Tứ đại mỹ nam thời Trung Quốc cổ đại là ai?

Phan Anh, Tống Ngọc, Vệ Giới, Lan Lăng Vương, được mệnh danh là Tứ đại mỹ nam Trung Quốc vì ngoại hình, tài văn chương, quân sự

Phan An (247-300)

Phan An được công nhận là người đẹp trai nhất lịch sử Trung Quốc, tới mức người Trung Quốc lưu truyền thành ngữ "Đẹp tựa Phan An", ý chỉ người đẹp trai giống Phan Anh.

Sức hấp dẫn của Phan An còn được mô tả qua thành ngữ "Quả ném đầy xe". Mỗi khi Phan An ra ngoài, người hâm mộ sẽ chạy theo xe ngựa, cố nhìn lén ông. Tuy nhiên, người hâm mộ quá nhiều nên không phải ai cũng có thể tới gần ông.

Do đó, những người không thể tới gần, chủ yếu là phụ nữ, đã nghĩ ra một cách sáng tạo để biểu đạt tình cảm của mình là ném hoa quả vào xe ngựa của ông. Câu thành ngữ này bây giờ chỉ lòng ái mộ của phụ nữ với đàn ông.

Người hâm mộ ném hoa quả vào xe của Phan An. (Ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, Phan An không chỉ nổi tiếng về ngoại hình mà còn nổi tiếng về tài văn chương. Thời Tây Tấn lưu truyền câu nói "Lục tài như hải, Phan tài như giang", chỉ tài năng văn chương của Lục Cơ giống như biển, còn tài năng của Phan An như một dòng sông.

Vệ Giới (286 - 312)

Vệ Giới là người nhà Tấn, được công nhận điển trai từ khi mới 5 tuổi. Ông nội của Vệ Giới từng nói cậu bé đẹp một cách khác thường và ông rất viếc vì mình quá già, không thể đợi cậu trưởng thành.

Tranh vẽ mô tả Vệ Giới. (Ảnh: Baidu)

Khi còn là thiếu niên, mỗi khi Vệ Giới ngồi xe ra phố, người ta đều tưởng cậu bé là tượng tạc bằng ngọc bích. Ngay cả chú của Vệ Giới là tướng quân Vương Tề, người được công nhận cực kỳ điển trai, cũng nói khi ra ngoài cùng Vệ Giới giống như "đặt một viên ngọc trai lấp lánh bên người".

Vẻ ngoài đẹp đẽ của Vệ Giới thu hút nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt. Khi Vệ Giới đi từ Dự Chương (Nam Xương ngày nay) tới Hạ Đô (ngoại ô Bắc Kinh ngày nay), người hâm mộ vì muốn nhìn thấy cậu đã tụ tập chặn đường.

Vệ Giới sinh ra đã yếu ớt, bị người ta vây xem vài ngày liền đổ bệnh qua đời. Từ đó, người Trung Quốc có câu "Khán Sát Vệ Giới" (Xem Vệ Giới đến chết), để mô tả cái chết của chàng thiếu niên.

Lan Lăng Vương (541 - 573)

Cao Trường Cung, con trai thứ 4 của Văn Tương đế triều Bắc Tề, còn được gọi là Lan Lăng vương. Ông nổi tiếng là người siêng năng, khiêm tốn, có tài thao lược và vẻ ngoài điển trai.

Tạo hình Lan Lăng Vương trong một bộ phim Trung Quốc. (Ảnh: Zhihu)

Tương truyền, Lan Lăng Vương khi cầm quân ra trận thường phải đeo mặt nạ xấu xí vì mặt thật quá đẹp, không thể dọa kẻ thù. Sau khi chiến thắng, binh lính của ông đã sáng tác bài ca và điệu múa "Chiến khúc Lan Lăng Vương" để ca ngợi vị hoàng tử vĩ đại.

Sau này, ca khúc trở thành điệu vũ cung đình thời nhà Tùy, thậm chí còn lưu truyền sang Nhật Bản và được bảo tồn, biểu diễn tới ngày nay.

Tống Ngọc (298 - 222 trước Công nguyên)

Tống Ngọc sinh ra ở nước Tống, là nhà thơ nổi tiếng cuối thời Chiến Quốc. Ông được coi là tác giả một số bài trong tuyển tập thơ Sở Từ, học trò của nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên.

Vẻ đẹp của Tống Ngọc nổi tiếng qua câu chuyện về Đăng Đồ Tử, bề tôi của Sở Vương. Đăng Đồ Tử nhận xét "Ngọc đẹp tựa lưu ly, miệng lưỡi linh hoạt, là người háo sắc. Xin vương chớ cho lui tới hậu cung".

Tống Ngọc hay tin bèn xin yết kiến Sở Vương, đề nghị vua phán xét công bằng xem Tống Ngọc háo sắc hay Đăng Đồ Tử háo sắc?

Tượng Tống Ngọc. (Ảnh: Baidu)

Tống Ngọc thưa với Sở vương: "Trong thiên hạ, mỹ nữ chẳng đâu sánh bằng Sở quốc, mỹ nữ Sở quốc chẳng đâu sánh bằng quê thần, mỹ nữ quê thần chẳng đâu sánh bằng Đông Lân - hàng xóm cạnh nhà thần. Nàng ấy cao thêm một phân thì quá cao, thấp đi một phân thì quá thấp, thoa thêm chút phấn thì quá trắng, thoa thêm chút son thì quá đỏ. Đôi mày nàng cong mượt tựa lông chim, da trắng như tuyết, eo nhỏ, răng trắng.

Tuyệt sắc giai nhân ba năm trèo tường nhìn trộm thần mà thần chẳng chút động lòng. Lẽ nào thần thuộc dạng háo sắc? Trong khi Đăng Đồ Tử có vợ xấu xí, tóc tai bù xù, đôi tai dị hình, môi trề, hàm răng khấp khểnh, chân đi khập khiễng, lại thêm lưng gù, thân đầy ghẻ lở. Đăng Đồ Tử rất yêu vợ. Hai người sinh tới 5 con. Bệ hạ xem, chỉ cần là phụ nữ, Đăng Đồ Tử đều thích, vậy thì rõ ràng ông ta háo sắc hơn thần”.

Tống Ngọc miệng lưỡi phi phàm nên xoay chuyển tình thế ngoạn mục, khiến Sở Vương chẳng còn phân biệt đúng sai, bèn phán Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Từ đó, người Trung Quốc có câu mắng chửi kẻ háo sắc là Đăng Đồ Tử.

HỒNG PHÚC(Nguồn: ECNS)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-dai-my-nam-thoi-trung-quoc-co-dai-la-ai-ar770534.html