Tư duy nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp

(Vanhien.vn) Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Ts Nguyễn Hữu Nguyên - Nguyên CBNC viện LSQS Việt Nam "Tư duy nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp" do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 - Ảnh: T.L

Phần mở đầu:

Lĩnh vực quân sự có thể nghiên cứu từ nhiều khía cạnh như: văn hóa quân sự, kinh tế quân sự, địa lý quân sự, tổ chức quân sự, kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự...Riêng nghệ thuật quân sự gồm có ba bộ phận hợp thành là chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch, và chiến thuật. Tuy nhiên nghệ thuật quân sự không cứng nhắc như định lý, công thức vật lý, toán học-mà đó là sự kết hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nó được coi là "nghệ thuật quân sự" vì hoạt động quân sự quy mô lớn phải có chiến lược quân sự-như kịch bản-và kỹ năng chỉ huy và thực hành chiến đấu-như trình diễn theo kịch bản. Do đó hiệu quả của nghệ thuật quân sự tùy thuộc vào tư duy quân sự của cấp chiến lược- và năng lực chỉ huy của đội ngũ sỹ quan cùng với kỹ năng chiến đấu của binh sỹ.

Lịch sử chống ngoại xâm của VN đã sản sinh ra rất nhiều danh tướng- nhưng ở mỗi thời và riêng mỗi tướng có những tư tưởng và tài năng quân sự khác nhau-phản ánh những sắc thái văn hóa quân sự của thời kỳ lịch sử đó: thời nhà Lý-chống quân Tống- với tư tưởng tiến công chủ động, phá âm mưu xâm lược của địch ngay trên đất của kẻ thù-mang dấu ấn của Lý Thường Kiệt. Thời nhà Trần-chống quân Nguyên Mông- với tư tưởng chiến tranh nhân dân(trăm họ đánh giặc)-mang dấu ấn của Trần Hưng Đạo. Thời nhà Lê-chống quân Minh-với tư tửng “công tâm”(đánh vào lòng người)-mang dầu ấn của Lê Lợi-Nguyễn Trãi. Thời chống quân Thanh-với tư tưởng cơ động, tấn công thần tốc-mang dấu ấn của Quang trung-Nguyễn Huệ. Thời đại HCM-chống thực dân đế quốc phương tây-là sự kết tinh và nâng cao truyền thống văn hóa quân sự VN kết hợp với quân sự hiện đại của thế giới-mang dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Người mà cả thế giới tôn vinh trong số 10 danh tướng giỏi nhất mọi thời đại.

Sự nghiệp quân sự của Võ Nguyên Giáp (VNG) bắt đầu từ người chỉ huy 37 chiến sỹ của đội võ trang tuyên truyền và trưởng thành trong chiến đấu đến cấp bậc Đại tướng-tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN-đã tiến hành hai cuộc kháng chiến đáng bại hai thế lực thực dân đế quốc mạnh nhất thế giới trong TK XX. Bài viết sẽ chứng minh: tư duy nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp và là sự kết tinh của giá trị văn hóa quân sự truyền thống VN và trình độ quân sự hiện đại của thế giới.

1-Tìm hiểu đặc điểm nổi bật và những giá trị văn hóa quân sự truyền thống của Việt Nam

Nhìn lại dòng lịch sử chống ngoại xâm lâu dài của Việt Nam có thể nhận thấy những đặc điểm nổi bật sau đây:

Một là luôn phải chống lại kẻ thù lớn hơn gấp bội-vì hoàn cảnh VN là một nước nhỏ nhưng có "núi liền núi, sông liền sông" với thế lực phong kiến phương bắc lớn hơn gấp trăm lần- họ có tham vọng bành trướng ăn sâu vào não trạng. Chiến lược bành trướng tuyền thống của phong kiến phương bắc là "cận công, viễn giao"(tấn công người ở gần, giao hảo với kẻ ở xa) nên gần như triều đại nào của phương bắc cũng có âm mưu xâm lược VN. Đến lịch sử hiện đại, những thế lực thực dân đế quốc lớn nhất thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ cũng muốn chiếm lấy vùng đất nhỏ hình chữ S này.

Hai là hầu hết các cuộc chiến tranh đều thuộc loại hình "chiến tranh giải phóng"- diễn ra dưới dạng các cuộc kháng chiến trường kỳ hàng chục năm mới đánh đuổi được kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi-như kháng chiến chốmg Pháp và chống Mỹ kéo dài 30 năm.

