'Từ Dụ Thái hậu': Đời người và góc khuất vương triều

Văn hóa, lịch sử, con người của Huế, của Việt Nam là những gì quý nhất mà tôi đã tiếp cận trong nửa cuộc đời. Khi đi xa, tôi luôn mang theo vốn quý ấy trong lòng- nhà văn Trần Thùy Mai, nói

Phóng viên: Độc giả yêu thích văn chương vốn quen thuộc với một Trần Thùy Mai của những truyện ngắn. Lần tái xuất này chị lại giới thiệu với bạn đọc một tiểu thuyết (Từ Dụ Thái hậu, NXB Phụ nữ ấn hành 2019), phải chăng đây là tác phẩm chị đã ấp ủ từ lâu?

- Nhà văn Trần Thùy Mai: Truyện ngắn cũng gần như thơ, mỗi tác phẩm là một cảm xúc, một cánh cửa mở ra và khép lại ngay nhưng để lại một dư âm dài. Còn tiểu thuyết có gì đó giống như điêu khắc, tác giả mang nặng cảm hứng của mình và từng ngày, từng ngày tạc từng nét một cho đến khi nên hình nên dáng. Là người cầm bút, tôi cũng muốn thử sức với những thể loại khác nhau. Tiểu thuyết là một ngưỡng cửa mà nhà văn nào cũng muốn bước qua.

Điều gì ở Thái hậu Từ Dụ hấp dẫn chị đến mức khiến chị chọn là nhân vật cho tiểu thuyết đầu tiên của mình?

- Thái hậu Từ Dụ có tên là Phạm Thị Hằng, vốn là người con gái phương Nam, theo cha đến kinh thành Huế trong đời Gia Long Hoàng đế, vào cung thời vua Minh Mạng và sống trong cung đến đời vua Thành Thái mới mất. Nhà Nguyễn có 13 vua thì bà đã sống qua 10 đời vua. Vì vậy, lịch sử cuộc đời bà cũng chính là phần lớn lịch sử vương triều Nguyễn.

Chị kỳ vọng gì ở sự đón nhận của bạn đọc với cuốn tiểu thuyết này?

- Tôi hy vọng rằng mỗi bạn đọc có thể tìm thấy trong tác phẩm này một điều gì đó khiến mình quan tâm và hứng thú.

Bạn đọc trẻ tuổi có thể thấy ở đó những bài học về tình yêu, tình người và bản lĩnh trước cuộc sống. Tranh chấp quyền lực và tranh đoạt tình yêu vẫn luôn là chuyện muôn thuở của con người. Nàng cung nữ Phạm Thị Hằng đã là nạn nhân của những âm mưu tăm tối trong cung cấm, chịu đựng vùi dập, oan ức. Với tấm lòng ngay thẳng, nhân hậu, nàng đã vượt qua bao nhiêu sóng gió để giữ được hạnh phúc và phẩm giá của một người vợ, người mẹ, hơn thế nữa, một bậc mẫu nghi thiên hạ.

Bạn đọc nào thích tìm hiểu văn hóa có thể thấy lại những lễ nghi, lề thói sinh hoạt của một thời, nhất là những chi tiết của văn hóa Phú Xuân xưa, có thể xem là văn hóa Việt thế kỷ thứ XVIII - XIX.

Bạn đọc nào quan tâm đến những vấn đề lịch sử có thể chia sẻ với tác giả một số nhìn nhận về vai trò của các vua triều Nguyễn trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.

Nhà văn Trần Thùy Mai trước cổng lăng Thái hậu Từ Dụ và tiểu tuyết “Từ Dụ Thái hậu” vừa ra mắt (Ảnh do nhà văn cung cấp)

Nhà văn Trần Thùy Mai trước cổng lăng Thái hậu Từ Dụ và tiểu tuyết “Từ Dụ Thái hậu” vừa ra mắt (Ảnh do nhà văn cung cấp)

Tuy câu chuyện chủ yếu diễn ra sau cánh cửa hậu cung, nhưng từ những éo le trong cung cấm, vẫn có thể soi chiếu một cái nhìn tổng quan đến chốn triều đình và những việc "quốc gia đại sự" một thời.

