Tự do như Indie

Indie trong Tiếng Anh có nghĩa là Independent music, dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là âm nhạc độc lập. Nó là khái niệm chỉ những ca khúc hoàn toàn mang phong cách cá nhân của người nghệ sĩ.

được viết và thể hiện hoàn toàn tự do, không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào của bất cứ dòng nhạc nào. Nó đầy tính ngẫu hứng. Vài năm trở lại đây, số lượng những nghệ sĩ Indie ngày càng xuất hiện nhiều. Có thể nói năm 2018 là năm “thống soái” của các ca khúc mang phong cách Indie.

Lạ từ tên nghệ sĩ đến tên bài hát

Cần phải phân biệt rõ, Indie không phải là dòng nhạc. Indie là từ miêu tả sự độc lập của những sản phẩm âm nhạc do người nghệ sĩ tự sáng tác, tự bỏ tiền túi ra để thực hiện sản phẩm, không có sự giúp đỡ chuyên nghiệp của hệ thống thu âm biểu diễn như các sản phẩm âm nhạc truyền thống khác. Indie mang tính ngẫu hứng cực kỳ cao.

Nó cho phép người nghệ sĩ có thể làm bất cứ những gì họ muốn, thậm chí là theo cách điên rồ nhất, miễn là họ cảm thấy thích. Một người nghệ sĩ theo phong cách Indie thường không tập trung vào hình ảnh của họ, không chau chuốt kiểu showbiz bắt mắt. Họ tập trung vào âm nhạc, cách thức thể hiện tác phẩm để trưng được hết những gì cá tính nhất, tự do, khoáng đạt nhất của mình. Họ cũng không quan tâm công chúng của họ là ai, nhiều hay ít.

Trong nhạc Việt, trước khi làn sóng Indie thống soái thị trường âm nhạc, có một nghệ sĩ trẻ theo phong cách này rất được mến mộ, đó là Lê Cát Trọng Lý. Cô gái nhỏ nhắn người Đà Nẵng, với khả năng tự sáng tác, tự chơi nhạc cụ, tự hát đã có những tour diễn vô cùng đáng nhớ.

Với quan niệm viết và hát những gì mình thích, Lý đã đi diễn nhiều tour xuyên Việt. Lý đến bất cứ nơi đâu và hát. Sân khấu có khi đơn giản chỉ là một bãi đất trống ở một miền quê nghèo, với cây đàn và hệ thống âm thanh cực kỳ đơn giản, Lý đứng hát cho khán giả là những người nông dân chân lấm tay bùn nghe.

Lê Cát Trọng Lý-cô gái nhỏ có công chúng lớn.

Quay lại năm 2018 vừa qua, một sự bùng nổ thực sự của những ca khúc mang phong cách Indie. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như: rapper Binz, rapper Karik, Đen Vâu, Thái Vũ, Dalab, Ngọt Band, OSAD, Kay Trần, Đạt G...

Hàng loạt ca khúc, MV của giới indie, liên tục được khán giả đón nhận như “Người lạ ơi” (Orange, Karik), “Người âm phủ” (Osad), “Buồn không em” (Đạt G), “Buồn của anh” (K-ICM, Đạt G, Masew), “Đố em biết anh đang nghĩ gì” (Đen, JustaTee, Biên), “Trạm dừng chân” (Kimmese-Đen), “Sofar” (Binz), “HongKong1” (Nguyễn Trọng Tài), “Mình cưới nhau đi” (Huỳnh James, Pjnboys), “Cô gái M52” (Huy, Tùng Viu),“Thằng điên” (JustaTee, Phương Ly)…

Nhìn vào những cái tên nghệ sĩ và cả những tên bài hát, công chúng có thể nhận ra sự khác biệt của âm nhạc phong cách Indie với âm nhạc truyền thống. Đó là các nghệ danh và tên ca khúc đều được đặt một cách hết sức ngẫu hứng. Nó thậm chí đơn giản đến mức dễ hiểu, giản dị không ngờ hoặc có thể mang một chút bí hiểm, một chút riêng tư khó hiểu.

Những cái tên lạ như vậy đang dần chiếm lĩnh các bảng xếp hạng nhạc Việt. “Những người lạ” này họ có thể đi một bước đến các giải thưởng âm nhạc hay các bảng xếp hạng, đó là điểm khác biệt của nghệ sĩ cũng như âm nhạc phong cách Indie.

Trước đó, họ ở trong bóng tối, chưa ai biết đến họ cả. Rồi những gì họ viết ngẫu hứng được chính họ hát lên, sản xuất theo cách của mình thậm chí là vô cùng đơn giản, rồi post lên các trang trực tuyến như Soundcloud, Spotify, YouTube...

Nếu bài hát đó đủ sức nặng để thu hút người nghe trực tuyến, nó hoàn toàn có thể cán những cái đích tuyệt vời về số lượng người nghe, số lượng người tương tác. Khi đó, “người lạ” trong bóng tối sẽ bước dần ra ánh sáng và trở thành người nổi tiếng.

