Từ giai thoại đến làng du lịch Ông Đề

Cùng tưởng nhớ đến người có công khai hoang, mở cõi, Giám đốc Làng du lịch sinh thái Ông Đề đã chọn ngày 20/2 (âm lịch) hàng năm để làm ngày giỗ lớn cho ông Đề.

“Cần Thơ gạo trắng nước trong.

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

Thời gian gần đây, người dân Cần Thơ và khách du lịch đến Cần Thơ ai cũng biết qua Làng du lịch sinh thái Ông Đề. Làng du lịch nằm dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ nối dài và cặp con rạch Ông Đề, chính vì vậy anh Lê Hải Phúc, giám đốc làng du lịch này mới lấy tên Ông Đề đặt cho làng du lịch của mình để tưởng nhớ người đã có công đi khai phá, mở cõi.

Anh Lê Hải Phúc cho biết: “Nhớ ngày còn bé tôi thường hỏi mẹ: Tại sao dòng kênh này lại có tên Ông Đề? Mẹ tôi trả lời: Hồi xưa, ông bà Đề là người miền ngoài đầu tiên về đây sinh sống và khẩn hoang, nên sau này dân làng lấy tên Ông Đề đặt cho dòng kênh, để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tới ông”.

Ngược về lịch sử, dòng kênh tại sao có tên Ông Đề? Đọc sách xưa, tra tìm thông tin trên các website, hỏi thăm những cụ già trong làng, dần dà gốc tích cái tên này cũng được tìm thấy. Gần hai thế kỷ trước khoảng năm 1845, có một cặp vợ chồng trẻ, là dân miền ngoài đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Khi đi đến đây, hai ông bà thấy vùng đất trù phú và có một sức sống mãnh liệt, cây trái xum xuê, đất đai màu mỡ nên quyết định khẩn hoang sinh sống cùng với cư dân mới đến. Vài thập niên trôi qua, cư dân ngày một đông hơn, nghề làm ruộng, làm vườn phát triển, giao thương trong vùng thuận tiện hơn, dân cư các vùng lân cận cũng kéo về sinh sống lập nghiệp. Từ đó, làng quê bắt đầu hình thành, người dân thương yêu đùm bọc nhau, cùng nhau khẩn hoang, canh tác, làm nông… Cuộc sống của họ cũng dần khấm khá hơn dưới sự hỗ trợ tinh thần của già làng Ông Đề.

Vợ chồng anh Lê Hải Phúc

Mùa xuân năm 1896, Ông Đề mất, thọ 69 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả làng. Một người con của quê hương, một già làng tôn kính đã ra đi mãi mãi. Ngày 20/2/1897 (âm lịch), cả làng lúc bấy giờ mỗi người một tay giúp bà Đề tổ chức đám giỗ đầu cho Ông Đề. Lưu truyền đám giỗ đầu của Ông Đề rất lớn, có rất nhiều người đến dự, đặc biệt có các đoàn khách từ phương xa đến thắp hương cho ông. Sau những ngày tất bật lo đám giỗ đầu của Ông Đề, cuộc sống giản dị của dân làng yên ả trôi qua, mọi người tiếp tục ra đồng làm việc. Ngày 11/7/1897 (âm lịch), mọi người không khỏi bàng hoàng khi tiếp tục nhận hung tin “Bà Đề đã ra đi, về bên Ông Đề. Bà Đề thọ 66 tuổi”. Nhiều người lớn tuổi kể lại: Từ ngày về khẩn hoang vùng đất này, ông bà Đề rất tốt, luôn giúp đỡ mọi người, hướng dẫn bà con trồng trọt canh tác hiệu quả. Ông bà là sợi dây đoàn kết, là người được cả dân làng tôn kính. Bởi vì ông bà Đề không có con nên rất thương yêu mọi người, từ già đến trẻ trong làng ai nấy đều yêu quý ông bà. Sau khi bà mất, cả làng họp lại thống nhất đặt tên dòng chảy xuyên qua làng tên là “Rạch Ông Đề” nhằm nhắc nhở mọi người cũng như con cháu sau này luôn nhớ tới ông bà Đề như người có công khẩn hoang lập đất ven kênh Ông Đề.