Từng là nữ sinh trường Đồng Khánh, trải qua thời thanh xuân tươi đẹp ở cố đô Huế, với những di tích của vương triều Nguyễn cùng những giai thoại chốn hoàng cung. Chắc hẳn điều đó cho chị khá nhiều thuận lợi khi viết tiểu thuyết này. Tuy vậy, có những khó khăn nào không khi phải đối diện với một nhân vật có cuộc đời vắt ngang hai thế kỷ của vương triều cuối cùng này?

- Vâng, sử triều Nguyễn và những giai thoại cung đình trong dân gian thực sự là một kho tư liệu rất quý cho tôi khi tái hiện cuộc sống trong Hoàng cung nhà Nguyễn. Tuy vậy, xử lý các tư liệu cũng không đơn giản, vì triều Nguyễn dài 143 năm, quy chế, lệ luật, cách sinh hoạt thay đổi, đầu triều với cuối triều rất khác nhau. Ngay cả diện mạo kinh thành, tên gọi các cung điện cũng thay đổi qua thời gian, ví dụ cung điện của mẹ vua trong Hoàng thành vốn ban đầu có tên là cung Trường Thọ, rồi đổi Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, trước khi thành Diên Thọ… Người viết, trong khi phóng bút theo cảm hứng, vẫn luôn phải thận trọng để khỏi sai sót trong những chi tiết nhỏ.

Được cái may là tôi lớn lên ở Huế, làm việc trong lĩ̃nh vực văn hóa giáo dục ở Huế hơn 20 năm… Mọi thứ ở Huế dường như đã thành một phần cuộc sống của tôi. Viết về Huế cũng như trở về nhà, dù đồ đạc được bày biện phức tạp bao nhiêu, mình vẫn thấy rất là quen thuộc.

Sau tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu", chị có đang viết tác phẩm tiếp theo chưa? Sẽ trở về với truyện ngắn hay tiếp tục với tiểu thuyết?

- Tôi đang dự định viết một tiểu thuyết khác, cũng lấy đề tài lịch sử. Trong cuốn tiểu thuyết vừa rồi, chuyện dừng khi Từ Dụ Thái hậu chưa đến 40 tuổi. Đời bà vẫn còn dài và chuyện của triều Nguyễn cũng còn dài, càng về sau càng nhiều khúc mắc, éo le hơn. Có thể tôi sẽ viết tiếp về giai đoạn lịch sử này, vẫn có bóng dáng của Từ Dụ, nhưng xoay quanh một nhân vật chính khác...

Văn hóa, lịch sử, con người của Huế, của Việt Nam là những gì quý nhất mà tôi đã tiếp cận trong nửa cuộc đời. Khi đi xa, tôi luôn mang theo vốn quý ấy trong lòng.

Độc giả bất ngờ

Trần Thùy Mai đã có trên 30 năm cầm bút với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được nhiều bạn đọc yêu mến. Trong đó, một số truyện ngắn nổi tiếng: "Gió thiên đường", "Thập tự hoa", "Quỷ trong trăng", "Thương nhớ hoàng lan", "Mưa đời sau", "Người bán linh hồn", "Trăng nơi đáy giếng", "Thị trấn hoa quỳ vàng"... đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật... Nhiều truyện ngắn của Trần Thùy Mai đã được chuyển thể kịch bản sân khấu hoặc dựng thành phim: "Hãy khóc đi em", "Gió thiên đường", "Thập tự hoa" (2005), "Trăng nơi đáy giếng" (2009).

Vắng bóng đã lâu, đầu năm 2019, nữ nhà văn Trần Thùy Mai khiến độc giả bất ngờ khi xuất bản tiểu thuyết lịch sử "Từ Dụ Thái hậu", một tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về một nhân vật cho đến nay vẫn ít người khai thác. Từng cho ra đời những tập truyện ngắn lấy bối cảnh chốn hậu cung như "Lửa hoàng cung" hay "Chuyện tình trong cung Nguyễn" nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên cảm hứng từ triều Nguyễn lại hiện diện mạnh mẽ đến thế trong tác phẩm của Trần Thùy Mai.

Huỳnh Trọng Khang thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tu-du-thai-hau-doi-nguoi-va-goc-khuat-vuong-trieu-20190510204143132.htm