Từ Dự án Nhà chống lũ nghĩ về chuyện phòng chống thiên tai

Mấy năm trở lại đây, Dự án Nhà chống lũ mà chị Phạm Thị Hương Giang sáng lập đã cho thấy một cách làm mới về thiện nguyện. Nhìn rộng hơn về năm kỷ lục thiên tai 2017, càng thấm thía về một nghĩa cử giàu tính nhân văn, góp phần lan tỏa ra cộng đồng.

Dự án vì cộng đồng

Chị Phạm Thị Hương Giang, sinh năm 1979 tại Hà Nội, có biệt danh “Jang Kều” là người làm từ thiện đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Đặc biệt là bởi chị quan tâm đến ngôi nhà của người nghèo, những căn nhà lụp xụp không có khả năng chống chịu gió bão hoặc những người dân mất nhà do thiên tai. Chị Giang đã sáng lập Quỹ Sống Foundation với Dự án Nhà chống lũ, ở thời điểm này thật thiết thực và khiến cộng đồng xúc động.

Ngày 21-11-2013, Dự án Nhà chống lũ ra đời, gồm 5 thành viên công tác ở các ngành nghề khác nhau. Chị Phạm Thị Hương Giang - “Jang kều” - cho biết: 7 tiêu chí để hỗ trợ người dân vùng lũ: Hộ nghèo, cận nghèo chịu thiệt hại nặng sau mưa bão; Có khả năng đối ứng về vốn; Cam kết thực hiện theo thiết kế của dự án; Thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch mà dự án đề ra; Ưu tiên nhà đông nhân khẩu, có con nhỏ; Các hộ đặc biệt như quá nghèo, bệnh tật, không biết quản lý tài chính thì phải huy động thêm nguồn lực giúp hộ được hỗ trợ; Có đất hợp pháp.

Căn nhà đầu tiên đươc dự án Nhà chống lũ hỗ trợ là nhà bà Hồ Thị Nga ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Jang Kều chứng kiến căn nhà sắp đổ sập nhưng ngước lên thấy chiếc quan tài trên gác xép. Bà Nga kể cách đây ba năm khi lũ lên cao quá, bà với ông phải núp trên gác xép. Lũ lâu quá, ông chết, bà ôm xác ông, phải cuốn bằng chiếu đem chôn. Bao nhiêu năm bà tích cóp mua quan tài để ít ra chết còn có cái để chôn. Câu chuyện này làm Giang ám ảnh, quyết tâm phải giúp bà xây nhà chống lũ. Lúc đó, bà Nga chỉ có 10.000 đồng cùng căn nhà gỗ đổ nát, trong khi nhà chống lũ phải cần ít nhất 25 triệu đồng vốn đối ứng. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, Giang động viên bà cụ dỡ căn nhà, bán đống gỗ được 10 triệu đồng, thuyết phục ba người con gái đi lấy chồng xa mỗi người góp sáu triệu, là đủ tiền xây nhà.

Nhà chống lũ gây quỹ theo hình thức “crowd-funding” (gọi vốn cộng đồng) và gây quỹ trực tiếp từ các chương trình gây quỹ thường niên. Ban đầu, nguồn chính đi từ các chương trình gây quỹ (90%), nhưng sau này khi dự án hoạt động có hiệu quả, được cộng đồng ghi nhận thì con số từ crowd-funding đã tăng lên đáng kể.

Điều đáng nói, Dự án Nhà chống lũ đã nghiên cứu, sáng tạo ra các nhà phao khá hoàn hảo, giúp cho bà con vùng dễ bị úng ngập có khả năng thích thức. Dự án đã thay đổi chất liệu thùng phuy từ loại bằng sắt sang thùng nhựa để tăng khả năng nổi. Về mặt thực hiện, dự án hướng dẫn kỹ thuật và một phần tài chính, người dân tự dựng khung nhà, vách, sàn. Nhờ các nỗ lực này, trong năm 2014, 19 chiếc nhà phao phiên bản Nhà chống lũ được xây dựng.

Năm 2015, Nhà chống lũ tiếp tục hỗ trợ thêm 42 căn nhà phao. Ngoài những kỹ thuật đã áp dụng ở đợt 1, đợt 2 bổ sung các yếu tố kỹ thuật nhằm ứng phó khi có sóng và gió mạnh: đổi kết cấu sàn từ hình chữ nhật sang hình vuông nhằm giúp cân bằng lực, tạo thêm hành lang 30cm xung quanh nhà để giảm chấn khi có sóng, và bổ sung phương án cho chuồng gia cầm.