Ba là: các cuộc chiến tranh đều mang tính nhân dân rất cao-điển hình như kháng chiến chống Nguyên-Mông TK XIII và kháng chiến chống Mỹ TK XX

Bốn là: tương quan lực lượng quân sự rất chênh lệch: VN có quân đội và vũ khí trang bị ít và thô sơ hơn nhiều so với kẻ xâm lược . Điển hình như cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông-một đội quân mạnh nhất thế giới lúc đó và cuộc kháng chiến chống lại nửa triệu quân viễn chinh có trang bị vũ khí đấy đủ và tối tân nhất của siêu cường số 1 thế giới là Mỹ-nhưng thắng lợi cuối cùng vẫn thuộc về quân và dân Việt Nam.

Năn là quy mô hoạt động quân sự luôn từ nhỏ lẻ, phân tán-từ cung tên giáo mác, tầm vông, súng kíp và nớp với giao mang trên vai... tiến lên đánh tập trung quy mô lớn-phá tan hàng vạn quân địch như ở Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, CZ HCM.

Tóm lại, VN luôn phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều nên buộc phải kháng chiến trường kỳ nhưng luôn giành thắng lợi vẻ vang . Điều đó chứng tỏ sức mạnh quân sự của VN không tùy thuộc nhiều vào yếu tố vật chất-gồm quân số, vũ khí, phương tiện chiến tranh hay sức mạnh kinh tế- mà tùy thuộc nhiều hơn vào các yếu tố văn hóa quân sự-bao gồm tinh thần yêu nước, đoàn kết, tài năng về tư duy nghệ thuật quân sự và tinh thần chiến đấu dũng cảm.

Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều không phải là chủ trương hay tư tưởng quân sự- mà là điều kiện bắt buộc của các cuộc chiến tranh giải phóng khi tương quan nghiêng nhiều về phía địch- Để vượt qua thử thách rất lớn đó VN đã có những tư duy quân sự rất độc đáo-đó là bản sắc văn hóa quân sự VN:

Một là sử dụng những biện pháp "phi đối xứng" để chống lại sức mạnh quân sự to lớn của kẻ địch. Tư duy ấy có bóng dáng trong truyền thuyết Trạng Quỳnh dùng con nghé nhỏ có thể đuổi được con trâu to của xứ Tàu. Chiến lược chiến tranh nhân dân, trường kỳ kháng chiến ở thời nhà Trần chống quân Nguyên và thời đại HCM chống Mỹ-thực chất là biện pháp "phi đối xứng"- với chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh bằng quân đông, đánh lớn của kẻ xâm lược-buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó và phải đánh lâu dài-đó là quá trình chuyển hóa tương quan lực lượng để cuối cùng theo đúng quy luật:mạnh thắng yếu thua.

-Hai là tránh lúc địch mạnh, đánh lúc địch yếu-Khi những đội quân tiên phong của địch còn đang có khí thế tiến quân rất hung hăng thì ta không điều quân đối đầu mà thực hiện "vườn không, nhà trống" và đưa lực lượng mạnh đánh vào phía sau, diệt các đoàn quân vận tải lương thực, cắt đứt hậu cần-như trận Bạch Đằng-làm cho quân địch mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần-lúc đó mới tổ chức những trận đánh tiêu diệt lớn.

-Ba là: về chiến lược, chấp nhận lấy ít đánh nhiều nhưng về chiến thuật lại lấy nhiều đánh ít. Cho dù kẻ địch "đông như quân Nguyên" hay nhiều như quân Mỹ, ta vẫn quyết đánh-nhưng trong từng trận đánh lại tạo ra tương quan áp đảo để diệt gọn từng đơn vị nhỏ của quân địch nhằm tiêu hao sinh lực và làm giảm tinh thần chiến đấu của đối phương .

-Bốn là tổ chức quân đội theo tinh thần "phụ tử chi binh"-nhằm tạo dựng sức mạnh đoàn kết nhất trí trong quân đội.

-Năm là coi trọng công tác địch vận-tố cáo tính phi nghĩa của chiến tranh xâm lược-lôi kéo binh lính địch quay về với chính nghĩa và làm suy yếu tinh thần chiến đấu của những kẽ hung hăng.

-Sáu là đánh địch bằng thế hiểm của địa hình sông núi-những trận đánh tiêu diệt lớn luôn gắn với thế hiểm của địa hình như sông Bạch Đằng, ải Chi Lăng, Vạn kiếp, Rạch gầm, sông Lô, thung lũng Điện Biên...

2-Tư duy nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp-kết tinh những giá trị văn hóa quân sư truyền thống VN và trình độ quân sự hiện đại của thế giới.

