Tư duy truy tìm sự thật - Kỳ 2: Công bằng không có nghĩa là cả hai bên đều có phần đúng

Năm 1970, nhà sinh học Paul Ehrlich có một nhận định táo bạo: 'Nếu là một tay cờ bạc, tôi sẽ cược năm ăn năm thua rằng nước Anh không thể tồn tại đến năm 2000'.

Năm 2014, tờ New York Times hỏi Ehrlich rằng ông có suy nghĩ gì khi nước Anh vẫn còn tồn tại. Trước câu hỏi này, Ehrlich vẫn không thừa nhận là mình đã dự đoán sai: “Thực tế thì đúng là nước Anh vẫn còn hiện hữu vào năm 2000. Nhưng từ đó đến nay chỉ mới được mười bốn năm thôi… Một trong những điều mà mọi người không hiểu là cách tính thời gian của một nhà sinh thái học không giống với cách tính thông thường.”

Đây là cách né tránh cực kỳ phổ biến. Khi thấy nhận định của mình có nguy cơ bị chứng minh là sai, chúng ta sẽ nói mình đã “gần” đúng. Hoặc chúng ta sẽ giải thích rằng ý của mình vốn dĩ không phải là vậy. Hoặc chúng ta sẽ khẳng định là mình vẫn đúng, chỉ là thời điểm chưa đúng mà thôi. Hoặc chúng ta sẽ dùng bất kỳ cái cớ nào trong vô vàn những cái cớ khác nhau để tránh đối diện với sự thật là mình đã sai.

Đó là cách tiếp cận của tư duy chiến binh, còn tư duy lính trinh sát thì ngược lại: tư duy lính trinh sát sẽ chủ động xác định sai lầm của mình để tránh phạm sai lầm tương tự trong tương lai.

Theo “độ đáng tin”, thay vì theo “phe”

Trong suốt cuộc đời, Barry Goldwater là người chỉ tin vào mô hình chính phủ quy mô nhỏ cũng như quyền hạn của tiểu bang. Nhưng Goldwater không phải là người mù quáng chấp nhận một lập luận nào đó chỉ vì nó có lợi cho phe bảo thủ.

Năm 1994, tổng thống đương nhiệm Bill Clinton lúc bấy giờ đang bị điều tra về những khoản đầu tư đáng ngờ vào Tập đoàn Whitewater Development. Khi đó, Goldwater đã là một ông lão tám mươi lăm tuổi, tóc bạc trắng và phải chống gậy khi đi lại, nhưng ông vẫn thức trắng đêm để xem xét kỹ lưỡng vụ việc của Clinton.

Sau đó, Goldwater đã mời nhiều phóng viên đến nhà để ông chia sẻ quan điểm của mình: Đảng Cộng hòa nên từ bỏ vụ kiện này. Dĩ nhiên, những gì ông nói đã khiến các thành viên Đảng Cộng hòa cảm thấy không hài lòng chút nào. Một người dẫn chương trình theo chủ nghĩa bảo thủ đã lên tiếng phê bình: “Goldwater phải biết là khi đảng của bạn đã quyết tâm điều tra và sắp bắt được kẻ có tội, thì bạn không nên bảo họ dừng lại”.

Goldwater đã thẳng thừng đáp lại lời phê bình đó: “Còn điều mà anh phải biết chính là tôi không quan tâm những gì anh biết”.

Tư duy trinh sát là đánh giá các nhận định và chứng cứ dựa vào “độ đáng tin” của chúng, bất kể chúng mang lại lợi ích cho “phe” nào. Nguyên tắc này trái ngược với những gì chúng ta đã biết về tư duy chiến binh - lối tư duy khiến chúng ta (vô thức) hỏi “Mình có thể chấp nhận điều này không?” đối với những lập luận chúng ta thích, và “Mình có buộc phải chấp nhận điều này không?” đối với những lập luận chúng ta không thích.

Bạn có thể gọi nguyên tắc này là công bằng, tức là bác bỏ những lập luận bất hợp lý và chấp nhận những lập luận hợp lý, bất kể lập luận đó xuất phát từ “phe” nào.