Năm 2017, Nhà chống lũ quay lại Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) với công cuộc cải tiến lần thứ 3 nhằm biến nhà phao thành mô hình dễ làm, dễ lan rộng. Đầu tiên, toàn bộ khung gỗ của nhà phao chuyển thành khung thép để dễ dàng thi công lắp ghép, tăng độ bền, tăng độ an toàn và giảm tải trọng của khung nhà. Tối ưu tiếp theo nằm ở hệ thống cửa: hệ cửa được thiết kế thành cửa lùa chống gió giật và có kính trong suốt để dễ dàng quan sát bên ngoài. Cuối cùng, hệ neo 5 điểm được hoàn thiện bằng bộ cuốn dây neo tự hãm, giúp dễ dàng thay đổi độ cao của nhà phao theo mực nước. Mô hình nhà phao sau lần cải tiến này dễ làm đến mức những tình nguyện viên không chuyên cũng có thể lắp ráp thành thạo ngay sau khi được hướng dẫn.

Bất cứ hoạt động thiện nguyện nào huy động sức lực của cộng đồng, xã hội mang lại hiệu quả cao cũng đều gặp khó khăn. Chính Jang Kều cũng từng phải thốt lên, nếu chỉ vài cá nhân thôi thì sự giúp đỡ chỉ như muối bỏ biển. Bởi thế, phải tìm cách để cộng đồng, xã hội cùng nhập cuộc. Vậy ban đầu phải làm sao để cộng đồng, xã hội biết? Với lợi thế của mạng xã hội, Dự án đã tổ chức truyền thông thật tốt, đồng thời, từ kế hoạch “an cư, lạc nghiệp” cho người dân phải được tính toán, khảo sát kỹ để giúp cho họ được sống ổn định, bền vững. Một trong những mấu chốt của vấn đề để thành công, chính là Dự án đã chạm được vào lòng thương người, tinh thần bác ái của người dân, được đoàn viên thanh niên ở các tỉnh ủng hộ. Còn tiền thì sao? Trong một số buổi giao lưu, chị Giang cho biết, để có tiền không khó bằng việc mỗi thành viên có thể sự hiểu vấn đề hay không. Phải hiểu được khả năng của người mình định giúp, họ tham gia được thế nào, truyền được niềm tin cho họ ra sao, đó mới là vấn đề khó. Chị Giang nói: “Do hạn chế số người, nên Dự án áp dụng cách làm cuốn chiếu, đến nơi này để đánh giá thật kỹ, sau đó, khởi công ở đây thì khảo sát tiếp khu vực bên cạnh để đến khi khởi công bên kia thì bên này đã triển khai công tác giám sát rồi”.

Chị Giang chia sẻ về Dự án Nhà chống lũ

Cùng người dân ứng phó với thiên tai

Có điều thật đáng mừng là nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đã chung tay với Dự án. Đó là các ca sĩ Tùng Dương, Mỹ Linh, Thanh Lam, họa sĩ Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Thành Chương… Một trong những chương trình gây quỹ thành công, là đầu năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc “Chảy đi sông ơi” đã quyên góp được 1,8 tỷ đồng. Sau đêm nhạc, cộng đồng ủng hộ thêm hơn 3 trăm triệu, vậy là Dự án có hơn 2 tỷ đồng để hoạt động. Khi được hỏi, vì sao đêm nhạc lại lấy tên “Chảy đi sông ơi”, thì Giang lý giải: Không chỉ là bão lũ mà người dân ở nhiều vùng còn đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, mà những điều đó đều bắt nguồn từ những con sông. Chương trình ấy còn nhằm thông diệp, là hãy bảo vệ những dòng sông như bảo vệ mạch máu trong cơ thể con người.

Vậy điều gì đã thôi thúc Giang có ý tưởng và thực hiện dự án? Ngược trở lại năm 2009, khi chị cùng nhóm bạn thiện nguyện về Quảng Nam. Đi qua những ngôi nhà chẳng còn dấu tích, hoặc ngập đến nóc, còn người dân bần thần, tớn tác vì lũ lụt, mất của cải, đồ dùng. Rồi chị gặp một người đàn ông đang chết lặng bên ngôi nhà trống hoác. Chị gọi mãi nhưng ông không thể cất lên lời. Hình ảnh ấy ám ảnh và khiến Giang đặt câu hỏi, làm gì để giúp cho cuộc sống của những người dân thống khổ này? Họ may mắn không bị lũ lụt cướp đi mạng sống, nhưng nó đã cướp đi tất cả, nơi để trở về, nơi để tìm thấy động lực sống.

