Từ du lịch cộng đồng '3 không', đến sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Những mô hình chuyển đổi số đã tạo ra nhiều dịch vụ và tiện ích có giá trị cao, giúp các HTX xây dựng được thương hiệu, tạo giá trị cho sản phẩm và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Làng du lịch Gò Cỏ với xây dựng thương hiệu '3 không'

Chuyển đổi số tạo thương hiệu cho sản phẩm

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022, tổ chức vào sáng 23/9 tại Trụ sở VPCP, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (Quảng Ngãi) đã kể câu chuyện về hành trình biến một ngôi làng heo hút tại thị xã Đức Phổ thành làng du lịch.

Thành lập vào năm 2019, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã thu hút 34 thành viên là hộ gia đình người dân trong làng tham gia, với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản của một ngôi làng cổ Chăm Pa và lấy du lịch cộng đồng làm động lực phát triển. Ngôi làng cổ mang tên "làng Gò Cỏ" đã được công nhận là điểm du lịch cộng đồng 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ hướng đến thương hiệu du lịch "Không nghèo đói - Không thất nghiệp - Không ảnh hưởng môi trường". Trước đây, đại bộ phận cộng đồng rơi vào thế bị động, chưa hiểu hết những giá trị toàn thể; chưa xây dựng đầy đủ các liên kết thúc đẩy tính hợp tác, chia sẻ lợi ích... khiến cho những tác động tiêu cực nhanh chóng lan rộng, làm mất đi các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt của du lịch cộng đồng khi người dân được đặt trong tổ chức của HTX. Các nguyên tắc của HTX giúp cho cộng đồng bản địa (kể cả không phải là thành viên HTX) tham gia tích cực trong các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, giáo dục cộng đồng, bảo tồn rừng và các dự án cộng đồng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Chia sẻ về việc gắn mã QR, tạo thương hiệu cho quả trứng vịt biển, ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho biết, từ một HTX chỉ có 7 thành viên nuôi vịt biển đẻ trứng tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) năm 2015, nay đã có 25 thành viên cung cấp trứng và thịt vịt biển an toàn cho nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: "HTX đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ thành viên, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong tập quán sản xuất chăn nuôi của người nông dân xã đảo Đồng Rui".

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, HTX đã xác định sản xuất là khâu quan trọng nhất, mọi chiến lược phát triển thương hiệu có thành bại đều bắt đầu từ đây.

Để có sản phẩm chất lượng tốt, trong từng khâu cụ thể của quy trình đều có thành viên đảm nhiệm, chịu trách nhiệm từ khâu đầu vào, như giống, thức ăn, thuốc thú y… đến khâu đầu ra, như kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì, quản lý tại chuỗi các cửa hàng và bán đến tay khách hàng. "Việc ghi chép nhật ký chăn nuôi, phổ biến kiến thức đến các thành viên luôn được quan tâm và kiểm tra, giám sát thường xuyên bởi ban kiểm soát của HTX. Do vậy, chất lượng sản phẩm luôn duy trì ổn định", ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong tạo thương hiệu cho sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui luôn được chú trọng. HTX đã xây dựng trang web quảng bá thương hiệu trứng vịt biển và mã QR cho từng loại sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, việc có thông tin truy xuất nguồn gốc đã phản ánh đầy đủ từ quá trình sản xuất của người nông dân đến việc phân phối sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với các sản phẩm nông sản sạch.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành nghề phụ trợ để làm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm mới. Đồng thời, thực hiện việc liên kết với các đơn vị sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị", ông Nguyễn Văn Hưởng khẳng định.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ông Phạm Ngọc Thạch, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt cho biết, Sunfood Đà Lạt cùng toàn bộ các thành viên liên kết đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất với tổng diện tích trong năm 2020 đạt khoảng 100 ha. Trong đó, có ít nhất 30% diện tích canh tác đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, ứng dụng IoT trong sản xuất và kiểm soát dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật… Toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều được quản lý, áp dụng và đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, việc sản xuất theo hình thức liên kết, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị đã tạo lợi ích thiết thực, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Các thành viên tham gia HTX được hỗ trợ vay vốn, được cung ứng phân bón, vật tư-thiết bị nông nghiệp; được bao tiêu đầu ra với giá thành luôn ổn định; được tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trong sản xuất. Các doanh nghiệp, cửa hàng liên kết được đảm bảo giá bình ổn và quy chuẩn hàng hóa luôn đạt chất lượng theo ký kết ban đầu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Ứng dụng chuyển đổi số giúp trứng vịt Đồng Rui tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về nông sản sạch