Khi nói đến tư duy nghệ thuật quân sự VNG là sự "kết tinh" những giá trị văn hóa quân sự VN và thế giới...không phải là sự sùng bái cá nhân-mà chỉ hàm nghĩa đại tướng là người tiêu biểu nhất trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự thời hiện đại với vai trò là tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN đồng thời là người kế thừa và nâng cao văn hóa quân sự VN-Điều đó thể hiện qua thực tiễn xây dựng quân đội, chỉ đạo chiến lược và chỉ huy chiến đấu của VNG.

- Người "Anh cả" của quân đội nhân dân VN. Với quân đội các nước khác, từ đội ngũ sĩ quan đến binh lính đều phải gọi đúng cấp bậc cao nhất của người tổng chỉ huy. Nhưng riêng ở VN, hầu như tất cả cán bộ chiến sỹ đều thích gọi đại tướng-tổng tư lệnh của mình là "Anh cả". Danh xưng đó không có trong điều lệnh quân đội nhưng đó là biểu hiện lòng tôn kính, yêu mến và gần gũi giữa VNG với toàn thể đội quân của mình- Phải chăng VNG- bằng tài năng và đức độ của mình đã hiện thực hóa tư tưởng tổ chức quân đội theo tinh thần "phụ tử chi binh" và mô hình tổ chức ba thứ quân trong 30 năn kháng chiến cũng tương tự như thời nhà Trân...Chắc hẳn chủ trương xây dựng mối quan hệ giữa Tướng và quân như cha với con, như anh với em một nhà...có nguồn gốc từ triết lý phật giáo của phái thiền tông VN do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Tuy nhiên không phải vị tướng nào cũng làm được như thế và đội quân nào cũng có được nguồn sức mạnh đoàn kết như thế.

- Người vận dụng sáng tạo các biện pháp "phi đối xứng" trong chỉ đạo chiến tranh. Trong kháng chiến chống Pháp, khi tướng Narare tập trung lực lượng rất lớn ở chiến trường bắc bộ với ý định tạo ra quả đấm cực mạng nhằm nhanh chóng giành chiến thắng, Bác Hồ đã chỉ đạo: bắt chúng phải xòe tay ra- và VNG cùng với bộ tham mưu của mình đã tổ chức mở ra 9 mặt trận trên toàn Đông Dương buộc Navare phải dàn lực lượng để đối phó. Trong kháng chiến chống Mỹ, gần 200 ngàn quân viễn chinh Mỹ nhẩy vào miền Nam để thực hiện cuộc phản công chiến lược quy mô lớn-tuy lúc đó quân giải phóng đã có các sư đoàn khá mạnh nhưng chỉ đạo của cấp chiến lược là chưa tập trung lực lượng cho các trận đánh lớn mà khối chủ lực sẽ hỗ trợ bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng nhân dân đánh quân Mỹ bằng mọi hình thức ở khắp nơi...làm cho cuộc phản công-với "5 mũi tên" của quân chính quy Mỹ đều bắn trượt mục tiêu. Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ có lực lương lớn gấp đôi và tổ chức chiến dịch quy mô rất lớn nhưng cũng bị hóa giải bằng biện pháp phi đối xứng như lần trước và quân Mỹ đã thất bại nặng hơn-bộ trưởng quốc phòng Mỹ phải thừa nhận "bộ máy chiến tranh khổng lồ co rúm lại"...không diệt được đơn vị nào của quân giải phóng, ngược lại, lực lượng địa phương của Việt cộng vẫn phát triển nhanh...

- Vận dụng nhuần nhuyễn chiến lược lấy ít đánh nhiều, và chiến thuật lấy nhiều đánh ít. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về cấp độ chiến lược, Việt Nam phải lấy ít đánh nhiều, và ngay cả ở cấp độ chiến thuật cũng có thể vận dụng-như chiến thuật của bộ đội đặc công và nhiều cách đánh du kích. Đại tướng VNG kể lại: khi thảo luận về kháng chiến chống Mỹ, các vị tướng Liên Xô đã hỏi: VN có bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu máy bay, xe tăng, bao nhiêu pháo binh...đại tướng đã trả lời: nếu đánh như hồng quân trong chiến tranh thế giới thứ II thì VN chỉ đủ quân số và vũ khí chiến đấu trong vài ba ngày...nhưng chúng tôi có cách đánh riêng của mình-đó chính là lấy ít đánh nhiều- nhằm vào khâu yếu nhất của quân Mỹ là tinh thần chiến đấu thấp và quá ỷ lại vào vũ khí. phương tiện chiến tranh, kế hoạch tác chiến rườm rà và cứng nhắc...Tuy nhiên khi thời cơ đến, cách tổ chức các trận quyết chiến chiến lược thì luôn tạo tương quan áp đảo-như chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng tấn công của ta gấp hơn 3 lần quân Pháp, trong chiến dịch HCM, ta dùng tới 5 quân đoàn mạnh để đánh chiếm Sài Gòn-trong khi đó tàn quân của địch đã vỡ trận và đang tan rã.