Tuy thế, trong lúc ấy “làm điều gì cho hiệu quả” là việc không đơn giản. Bởi nếu chỉ mang đến mấy suất quà, thùng gạo, ít nước uống… thì thiên hạ đã nhiều người làm. Câu trả lời đã đến khi mùa lũ năm 2013 xảy ra tại Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bằng một sự tình cờ, chị Giang đã nhìn thấy bức ảnh chụp khung nhà gỗ cổ dựng trên 6 chiếc cọc bê-tông to đứng hiên ngang trên biển nước. Chị tìm hiểu và được biết, tác giả của công trình này là của GS,TS Tống Trần Tùng, một chuyên gia về vật liệu nhẹ đã dành tặng người hàng xóm của mình. Từ sự chia sẻ, giúp đỡ của GS,TS Tống Trần Tùng, chị Giang đã nảy ra ý tưởng dựa vào thiết kế của ông có thể giúp đỡ bà con xây dựng được những ngôi nhà chống lũ.

Chị Giang lúc nào cũng tươi vui, nghịch ngợm và… mơ mộng. Kiểu mơ mộng rất hồn nhiên, nghệ sĩ. Như Giang “tự họa”: “Trải qua rất nhiều ngành nghề, nhiều vị trí, từ những việc kinh doanh hồi còn nhỏ xíu đến khi làm ở những doanh nghiệp lớn, những dự án đồ sộ hay làm chủ các công ty của mình, tôi chỉ thích những công việc luôn cần sự đổi mới, sáng tạo”.

Niềm vui bên nhà mới

Vẫn là chuyện… khởi đầu?

Đến nay, qua hơn 5 năm phát triển, Quỹ Sống Foundation với Dự án Nhà chống lũ đã xây được gần 700 căn giúp 3.500 người an toàn trước thiên tai, đến với 11 địa phương trên cả nước hoàn toàn nhờ vào việc gây quỹ thành công gần 30 tỷ đồng từ cộng đồng. Trong đó, năm 2018 Dự án Nhà chống lũ đã xây dựng 523 căn nhà, ước tính hỗ trợ trực tiếp cho 2.092 người có được đời sống an toàn trước thiên tai. Riêng năm 2017, dự án Nhà chống lũ cùng người dân hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, miền Tây; 120 gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp (Bến Tre) được hỗ trợ bồn nước; số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50 hộ.

Năm 2019, quỹ Sống Foundation đang xây dựng 150 ngôi nhà an toàn, 11 mô hình nhà, hoàn thành mô hình “Làng Hạnh phúc” tại Hội An, thực hiện sáu chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và sẽ trồng mới 51 nghìn cây xanh ở khu vực thành thị, nông thôn, ven biển.

“Cuối năm 2019 tại Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam chúng tôi xây dựng 12 căn. Tại Điện Thọ, Điện Bàn, chúng tôi xây 22 căn trong đó có 9 căn đã hoàn thành, 13 căn đang thi công. Chúng tôi không thể nào quên được những hình ảnh mưa trắng trời, những ngôi nhà ngập chìm trong biển nước gây ngập lụt liên tiếp ở Quảng Nam. Bà con nơi đây nhiều người vì lũ phải rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Chính vì thế ngay từ khi thành lập dự án, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng nhiều ngôi nhà an toàn chống lũ tại đây”, chị Giang chia sẻ.

Mỗi người có cách thiện nguyện khác nhau. Còn chị Giang, luôn hướng tới những điều hiệu quả, thiết thực, cái mà người dân cần nhất. Bởi chị rút kinh nghiệm, là không nên ồn ào, “chém gió” mà hãy làm thực chất. Không chỉ thúc đẩy sự tham gia của người hưởng lợi, Nhà chống lũ còn kêu gọi sự chung tay đóng góp từ các bên như: Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giám sát, đốc thúc trong quá trình triển khai dự án; Chuyên gia, kiến trúc sư giúp thiết kế căn nhà ngày một tối ưu và an toàn; Các tình nguyện viên, các họa sĩ, nghệ sĩ, các cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình gây quỹ, tài trợ cho dự án.

Con người có nhiều cách ứng phó với thiên tai, giảm thiểu tác hại và sự tàn phá của thiên tai. Các cộng sự của chị Giang đều khẳng định, nếu có sự đoàn kết, chung tay, con người sẽ tăng sức mạnh để đối mặt với diễn biến thời tiết cực đoan.

Mới đây Phạm Thị Hương Giang đã được tạp chí Forsbes VietNam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất năm 2019, với những cống hiến to lớn trong hoạt động thiện nguyện xã hội. Nhưng với Jang Kều đó chỉ là một sự khởi đầu trên con đường thiện nguyện.

Hiệu quả của Nhà chống lũ trong thực tế

Nguyễn Văn Học

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-du-an-nha-chong-lu-nghi-ve-chuyen-phong-chong-thien-tai-74034