Gia đình của anh Lê Hải Phúc cũng sinh sống ngay đầu vàm con rạch Ông Đề thuộc ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ - một vùng quê có lịch sử hào hùng trong thời kỳ đấu tranh chống giặc giữ nước. Điển hình là chiến thắng Ông Hào và chiến thắng Lộ Vòng Cung... Trong thời kỳ đất nước đổi mới, Phong Điền vươn lên rất nhanh. Đến nay, vùng đất này được mệnh danh là thủ đô của ngành du lịch sinh thái miệt vườn - một mô hình du lịch mang tính bảo tồn di sản, văn hóa, ẩm thực và tái hiện cuộc sống của người dân Nam bộ xưa.

Ba mẹ anh cũng gắn bó với vùng đất trù phú này. Người xưa có câu “Đất lành chim đậu”. Anh em của anh được sinh ra và lớn lên, cùng với sự thương yêu đùm bọc của xóm làng. Đặc biệt là dòng kênh Ông Đề uốn lượn bao quanh làng, bắt đầu từ sông Cần Thơ cho đến kênh Tràng Tiền. Thuở nhỏ, cả đám trẻ con trong làng chiều nào cũng đắm mình chơi đùa vùng vẫy dưới dòng nước mát trong của rạch Ông Đề. Thấm thoát đã hơn 40 năm trôi qua, đám trẻ ngày ấy giờ đã bước vào tuổi “tứ tuần”, cái tuổi mà con người bắt đầu sống chậm, để suy nghĩ nhiều hơn, muốn làm cái gì đó góp phần xây dựng quê hương.

Làng du lịch sinh thái Ông Đề

Và anh đã đầu tư xây dựng một làng du lịch thơ mộng và lấy tên “Làng du lịch sinh thái Ông Đề”. Để thể hiện lòng biết ơn đối với người đi mở cõi và truyền thống uống nước nhớ nguồn, ngày 20/2 âm lịch hàng năm sẽ tổ chức lễ giỗ Ông Đề, đây cũng là dịp lễ hội của Làng du lịch ông Đề.

Đặc biệt, năm nay, anh Lê Hải Phúc sẽ tổ chức Lễ giỗ Ông Đề trong 3 ngày, từ ngày 13/3 đến hết ngày 15/3, (nhằm ngày 20/2 đến hết ngày 22/2 âm lịch) tại Làng du lịch Ông Đề. Lễ hội giỗ Ông Đề có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có nghi thức rước hình và bài vị Ông Đề, cúng tế theo nghi thức lễ giỗ ông bà ở Nam Bộ. Những món cúng trong phần lễ là những món sinh thời người đi mở đất hay dùng như: bánh tét, bánh ít, cá lóc nướng; gà luộc xé phay; tôm kho tàu; thịt kho riệu; cơm gạo nàng hương…

Phần hội sẽ là những bài ca vọng cổ và trích đoạn cải lương nổi tiếng của soạn giả Văn Bớt, phổ thơ Huy Tùng như “Về Ông Đề thăm đất phương Nam ”, “ Huyền thoại Ông Đề ” do các nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát Tây Đô biểu diễn như nữ nghệ sĩ Hồng Thủy, nam nghệ sĩ Lê Duy, nam nghệ sĩ Trần Vạn... Chương trình do đạo din, nhà giáo, nghệ sĩ Thạch Sĩ Long - giảng viên Trường cao đẵng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ dàn dựng, và nhiều trò chơi dân gian như đá gà; kéo co, bơi thuyền, bắt vịt, đá dế... cùng với những trò chơi hiện đại ở Làng du lịch Ông Đề./.

Trường Sơn - Văn Bớt

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tu-giai-thoai-den-lang-du-lich-ong-de-post33957.html