Bảo đảm tính bền vững của các giải pháp chuyển đổi số

Từ những câu chuyện ứng dụng công nghệ cao, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ đó xây dựng chuỗi giá trị bền vững của các HTX, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về các giải pháp giúp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các HTX.

Ông Dương Nam Hà, Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, trong ngắn hạn, với nguồn lực hạn chế, các HTX tại Việt Nam có thể áp dụng xây dựng các quy trình bán hàng online thông qua sử dụng các website và tích hợp vào các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số ở các HTX cần chú ý đến đặc thù của mình vì sự khác biệt của mô hình HTX với nhiều thành viên tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, đặc biệt là các HTX nông nghiệp ở Việt Nam với đa số thành viên là nông dân.

Cũng theo ông Dương Nam Hà, tuy việc chuyển đổi số có thể chia theo công đoạn và công việc cụ thể tùy vào nguồn lực của mỗi HTX, nhưng quan điểm chuyển đổi số ở các HTX cần được nhìn nhận theo diện rộng trên toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh, thậm chí trên toàn chuỗi cung ứng/giá trị để có tầm nhìn chung và mục tiêu dài hạn. Ví dụ, các HTX đã chuyển đổi số ở marketing, truyền thông (mạng xã hội) thì có thể tổ chức thêm kiểm soát số toàn bộ quy trình đầu vào, lưu trữ, sản xuất...

"Việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nên cần tránh thái độ e ngại rủi ro mà trì hoãn. Thay vào đó, những người quản lý HTX nên sẵn sàng học hỏi và chuẩn bị kĩ càng hơn để thích nghi với sự thay đổi một cách chủ động", ông Dương Nam Hà nêu quan điểm.

Đề xuất giải pháp ứng dụng chuyển đổi số bền vững, ông Lê Kim Thái, quản lý chương trình cấp cao tại Oxfam cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số cần lồng ghép với các chủ trương, chiến lược và chương trình của Nhà nước để đảm bảo tính bền vững của các giải pháp công nghệ số cho cộng đồng.

Ông Lê Kim Thái nêu quan điểm, một trong những vấn đề lớn nhất mà các dự án về chuyển đổi số đang gặp phải là đảm bảo tính bền vững và nhân rộng các giải pháp công nghệ sau khi dự án kết thúc. Ngoài yếu tố thiết kế giải pháp tốt, nội dung tốt, quảng bá tốt đến nhóm đối tượng đích, các dự án cần phải xây dựng được mô hình vận hành lâu dài cả về kỹ thuật, nhân sự và tài chính.

Ông Lê Kim Thái cũng nêu ví dụ cụ thể về 2 ứng dụng là FINLIT app và AwareHero của Ngân hàng Chính sách xã hội và Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phát huy được hiệu quả, hướng đến phát triển giải pháp công nghệ số trong chiến lược chung về phát triển chính phủ điện tử và các chiến lược chuyển đổi số trong các ngành. Nhờ vậy, 2 ứng dụng này được hòa chung vào hệ thống các giải pháp số của 2 cơ quan, nhanh chóng được triển khai đến cộng đồng và lồng ghép phát triển ứng dụng từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tu-du-lich-cong-dong-3-khong-den-san-xuat-gan-voi-chuoi-gia-tri-102220923113957645.htm