Cuộc chơi này rất có lợi cho những người trẻ tuổi đam mê âm nhạc nhưng vì một lý do nào đó còn rụt rè chưa đến các sân chuyên nghiệp. Họ có thể bắt đầu tự do như vậy, có thể là nghiệp dư nữa, nhưng thành quả nhiều khi rất ngọt ngào, chỉ cần họ chạm đến được đám đông, tìm được tiếng nói chung với người nghe để trở nên được yêu thích. Như vậy có thể nói, âm nhạc phong cách Indie gắn rất chặt với công nghệ.

Sự phát triển của công nghệ internet chính là môi trường thuận lợi cho âm nhạc Indie trở thành một xu hướng rộng rãi, hấp dẫn. Dĩ nhiên, một khi đã nổi tiếng rồi thì những nghệ sĩ Indie có thể tham gia vào đời sống biểu diễn như những nghệ sĩ chính thống, chuyên nghiệp. Indie bắt đầu phần lớn từ trên mạng, nhưng sau đó, những người được yêu mến nhất có thể bước ra thị trường làm show diễn của mình, thực hiện các sản phẩm âm nhạc theo cách họ muốn.

Vì sao âm nhạc phong cách Indie lại phát triển mạnh trong thời gian qua? Dễ hiểu, đây là thứ âm nhạc cực kỳ phù hợp với người trẻ, tuổi trẻ - những người đang muốn mang hết cảm hứng tự do của mình đến với công chúng.

Họ thoát khỏi những lý thuyết, những khúc thức trong sáng tác và biểu diễn. Họ có thể nói bất cứ điều gì họ nghĩ, họ quan tâm trong một thời điểm nào đó bằng âm nhạc. Họ không đoái hoài đề tài to hay nhỏ.

Họ không chịu nhiều áp lực như các nghệ sĩ thành danh ngoài đời, từ đầu tư hình ảnh, áo quần thời trang đồ hiệu, chi phí sản xuất các sản phẩm âm nhạc sao cho đắt tiền, thời thượng. Những người đến với Indie thường là những người có cá tính mạnh, muốn vượt qua thứ âm nhạc chuẩn mực, thậm chí không cần sự thừa nhận nào cả, được hồn nhiên viết và hát như mình muốn.

Vũ - chàng trai 9X nổi tiếng với ca khúc “Phút ban đầu”.

Mặt trái của Indie

Cho dù là một xu hướng âm nhạc mạnh mẽ, nhưng không có nghĩa cứ theo đuổi phong cách âm nhạc này là có thể thành công. Và ngay cả thành công trên mạng, nhưng khi bước ra thị trường, những nghệ sĩ Indie không dễ dàng nhập cuộc được. Vì sân khấu lớn có những đòi hỏi khác về mọi điều kiện.

Hát trong thị trường thực sự phải có đầu tư lớn, khác hẳn với lúc còn làm một người theo đuổi âm nhạc Indie trên mạng. Nghệ thuật ở ngóc ngách nào cũng chứa đựng những nghiệt ngã, khốc liệt, đòi hỏi người sáng tạo phải đủ bản lĩnh, tài năng, tâm huyết.

Mạng internet với xu hướng nghe trực tuyến rõ ràng đang là mảnh đất béo bở cho tất cả những ai yêu âm nhạc và mong ước đến với âm nhạc. Ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ Indie. Nhưng những cái tên còn lại thực sự trở thành nghệ sĩ đúng nghĩa thì không nhiều.

Nguyên do là Indie mang tính bột phát, ngẫu hứng. Người sáng tác ít chịu ràng buộc các nguyên tắc như trong đời sống sáng tác, biểu diễn truyền thống nên dễ bị sa đà. Một số người mang cái tôi quá lớn vào sáng tác, tự do thái quá khiến cho ca khúc của mình bị phản cảm, gây hiệu ứng ngược trong khán giả.

Thực tế, không ít ca khúc Indie bị ném đá, bị chết yểu ngay từ khi mới ngoi lên trên một kênh trực tuyến nào đó. Năm 2018 cũng là năm của rất nhiều sản phẩm âm nhạc “bẩn”, chứa đựng nội dung không lành mạnh.

Ví dụ, hàng loạt những ca khúc được đặt tên với những câu từ lấp lửng, gợi sự dung tục... đã dậy sóng truyền thông vì sự xấu xí, phản cảm. Người nghe nhiều khi bị làm phiền bởi những ca khúc rác rưởi. Mải chạy theo câu view, một số người trẻ đã làm mọi cách để được chú ý, cố tình đưa ra những sản phẩm về mặt thẩm mỹ.

Indie cũng đang là nguyên nhân khiến cho Tiếng Việt bị méo mó, đấy là một nguy cơ có thật. Cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp để ngăn chặn những ca khúc phản cảm, giữ cho môi trường nghe nhạc trực tuyến được lành mạnh hơn.

Khán giả nghe nhạc phong cách Indie phần đa là khán giả trẻ, nếu không có giải pháp mạnh tay để loại trừ những ca khúc có nội dung “bẩn” thì chính những ca khúc này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ nghe nhạc cũng như ngôn ngữ của thế hệ trẻ.

Lệ Chiến

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/cstctuan-tet_tu-do-nhu-indie-531310/