Tự hào di tích lịch sử quốc gia

Tọa lạc tại xã Hàm Rồng, Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc Di tích quốc gia 'Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam', giai đoạn cuối năm 1949 đến đầu năm 1955, là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện Năm Căn.

Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thành lập tại chiến khu Ðồng Tháp Mười, theo Sắc lệnh số 102/SL ngày, ngày 1/11/1947, của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quyết định của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Ban Ấn loát có nhiệm vụ in và phát hành giấy bạc Việt Nam với nhiều mệnh giá, chủ động nguồn tài chính cho chính quyền cách mạng. Từ năm 1949, để bảo đảm bí mật, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được lệnh di chuyển về chiến khu U Minh. Ðến năm 1951, hàng trăm con người cùng với máy móc, thiết bị được di chuyển về xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn.

Khánh thành công trình Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, ngày 6/10/2014. Ảnh tư liệu

Khánh thành công trình Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, ngày 6/10/2014. Ảnh tư liệu

Nơi đây được coi là điểm dừng chân cuối cùng của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ và đã cho ra đời những tờ giấy bạc với mệnh giá 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng, có biểu tượng hình Bác Hồ và biểu tượng công - nông - binh - trí. Ðịa điểm này cũng chính là nơi đội ngũ làm công tác in tiền phát triển lực lượng đông đảo nhất, có khi lên đến 400 người, và số lượng đồng tiền Cụ Hồ được phát hành lớn nhất trong thời điểm Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Tiền in ra được lưu hành khắp Nam Bộ, đã góp phần xác lập chủ quyền đất nước trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử đặc biệt này, năm 2001, Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được xây dựng tại xã Hàm Rồng. Ðến năm 2009, Bộ Tài chính quyết định nâng cấp, cải tạo công trình này. Ðặc biệt, ngày 27/7/2012, công trình Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 6/10/2014, trên khuôn viên rộng 5.320 m2; gồm một quần thể kiến trúc với các hạng mục chính như: tượng đài kỷ niệm, phù điêu, nhà bia ghi danh liệt sĩ, hệ thống sân vườn, ao cá, hàng rào, công trình chiếu sáng, bờ kè, vỉa hè... và đường nối lộ Hàng Dương đến tận sông Ðầm Cùng. Thời gian gần đây, địa phương tiếp tục được Bộ Tài chính hỗ trợ nâng cấp, mở rộng, xây dựng thêm một số hạng mục góp phần cho công trình di tích lịch sử thêm khang trang, sạch đẹp.

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã trở thành địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hóa, lịch sử tiêu biểu của địa phương. (Ảnh tư liệu: Ðại biểu tham quan Nhà truyền thống Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ nhân ngày khánh thành 27/12/2016).

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã trở thành địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hóa, lịch sử tiêu biểu của địa phương. (Ảnh tư liệu: Ðại biểu tham quan Nhà truyền thống Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ nhân ngày khánh thành 27/12/2016).

Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ, công trình Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được đầu tư cơ bản đồng bộ, rất mong chính quyền địa phương xem đây là địa chỉ đỏ, cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động về nguồn, ngoại khóa. Thông qua đó, góp phần giúp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có điều kiện tìm hiểu, tự hào về những hoạt động của cha ông ở quê hương Hàm Rồng, Năm Căn đóng góp vào quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Quốc Lịnh, Bí thư Ðảng ủy xã Hàm Rồng, cho biết, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên để nắm vững về lịch sử Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, tiến tới tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống tại đây.

Bảo tàng tỉnh làm việc với các ngành huyện Năm Căn và xã Hàm Rồng bàn bạc, thống nhất một số nội dung tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ trong thời gian tới.

Bảo tàng tỉnh làm việc với các ngành huyện Năm Căn và xã Hàm Rồng bàn bạc, thống nhất một số nội dung tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ trong thời gian tới.

“Qua đó, không những tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng và phát huy đồng bộ giá trị di tích trên địa bàn, mà còn đề cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, vun đắp lòng tự hào truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ðối với xã Hàm Rồng, đây còn là dịp để quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng trên quê hương anh hùng”, ông Lịnh chia sẻ./.

Văn Tưởng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-hao-di-tich-lich-su-quoc-gia-a32616.html