Từ đề xuất lãnh đạo đi xe máy, xe đạp: 'Chủ tịch tỉnh cũng là công dân bình thường'

Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 15.8, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã làm nóng nghị trường với đề xuất mô hình 'Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc Sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc'.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng “không khả thi, không giải quyết được những tồn tại đối với giao thông vì việc đi lại bằng phương tiện nào là quyền tự do cá nhân mỗi người. Ách tắc giao thông không phải quá bức xúc mà chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM”.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hoan nghênh và "đặt hàng": “Nếu tỉnh Hậu Giang xung phong, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm và sau này tốt sẽ nhân rộng, chứ không thể nào áp dụng ngay được”.

Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, người từng bỏ xe công, đi xe ôm, cho biết “đề xuất mang tính đột phá nhưng không mang tính khả thi cao. Cách đây nhiều năm, đã đặt vấn đề khuyến khích cán bộ, lãnh đạo nhận khoán xe công, chuyển sang sử dụng các loại hình phương tiện cá nhân, công cộng... nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được nhiều…”.

"Khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân"", ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - lý giải việc tự nguyện đi xe máy đến công sở làm việc. Ảnh: Dân Trí

Đề xuất "lãnh đạo đi xe máy" có vẻ hay nhưng mục tiêu e rằng chưa thuyết phục. Nếu áp dụng đại trà, tiết kiệm ngân sách chưa biết được bao nhiêu nhưng không chừng phát sinh thêm nhiều khoản khác vì tai nạn, bệnh tật... Còn giảm thiểu ách tắc thì tôi không tin. Có điều chắc chắn, nếu lãnh đạo đi làm bằng xe gắn máy, xe đạp thì sâu sát và được người dân tin yêu hơn. Điều này, có tiền cũng không mua được. Với điều kiện tự nguyện, chứ không phải bị bắt buộc.

Bí thư và chủ tịch tỉnh Đồng Tháp bao năm nay vẫn đi làm bằng xe gắn máy đấy thôi. Khi tôi thắc mắc về những việc làm không giống nhiều lãnh đạo khác, chủ tịch Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã tâm tình" “Chủ tịch tỉnh cũng là công dân bình thường, thậm chí phải gương mẫu hơn”. Gặp chủ tịch tỉnh dễ ẹc. Từ 7g – 7g30, cứ đến văn phòng Ủy ban, nói bảo vệ vào gặp Chủ tịch tỉnh. Ông và các cộng sự luôn niềm nởi tiếp mọi người tại - Cà phê Chủ tịch – trong khuôn viên văn phòng Ủy ban.

Khi tiếp gần trăm đại biểu doanh nghiệp lữ hành và báo chí cả nước dự Famtrip “Chuyện lạ Đồng Tháp 2017”, ban tổ chức đề nghị “Lãnh đạo chỉ tặng quà và khăn tượng trưng để chụp ảnh, ghi hình”. Ông Dương đã gạt phăng và có phần giận: “Anh em đã bỏ mấy ngày xuống với Đồng Tháp, nỡ nào mình tiếc chút thời gian”. Ông tự tay tặng quà, choàng khăn, bắt tay và cám ơn từng đại biểu, rồi hăm hở đưa cả đoàn tham quan Xẻo Quít như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Người viết đã chứng kiến ông chạy xe dream xuống gặp từng hộ nông dân, ăn cơm, trao đổi và thuyết phục họ làm du lịch cộng đồng.

Bí thư Lê Minh Hoan càng năng nổ. Là người rất chịu khó đọc, chịu khó viết và chịu khó học. Nghe chỗ nào hay là ông bí thư xộc tới tìm hiểu, săm soi học hỏi. Nghe nói có mấy homestay do công ty CBT tư vấn rất hay, vừa dự họp quốc hội xong, ông và cộng sự lấy xe chạy qua đêm lên Mai Hịch (Hòa Bình), Hua Tạt (Sơn La) tìm hiểu thực tế. Ông còn điện cho cả báo chí và các ngành ở tỉnh tham gia, vào cuộc. Mô hình homestay CBT được nhiều nơi biết đến là nhờ bí thư Đồng Tháp nhiệt tình marketing.

Có người ví Bí thư và Chủ tịch Đồng Tháp là cặp bài trùng “song kiếm hợp bích”. Bí thư thích đọc, viết báo ký tên Xích Lô. Chủ tịch mê bóng đá phủi, có nick name facebook là Ba Gác. Cả hai bổ sung cho nhau, giản dị, gần gũi và sâu sát. Khi lãnh đạo như vậy, thì cấp dưới không thể quan cách hay cửa quyền. Mới hay, Đồng Tháp không phải tự nhiên mà vươn lên top đầu về năng lực cạnh tranh cả nước, dù điều kiện khó khăn hơn nhiều nơi.

Khi triển khai bất cứ chủ trương nào, lãnh đạo phải nêu gương thực hiện trước. Hãy thuyết phục người dân bằng hành động cụ thể của chính mình và người thân của mình. Không thể ngồi phòng lạnh kêu gọi, rồi thắc mắc sao người dân không hưởng ứng. Sếp của tôi không có thời gian tập thể dục. Thay vào đó là đi làm hướng dẫn và khảo sát tour tuyến mới như con thoi. Thử tập ở nhà không đủ kiên nhẫn nên anh sắm chiếc xe đạp thể thao đi làm. Ông bảo “đạp xe tiết kiệm thời gian tập và hiệu quả không kém. Lại góp phần giảm khí thải”. Dù đã U70, nhưng trông ông vẫn rất phong độ.

Ở Vương quốc Thụy Điển - nơi mà GDP đầu người xếp thứ 11 thế giới thì ngoài Vua, chỉ có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng được cấp ô tô riêng. Thủ tướng Olof Palme (1927 – 1986) bị ám sát khi cùng phu nhân đi bộ từ rạp hát về nhà. Hầu hết quan chức chính phủ Thụy Điển đều đi làm bằng xe công hoặc xe đạp.

Đi xe gì cũng được, miễn là tự nguyện và làm việc hiệu quả.

Vi Văn Hưởng (Giám đốc Bảo hành các Dự án CBT phía Bắc)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-de-xuat-lanh-dao-di-xe-may-xe-dap-chu-tich-tinh-cung-la-cong-dan-binh-thuong-20078.html