Tư duy clip

Tư duy clip là một thuật ngữ xuất hiện trong vài chục năm gần đây để miêu tả cách tiếp nhận thông tin điển hình của một thế hệ mới.

Thế kỷ XXI đã tạo nên một nhịp độ sống nhanh khác thường. Khi tìm cách chạy theo nó con người thôi đi sâu vào bản chất của thông tin mà chỉ tính đến những sự kiện trên bề mặt. Tư duy clip có hại thế nào? Nó có mặt nào tích cực không? Làm sao phát triển được tư duy của mình và không bị cầm tù bởi "kiểu nghĩ clip"? Chúng ta hãy cùng nhau thử tìm hiểu.

Clip và tư duy clip?

Điều đầu tiên nảy ra trong đầu đa số người khi nghe đến từ "clip" là chuỗi video thay đổi nhanh chóng phát trên MTV, thường là với những hình ảnh không gắn gì lắm với nhau. Hình dung đó không phải là quá xa sự thật - từ "clip" trong tiếng Anh biểu thị "cắt rời những đoạn từ báo chí, phim ảnh ra".

Khi cắt rời ra những yếu tố quan trọng và sắp xếp chúng lại thành một câu chuyện chung, người dàn dựng (montager) giúp cho người xem dễ hiểu và chỉ ra bức tranh chung mà không đi sâu vào đề tài họ đưa ra.

duy clip làm việc theo những nguyên lý như các videoclip, tức là con người cảm thụ thế giới xung quanh như sự liên tục của các hiện tượng không liên quan gì nhau, chứ không phải như một cấu trúc thuần nhất ẩn chứa mối liên hệ qua lại của tất cả các phần tử. Người ta gọi tư duy clip là sự biến cải toàn cầu của bản chất con người và là vấn đề lớn của thế hệ hiện nay.

Mỗi loại tư duy đều có mặt mạnh và mặt yếu của nó, điều quan trọng vẫn là... có tư duy thích hợp cho mỗi vấn đề cụ thể.

Mỗi loại tư duy đều có mặt mạnh và mặt yếu của nó, điều quan trọng vẫn là... có tư duy thích hợp cho mỗi vấn đề cụ thể.

Từ cuối những năm 1990, nhà sư phạm Nga Andrei Podolsky đã bắt đầu nghiên cứu về tác động của truyền thông đại chúng, điện ảnh và Internet khi đó mới bắt đầu phổ cập đến lớp trẻ hiện đại.

Ông đã tiến hành thực nghiệm với hai nhóm sinh viên. Một nhóm đọc bài kể chuyện của một cô gái, nhóm kia thì xem một videoclip cũng với nội dung tương tự. Kết quả là các cô cậu xem clip thì mức độ hiểu biết cao gấp sáu lần chỉ số của nhóm được hỏi theo cách truyền thống. Hình ảnh không chỉ thay thế bản viết, mà còn vượt hơn nó.

Andrei Podolsky bình luận kết quả thực nghiệm của mình như sau: "Các bộ phim dài và ngắn đưa ra quyết định có sẵn, đúng hơn, là đưa lại ảo ảnh về quyết định có sẵn".

Con người trong thời đại chúng ta ngày càng khó phán đoán và suy nghĩ một cách logic, khó tìm kiếm những cách giải quyết mới mẻ và bất ngờ, bởi chúng ta đang sống trong một trường thông tin rộng lớn, nơi có thể nhận được những tin tức cần thiết qua một cái click hoặc một lệnh miệng thông thường.

Sự mất khả năng phân tích thông tin là hậu quả của việc hình ảnh của nó không được lưu giữ lâu trong tâm trí và nhanh chóng bị thay thế bởi cái khác, như khi chuyển kênh hay xem tin tức.

Các nhà sản xuất thông tin để tiêu dùng đã học cách thao túng con người hiện đại và đổ nhiều tiền vào việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và sách, tìm cách làm ra những văn bản gồm những câu được rút ngắn, ít có tính liên kết logic.

Tư duy clip cũng rất tiện cho thương mại và quảng cáo. Quảng cáo là nhằm đến cảm xúc chứ không phải nghĩ ngợi, vì thế đơn giản nhất là gợi nên những tình cảm "bậc thấp" của con người và người ta tin làm thế sẽ thu hút được người mua tiềm năng.

Mặt tốt của tư duy clip

Tư duy clip là một phẩm chất được mắc phải, được hình thành trên cơ sở những điều kiện tồn tại và nhịp sống bị thay đổi. Những đặc điểm của "tính chất clip" là việc xử nhanh các dữ liệu, sự lấn trội của cách cảm thụ thị giác, sự khó khăn khi cảm thụ chuỗi liên tục tuyến tính dài và thông tin thuần chất.

Điều này trái ngược hẳn tư duy khái niệm, nó cho phép con người tìm thấy và tách ra được những dấu hiệu cơ bản của các đối tượng, dễ dàng đi sâu vào thông tin và biết cách phân tích chúng. Người có kiểu tư duy phân tích sẽ nghiên cứu rốt ráo và phân tích thông tin, nhưng vì thế nên phải tốn thời gian hơn. Các nhà tâm lý học thường gọi loại người này là "Người đọc sách" để phân biệt với "Người xem màn hình".

Trong điều kiện nhịp sống tăng tốc con người cần phải tỏ ra đa năng và có năng lực thực hiện cùng lúc nhiều hoạt động. Thông tin là một dòng chảy hỗn độn và con người không phải bao giờ cũng có đủ thời gian để tập trung đi sâu phân tích. Trong trường hợp này tư duy clip đóng vai trò "phin lọc" trước tình trạng quá tải thông tin.

