Từ đâu mà ông bán nước dừa có quyền lực?

Trong tuần, loạt bài 'Các chủ sạp 'quyền lực' của tổ cảnh sát ở chợ Bà Chiểu' thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc và dư luận.

Từ phản ánh của người dân về việc một nhóm người, trong đó có cả cảnh sát trật tự cơ động “làm luật” bên hông chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhóm PV báo Pháp Luật TP.HCM đã vào cuộc điều tra làm rõ.

Theo đó, đoạn đường bên hông chợ Bà Chiểu là đường một chiều, một số phương tiện chạy ngược chiều vào đều bị tổ cảnh sát ở đây chặn bắt. Điều đáng nói là những người vi phạm sau khi làm việc với ông bán nước dừa và một số chủ sạp khác ở chợ thì đến tổ cảnh sát lấy lại giấy tờ xe mà không lập biên bản.

Vật giống tiền là gì?

Theo bạn MinhNam, không đâu mà ông bán nước dừa lại có quyền lực kêu cảnh sát thả xe người vi phạm dễ dàng như vậy được. Người vi phạm thì không tuân thủ pháp luật, người thực thi pháp luật lại cố tình bỏ qua sai phạm để hưởng lợi. Người thực thi pháp luật không trực tiếp cầm những vật giống tiền, thế là đẻ ra cái ông bán nước dừa trung gian. Tất cả chỉ vì cái lợi trước mắt mà vi phạm pháp luật.

Bạn VanHuong đặt câu hỏi: “Tổ cảnh sát sai phạm đã rõ, vậy còn ông bán nước dừa, người chủ sạp với hành vi như vậy có bị xử lý gì không?”.

“Tại sao nhà báo lại dùng cụm từ vật giống tiền, vật giống tiền là gì? Làm điều tra hay đến vậy, có hình ảnh rõ ràng việc đưa nhận thì tại sao không gọi là tiền luôn đi?” - đó là những câu hỏi của bạn TuanLoc và nhiều bạn đọc khác. Chúng tôi xin minh định rằng trong báo chí, đặc biệt là thể loại điều tra, chúng tôi phải thận trọng gọi tên chính xác đến từng chi tiết. Vật giống tiền đó là vật gì sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

Nhiều bạn đọc của báo mong rằng vụ việc sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Thánh nhân cũng có quá khứ

“Công khai danh tính người mua bán dâm là trái luật” là bài viết thông tin về việc Công an TP.HCM vừa phá được đường dây á hậu, người mẫu, MC bán dâm với giá 7.000-25.000 USD. Ngay sau đó, danh tính những “chân dài” này được đăng tải trên các trang mạng và mặc dù được viết tắt và che mặt nhưng dân mạng cũng lùng ra và biết được đó là ai.

Danh tính người bán dâm ít nhiều đã được biết nhưng danh tính người mua dâm lại kín như bưng. Vì sao vậy?

Theo bạn ThinhNhu, “lỗi đầu tiên là do các cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, cơ quan báo chí lại đăng thông tin “lấp ló” cho bạn đọc. Sau đó các trang mạng, Facebook nhanh chóng tràn lan thông tin. Tôi ủng hộ việc không công khai danh tính của cả người mua lẫn người bán, vì họ có phải tội phạm đâu”.

Bạn HoangYen cho rằng: “Thánh nhân cũng có quá khứ. Thử tưởng tượng người thân mình bị công khai tên tuổi, hình ảnh trên mạng. Cả đời họ sẽ bị bêu riếu suốt như thế thì các bạn có chịu nổi không? Không phải vô lý khi mà Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ ràng những trường hợp nào mới được quyền công khai hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý của họ”.

Nên bỏ dần thói quen ăn thịt chó

“Khuyến khích dân không ăn thịt chó: Văn minh” cũng là bài viết thu hút nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc. Xuất phát từ Văn bản 4170 của UBND TP Hà Nội, trong đó có nội dung tuyên truyền phổ biến cho người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo để phòng bệnh dại. Nhiều người cho rằng đây là quan điểm văn minh của TP và nhiệt tình ủng hộ.

Lý giải thêm về việc không nên ăn thịt chó, bạn Lo A Say cho biết nếu chứng kiến cảnh bọn trộm đánh bả chuột giết chó rồi bán cho các quán thịt chó thì chắc không ai đủ can đảm để ăn. Chưa kể xác chó chết do bệnh, già bị thả trôi sông cũng được vớt lên bán cho lò mổ chế biến thành các món ăn thơm ngon, hấp dẫn dân nhậu. Chó là loài vật trung thành, giúp ích rất nhiều cho con người. Bạn đọc này đề nghị mọi người nên ủng hộ chủ trương này.

Bộ GD&ĐT cần lắng nghe nhiều hơn

“Thực nghiệm giáo dục gì mà đến mấy chục năm” là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ý kiến này được nêu trên báo Pháp Luật TP.HCM tuần qua cũng thu hút nhiều bình luận của bạn đọc.

- “Cử tri đã nói nhiều lần, đại biểu Quốc hội cũng đã nói nhiều lần với Bộ Giáo dục trong các kỳ họp. Vậy tại sao đến nay chưa thấy Bộ tiếp thu, sửa đổi?” - NguyenDuong

- “Lãnh đạo Bộ Giáo dục nên chịu khó vi hành mọi nơi và lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của người dân. Nhiều chuyện về việc dạy và học, thầy cô và học sinh, thầy cô và phụ huynh... đang cần giải quyết rốt ráo” - Lộc Trương

- “Quá tâm đắc, đồng ý cả hai tay với ý kiến của chủ tịch Quốc hội: “Thực nghiệm giáo dục gì mà đến mấy chục năm”” - QuangMy

- “Sách giáo khoa mỗi năm mỗi thay đổi. Trường nào muốn dạy sách giáo khoa nào thì dạy. Tại sao không thống nhất một sách giáo khoa? Sách giáo khoa học được một năm thì đa số là bỏ, bán ve chai. Quá phí và tiêu tốn tiền bạc của Nhà nước, người dân”- AnhBay

LÊ HUY ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/tu-dau-ma-ong-ban-nuoc-dua-co-quyen-luc-792333.html