Tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật

Vấn đề tự do ngôn luận, tự do hoạt động báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: LÊ HẢO

Thế giới vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Tự do báo chí thế giới (3/5/1993-3/5/2023) (viết tắt là WPFD - World Press Freedom Day). Liên Hợp Quốc chọn ngày 3/5 hàng năm là ngày Tự do báo chí thế giới để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận. Hàng năm vào đúng ngày này, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số tự do báo chí thế giới.

Ngay sau khi RSF công bố cái gọi là “chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022”, các đài RFA, VOA và một số website, trang mạng xã hội của các tổ chức và cá nhân phản động, chống phá Việt Nam đã thi nhau đưa tin, viết bài xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam. Cũng như những năm trước, họ tiếp tục nhai lại luận điệu cũ rích Việt Nam không có tự do thông tin, đòi Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện tự do, tư nhân hóa báo chí. Vậy đâu là mục đích thực sự đằng sau những lời kêu gào này?

Thế nào là tự do báo chí

Quan niệm truyền thống về báo chí của phương Tây kể từ khi báo chí manh nha ra đời giữa thế kỷ XVI cho đến hiện tại, đó là báo chí chỉ phản ánh sự thật khách quan để phục vụ công chúng. Công chúng có quyền biết sự thật đằng sau mỗi sự kiện, vì công chúng là người bỏ tiền ra mua báo, tức là người nuôi sống tờ báo, do vậy báo chí phải phục vụ công chúng. Báo chí phải độc lập với bộ máy công quyền, với chính trị, nhà báo khi tác nghiệp không chịu áp lực từ bất cứ thế lực nào thì mới đưa tin khách quan được. Lý thuyết là vậy, còn đi vào thực tế lại là câu chuyện khác (!).

Tự do nói chung và tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là khát vọng của loài người. Đó cũng là một trong các quyền cơ bản của con người. Chính vì thế, quốc gia nào cũng đề cao tự do ngôn luận, tự do báo chí và xây dựng các hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền tự do này. Chỉ lưu ý một điều cơ bản là cách hiểu, cách sử dụng tự do báo chí của các quốc gia không giống nhau tùy theo các điều kiện cần và đủ ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn khác nhau.

Việt Nam luôn khẳng định và đề cao quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Hệ thống pháp luật Việt Nam về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình đã được xây dựng và đang được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Luật Báo chí (sửa đổi), được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016, quy định rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

Báo chí của nước ta đã thực sự trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân; là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích chung của xã hội và các quyền tự do dân chủ của Nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tự do nào cũng trong khuôn khổ pháp luật

Tự do báo chí gắn với lợi ích của quốc gia, của một tầng lớp trong xã hội… Vậy nên quốc gia nào cũng xây dựng luật pháp theo hướng không ai và không cho phép ai được sử dụng và lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm hại lợi ích công, cũng như quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

Như đã trình bày, mỗi quốc gia, mỗi thể chế đều có cách hiểu riêng về tự do báo chí, phù hợp với lợi ích của quốc gia mình. Không có chuyện tự do báo chí vô chính phủ, không có khuôn khổ. Đây là nguyên tắc của quản lý nhà nước, bởi ngay từ thế kỷ XIX, Các Mác đã phát biểu: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”. Từ nguyên lý này, các quốc gia đều nhận thức báo chí và thông tin dư luận nói chung có tác động, lôi kéo, thậm chí thao túng, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi hàng triệu người. Khi đó thông tin của báo chí sẽ là lực lượng vật chất khổng lồ; nó có thể làm thay đổi, biến đổi thực tại.

Thực ra quan điểm báo chí độc lập với công quyền, với chính trị là một sự tự huyễn hoặc của báo chí phương Tây. Nghề báo là một trong những nghề đặc biệt quan trọng trong xã hội khi mang yếu tố chính trị - văn hóa - xã hội. Báo chí là sản phẩm của con người, mà trong xã hội không có con người chung chung. Con người đó phải thuộc về một giai cấp, một tầng lớp cụ thể trong xã hội. Báo chí mang khuynh hướng rất rõ ràng, đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của một tổ chức, tầng lớp cụ thể.

Báo chí phương Tây có thể tự hào với Giải thưởng Pulitzer do nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer thành lập từ năm 1917, được đánh giá là giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu tại Mỹ; có thể tự hào bởi các vụ điều tra độc lập nổi tiếng, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền như vụ Watergate của tờ Washington Post… Nhưng báo chí phương Tây không bao giờ chối bỏ được trách nhiệm thông tin một chiều phục vụ mưu đồ của chính quyền. Đó là báo chí đã đưa ra những thông tin giả về vũ khí hủy diệt hàng loạt của chính quyền Sadam Husein dẫn đường cho Mỹ xâm chiếm Iraq, lật đổ chính quyền hợp pháp của người dân Iraq. Đó là những thông tin kích động, góp phần tạo nên Mùa xuân Arab năm 2010 khiến loạn lạc ở các nước Bắc Phi, Trung Đông đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Mới nhất là cách thông tin bóp méo góp phần tạo nên cuộc bạo loạn Maidan 2013 tại Ukraina, nguồn gốc của xung đột Nga - Ukraina hiện nay…

Mục đích sau những lời kêu gào tự do báo chí

Ở Việt Nam, vào khoảng năm 2013-2014, một số nhóm cơ hội chính trị với những trí thức tên tuổi một thời, “trở cờ” tự nhận mình là “nhân sĩ trí thức” đi đầu, khởi xướng hình thành “Diễn đàn xã hội dân sự” với tham vọng quy tụ các thành viên là các tổ chức “xã hội dân sự độc lập” cạnh tranh lực lượng với các hội đoàn chính trị - xã hội - nghề nghiệp hợp pháp đã được Đảng và Nhà nước cho phép thành lập. Tham vọng của những người này là lập ra thật nhiều các tổ chức như “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội phụ nữ độc lập”, “Hội sĩ quan độc lập”… chuẩn bị cho một xã hội đa nguyên, đa đảng.

Tháng 7/2014, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một hội “chuyên nghiệp báo chí độc lập”, một tổ chức “xã hội dân sự” được các nhóm này thành lập.

Ngay lập tức, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nghị quyết khẳng định, cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp, do một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí nhằm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước. Có thể thấy, cả về mặt pháp lý và thực tiễn, cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” hoàn toàn không có giá trị, không cần thiết đối với những người làm báo Việt Nam.

Với hệ thống pháp luật về quản lý báo chí khá hoàn chỉnh, chúng ta có thể khẳng định vấn đề tự do ngôn luận, tự do hoạt động báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo thuận lợi cho mọi người có quyền được phản biện, được hoạt động báo chí để góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội được phản ánh một cách khách quan, trung thực cùng hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vậy nên, không cần nói gì thêm, đến đây công chúng cũng đã hiểu mục đích đen tối đằng sau những lời kêu gào đòi tự do báo chí kia là gì rồi.

Với hệ thống pháp luật về quản lý báo chí khá hoàn chỉnh, chúng ta có thể khẳng định vấn đề tự do ngôn luận, tự do hoạt động báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo thuận lợi cho mọi người có quyền được phản biện, được hoạt động báo chí...

HUYỀN TRÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/425/298358/tu-do-bao-chi-trong-khuon-kho-phap-luat.html