- Vận dụng linh hoạt sáng tạo giữa đánh lâu dài và tiến công thần tốc. Ở chiến dịch Điện biên Phủ, VNG là người đưa ra quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh (khoảng hơn 3 ngày) sang đánh chắc tiến chắc-kéo dài 56 ngày đêm- ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân Pháp trong cứ điểm-gốm hơn 16 ngàn quân -kết quả đó minh chứng cho tư duy đánh lâu dài ở Điện Biên Phủ là hoàn toàn biện chứng. Nhưng đến cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975, VNG lại đưa ra phương châm tác chiến: "thần tốc, thần tốc hơn nữa..".Đại tướng nhớ lại: khi lập kế hoạch tiến hành chiến dịch Huế-Đà Nẵng- quân đoàn 2 dự kiến hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch trong 5 ngày-nhưng Đại tướng yêu cầu phải giải phóng Huế, Đà Nẵng trong 3 ngày-và đã thực hiện được. Phương châm hành động thần tốc, thần tốc hơn nữa đã góp phần to lớn thực hiện đúng quyết tâm của Trung ương là giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

***

Trong khuôn khổ hạn chế của một bài tham luận hội thảo, chưa phải là công trình nghiên cứu khảo sát đầy đủ lĩnh vực văn hóa quân sự VN và tất cả tư duy nghệ thuật quân sự của VNG-nên chỉ có thể nêu một số dẫn chứng điển hình. Những tư duy nghệ thuật quân sự của đại tướng không chỉ là sự kế thừa những giá trị văn hóa quân sự chống ngoại xâm rất oanh liệt của VN-như chiến tranh nhân dân, biện pháp phi đối xứng, lấy ít đánh nhiều, đánh lâu dài và thần tốc...-mà còn được nâng lên một tầng cao mới do được tích hợp với trình độ quân sự hiện đại của thế giới-vì trong văn hóa quân sự truyền thống của VN, chưa hề có thực tiễn về sử dụng vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại như: không quân, tên lửa, pháo binh, cơ giới...nhưng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân Pháp rất tự hào về trình độ pháo binh của họ-nhưng pháo binh non trẻ của VN đã đánh phủ đầu làm cho họ phải câm nín vào giờ phút mở màn chiến dịch-đó là kết quả của quan điểm xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại và từ quyết định chuyển trận địa pháo lên sườn núi cao-điều mà các tướng Pháp và Mỹ cho là "không thể" nhưng VNG biết cách biến nó thành "có thể" do biết dựa vào sức mạnh của lòng quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của quân và dân tham gia chiến dịch. Đến khi chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân cũa Mỹ ở miền bắc, vẫn là các biện pháp "phi đối xứng"-VN đã dùng máy bay thế hệ cũ như Mig 21 để đánh thắng các máy bay hiện đại nhất-kể cả "pháo đài bay B52 bất khả xâm phạm" của Mỹ-thậm chí còn dùng "con nghé nhỏ" Mig 17- đánh trọng thương chiến hạm lớn của Mỹ ở ngoải khơi Quảng Bình. Vấn đề "phi đối xứng" không thể hiện ở so sánh hình thức mà ở tư duy quân sự-tìm ra và đánh trúng "gót chân Asin" của đối phương.

Không thể nói, Võ Nguyên Giáp nghĩ ra tất cả và làm nên tất cả các lĩnh vực nghệ thuật quân sự hiện đại của VN-Nhưng có thể nói chắc chắn rằng: tất cả các chiến thắng của quân đội nhân dân VN và các thất bại quân sự của quân Pháp, Mỹ trong chiến tranh VN-đều có dấu ấn của tư duy nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp-và ngay cả ý chí quyết tâm và những hành động chiến đấu dũng cảm của các thế hệ "lính cụ Hồ" cũng có dấu ấn của sự tôn kính, tự hào và tấm lòng yêu mến đối với người aaa"Anh cả".

Tp HCM ngày 12-12-2018.

Ts Nguyễn Hữu Nguyên - Nguyên CBNC viện LSQS Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-duy-nghe-thuat-quan-su-vo-nguyen-giap-67379