Mọi người thường hiểu sai rằng công bằng sẽ tạo ra sự cân bằng giả tạo, nghĩa là bạn phải có cách nhìn nhận tương đối trong mọi vấn đề và có những kết luận mang tính dung hòa như “Cả hai quan điểm đều có giá trị”. Tuy nhiên, sẽ không có sự cân bằng giả tạo, nếu bạn thật sự công bằng.

Lập luận bị chi phối bởi sự chính xác nghĩa là cảm thấy phân vân trước những vấn đề chưa có đủ chứng cứ để phân định đúng sai. Nhưng trong một số trường hợp, một bên rõ ràng là đúng và bên còn lại rõ ràng là sai, và nếu bạn thật sự toàn tâm toàn ý tìm kiếm sự thật thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Nói cách khác, công bằng không có nghĩa là “Cả hai bên đều có phần đúng”, mà là “Tôi muốn áp dụng cùng một tiêu chuẩn đánh giá cho cả hai bên để xác định bên nào đúng hơn”.

Tư duy trinh sát trong cuộc sống hằng ngày

Sau tất cả những cuộc bàn luận về sự phi lý, thiên kiến và lập luận bị chi phối bởi động cơ của con người, chúng ta dễ quên mất một sự thật: chúng ta là những người lính trinh sát cừ khôi khi chúng ta muốn. Trong vô số những tình huống hằng ngày - chẳng hạn như xác định xem mình đã đậu xe ở đâu - tinh thần tìm kiếm sự thật của chúng ta trỗi dậy một cách tự nhiên. Khi nấu ăn, bạn sử dụng tư duy trinh sát để cân nhắc xem thêm muối vào sẽ làm món ăn ngon hơn hay dở đi. Khi tìm mua nhà, bạn xem xét nhiều ngôi nhà khác nhau và kiểm tra nhiều nguồn thông tin. Khi di chuyển trong thành phố của mình, bạn sẽ chủ động đánh giá liệu một khu vực nào đó có đủ an toàn để đi bộ một mình hay không, hoặc xe buýt có thường chạy đúng giờ không.

Có tinh thần tìm kiếm sự thật không có nghĩa là chúng ta luôn có thể tìm ra sự thật. Ngay cả khi ưu tiên tìm kiếm sự chính xác, chúng ta vẫn thường mắc sai lầm, hoặc do không đủ may mắn, hoặc đơn giản là không có đủ thông tin để tìm được câu trả lời cần tìm. Tuy vậy, rõ ràng là trong nhiều tình huống diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tâm trí của chúng ta tự động cố tìm kiếm sự chính xác, thay vì cố bảo vệ cho một quan điểm nào đó.

Nhiều người tin rằng năng lực dự đoán - khả năng phán đoán về những gì có thể xảy ra - chính là lý do vì sao con người có thể thành công. Năng lực này có lẽ đã vô cùng hữu dụng đối với tổ tiên của chúng ta, đặc biệt khi họ thay đổi môi trường sống và phải đối mặt với những nguy cơ cũng như có được những cơ hội mà trước đó họ chưa từng có. Dĩ nhiên, các phán đoán của chúng ta chỉ có ích khi nó được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Nếu chúng ta nhìn thấy một con gấu và mong rằng nó sẽ trở thành bạn tốt của ta, thì suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, nhưng niềm vui đó sẽ sớm kết thúc.

Như vậy, tư duy chiến binh có động lực thúc đẩy chúng ta bảo vệ một quan điểm nào đó theo ý mình; còn tư duy trinh sát là động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực tạo ra bức tranh chính xác nhất về hiện thực. Giờ là lúc chúng ta xếp tất cả các mảnh ghép lại với nhau và hỏi: “Tại sao đôi khi chúng ta là chiến binh, đôi khi lại là lính trinh sát?”.

H.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-duy-truy-tim-su-that-ky-2-cong-bang-khong-co-nghia-la-ca-hai-ben-deu-co-phan-dung-182310.html