Con người mang tư duy clip sẽ chỉ có khả năng tiếp nhận thông tin ngắn gọn, nhưng ta hãy nhớ lại những lời của nhà cổ điển vĩ đại L.N.Tolstoy: "Những ý nghĩ ngắn gọn tốt ở chỗ chúng buộc độc giả nghiêm túc phải tự mình suy nghĩ".

Việc áp dụng tư duy clip sẽ giúp con người ghi nhớ thông tin nhanh hơn, do đó sẽ giúp hắn trong việc học ngoại ngữ hoặc nhớ nhanh những dữ liệu có khối lượng không lớn lắm.

Thêm một phẩm chất tích cực mà những người mang tư duy clip có được là tính đa chức năng mà nhà tâm lý học Mỹ nổi tiếng L. Rozan đã nói đến trong cuốn sách của mình "Cái Tôi, không gian của tôi và tôi: việc giáo dục thế hệ mạng".

Ông nhận xét rằng bọn trẻ "thế hệ Apple" có thể cùng lúc học bài, nghe nhạc, lướt mạng xã hội và trò chuyện trên Skype. Nhưng hệ quả tất yếu của tính đa năng là sự phân tán chú ý và sự hoạt động quá mức.

Mặt xấu của tư duy clip

Tuy nhiên tư duy clip không phải hoàn toàn vô hại - hiện tượng này hẳn nhiên là có những mặt tiêu cực. Đặc trưng của tư duy clip là sự thiếu "bối cảnh". Con người không dựa vào thông tin đã thu thập từ trước và không phân tích nó căn cứ vào những liên hệ ngữ nghĩa giữa các hiện tượng tồn tại trong bối cảnh.

Hiện nay đã hình thành một tầng lớp có tư duy clip.

Người mang tư duy clip gặp khó khăn khi tìm hiểu bức tranh chung và kết quả là hắn chỉ tiếp nhận thông tin đứt đoạn mà hắn không thể đối chiếu được với thông tin khác.

Ta hãy lấy một thí dụ rất đơn giản - người say mê chính trị thì có khả năng liên kết các tin tức thu nhận được thành một bức tranh chung. Người không quan tâm lắm đến lĩnh vực này thì sẽ không thể hiểu nguyên nhân và hệ quả của các hiện tượng bởi vì chúng hiện ra trước hắn là rời rạc, hắn không thấy giữa chúng có mối liên hệ gì. Họ không thấy được liên hệ giữa các hiện tượng sự việc vì cách tiếp nhận thông tin quen thuộc đối với hắn không cho phép hắn tự mình thấy ra.

Trong bài viết "Google có làm ta ngu hơn?" Nicholas G. Carr nhận xét rằng bước chuyển từ tư duy toàn vẹn sang tư duy clip nói lên sự phân tán của ý thức.

Để không trở thành con tin của tư duy clip người ta đã soạn ra một khối lượng lớn các phương pháp và chương trình đào tạo dành cho sự tập trung chú ý. Các nhà nghiên cứu đề nghị ngày nào cũng nên tập phân tích ngay cả những điều thoạt nhìn tưởng là hiển nhiên. Để làm việc đó phương pháp thích hợp nhất là đọc.

Đọc cho phép nhìn thấy toàn bộ bối cảnh và tạo khả năng cho mỗi người tự mình phân tích thông tin thu nhận được. Có người hỏi: "Tôi chỉ đọc lướt các đầu đề tin tức và thích buổi chiều ngồi thư giãn lướt mạng, thế thì có gì đáng sợ?" Không, việc đó không đáng sợ, nhưng sự chú ý cũng như cơ bắp cần phải được rèn luyện.

Còn có một phương pháp do phó tiến sĩ toán lý L.I.Yastrebova đưa ra để phát triển tư duy riêng của mình. Nó dựa trên thuật toán làm việc "Phân tích-Cấu trúc-Hệ thống-Tổng hợp-Phân tích": 1) Phân tích, cụ thể là nghiên cứu vấn đề; 2) Cấu trúc, tìm ra các yếu tố riêng rẽ của hiện tượng, quá trình, tình huống nhìn thấy; 3) Hệ thống hóa, lần theo các mối liên hệ qua lại của các yếu tố thu nhận được; 4) Tổng hợp, cố gắng nhìn thấy bức tranh tổng hợp trong sự "tương tác" của các yếu tố được tìm thấy; 5) Phân tích, đánh giá kết quả thu được. Cơ chế này cập nhật đối với mọi người thuộc đủ các lứa tuổi.

Để hiểu nó rõ hơn ta hãy giả sử bạn mua một bộ Lego. Điều đầu tiên bạn bắt đầu là đọc bản hướng dẫn - đó chính là sự phân tích. Tiếp đến bạn xếp các viên gạch kề bên nhau, các cửa sổ để riêng ra, cửa lớn cạnh cửa lớn và cứ thế - đó là cấu trúc. Tổng hợp là hiểu ra rằng bức tường không nên quá nhỏ để có thể cho cửa sổ vào được. Sau đó bạn dựng ngôi nhà từ tất cả các vật liệu - đó là tổng hợp. Và việc cuối cùng bạn làm: đánh giá ngôi nhà bạn đã dựng, so sánh nó với hình vẽ trên hộp.

Biết thích ứng trong thế giới hiện đại và chấp nhận những "luật chơi" là cần thiết, nhưng vẫn phải giữ được sự đam mê và khát vọng nhận thức và phân tích. Các công nghệ hiện đại giúp chúng ta giảm nhẹ cuộc sống, giản lược nhiều công việc, nhưng chẳng lẽ chúng ta lại muốn giản lược hoạt động của đầu óc?

Ngân Xuyên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/tu-duy-clip-599952/