kinh nghiệm thực tế cá nhân nhiều năm qua tư vấn, giải quyết trục trặc hôn nhân cho nhiều cặp vợ chồng, tôi thấy, thường ai cũng đổ lỗi tất cho người kia mà không thấy lỗi của mình. Cho nên, để có thể giúp họ, tôi thường phải dành thời gian lắng nghe câu chuyện của từng người. Từ đó mới thấy được vấn đề của họ ở đâu để tìm ra cách giải quyết. Nếu như chỉ lắng nghe một phía, mình sẽ không thể nhìn nhận đúng vấn đề.

Vì thế, ở đời, xin mọi người đừng vội vàng phán xét ai cả. Bởi đằng sau mỗi cuộc đời là cả một đại dương bao la với biết bao những câu chuyện, những nỗi niềm riêng mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết được, hiểu được. Bạn có thích người ta phán xét mình không? Nếu bạn không thích điều gì xảy ra với mình thì cũng đừng nên làm điều đó với người khác. Nếu chúng ta không thể giúp đỡ họ vượt qua khó khăn thì cũng đừng làm họ bị tổn thương. Một lời chế giễu, một lời nhận xét thiếu tình đôi khi cũng đủ giết chết một con người lương thiện.

Hoàng Anh Sướng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-chuyen-ong-dang-le-nguyen-vu-xin-dung-phan-xet-nguoi-khac-khi-chung-ta-chua-biet-chua-hieu-ho-la-ai-63240