Tứ giác sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Quá trình phát triển kinh tế yêu cầu doanh nghiệp phải có sản phẩm mới hoặc có sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn. Để làm được điều này, phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: PC

Đây là nội dung được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tứ giác sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 16/11.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, quá trình phát triển kinh tế yêu cầu doanh nghiệp phải có sản phẩm mới hoặc có sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn. Để làm được điều này, phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Ở nước ta hiện kết nối 4 nhà chưa có tốt. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cách mạng công nghiệp đa ngành với đặc điểm là đòi hỏi phải có sự liên kết, liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ quan nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới công nghệ để tăng năng suất sản phẩm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP Hồ Chí Minh rất coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã chủ động trong đổi mới sáng tạo để hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, song tốc độ chuyển đổi còn chậm, hiệu quả chưa mong muốn, năng suất lao động còn thấp. Có doanh nghiệp chưa coi trọng đúng mức việc đổi mới công nghệ, chưa coi đây là chìa khóa phát triển lâu dài. Đặc biệt, mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, các viện trường còn hạn chế, chưa phát huy được ngang tầm của một thành phố trung tâm khoa học công nghệ của khu vực.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, buổi tọa đàm cần nêu bật hiện nay doanh nghiệp muốn phát triển những sản phẩm nào tốt hơn, mới hơn một cách đột phá. Các trường đại học đang có cơ chế gì để hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, có cách làm gì để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đưa ra sáng kiến giúp các trường làm chỗ dựa trong đổi mới cho doanh nghiệp; tìm ra công thức để kết nối được 4 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính… Trên tinh thần đó, thành phố sẽ lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, giai đoạn 2011 – 2018 thành phố đã cùng với doanh nghiệp đầu tư triển khai nghiên cứu 147 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn về quy định hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, thủ tục xét duyệt và quyết toán còn rườm rà. Khoảng cách giữa các trường đại học và doanh nghiệp ngày càng nới rộng, việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường, viện chưa gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, có không ít doanh nghiệp thiếu tin tưởng vào nghiên cứu từ các trường, viện, không chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt cho biết, để thích ứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp đã tự đổi mới công nghệ, thuê, mua công nghệ nước ngoài, kết hợp các trường, viện… Tuy nhiên việc hợp tác với các trường, viện chỉ mang lại 5% hiệu quả kinh tế trong khi việc chọn mua công nghệ nước ngoài lại đảm bảo hoàn toàn thành công.

Ký kết chuyển giao khoa học công nghệ giữa Trường Đại học sư phạm kỹ thuật

và Hội Cơ khí điện TP Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm - Ảnh: PC

Vì vậy, Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt đề xuất phía viện, trường hãy coi doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu, sau đó là khách hàng và sau cùng là đối tác đồng hành. Đặc biệt, về phía nhà nước, trong các chương trình hợp tác hoặc dự án chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp với viện, trường nên ký theo nguyên tắc thị trường, không nên hỗ trợ theo kiểu bao cấp. Bởi, như vậy trách nhiệm của phía chuyển giao lớn hơn, chấp nhận chia sẻ rủi ro, thiệt hại nếu dự án không thành công. Tránh trường hợp chuyển giao không thành công, doanh nghiệp không đưa dự án vào thực tế mà viện, trường vẫn hoàn thành đề tài và được giải ngân…

Dưới góc độ của trường đào tạo, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay mỗi sản phẩm nghiên cứu mất 1-2 năm nghiên cứu rồi mới ra thị trường trong khi ở nước ngoài có thể chỉ cần 1 ngày, 1 tháng. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, trong đó chú trọng 3 vấn đề lớn là nghiên cứu, thay thế các sản phẩm đang sử dụng nhưng mua của nước ngoài với số tiền quá lớn; nghiên cứu các sản phẩm để tự động hóa; nghiên cứu các sản phẩm có sức cạnh tranh được với thế giới.

Để thực hiện được điều này, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới phương pháp đào tạo, cho đội ngũ giảng viên tiếp xúc với công nghệ bên ngoài. Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với trường cho giảng viên tham gia làm việc tại doanh nghiệp nhưng nhận lương của nhà trường. Và ngược lại, các giảng viên sẽ trực tiếp làm việc ở các doanh nghiệp để nghiên cứu, tìm cách khắc phục công nghệ cũ và tìm ra các công nghệ với tiên tiến, hiệu quả hơn…/.

Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/tu-giac-sang-tao-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-505209.html