Tự hào lính Thanh Xuyên

Cách đây 65 năm, Tiểu đoàn 12 được thành lập, sau này Bác Hồ đặt tên cho đơn vị là Đoàn Thanh Xuyên với ý nghĩa như một thanh gươm báu sắc bén của Đảng, Nhà nước, thường xuyên được mài dũa, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày 24/3, tại Thanh Hóa, gần 400 đại biểu các thế hệ cán bộ chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên của 16 tỉnh, thành trong cả nước đã có buổi gặp mặt xúc động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 65 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Xuyên.

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền, nguyên Tư lệnh BĐBP, Trưởng Ban liên lạc truyền thống BĐBP thành phố Hà Nội; Trung tá Nguyễn Hữu Nam, Phó Chính ủy Trung đoàn 692, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng dự buổi gặp mặt.

Gần 400 đại biểu đã về dự buổi gặp mặt đầy xúc động

Gần 400 đại biểu đã về dự buổi gặp mặt đầy xúc động

Tiễu phỉ, bắt sống biệt kích

Điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của Đoàn Thanh Xuyên, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh Xuyên cho biết: Cách đây 65 năm, vào ngày 23/9/1954, Tiểu đoàn 12 được thành lập, sau này Bác Hồ đặt tên cho đơn vị là Đoàn Thanh Xuyên với ý nghĩa như một thanh gươm báu sắc bén của Đảng, Nhà nước, thường xuyên được mài dũa, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tiểu đoàn 12 chính là tiền thân của Trung đoàn 12, nằm trong đội hình Trung đoàn 600, Đại đoàn 350. Tiểu đoàn 12 có nhiệm vụ bảo vệ, đón Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc về Hà Nội.

Ngày 3/3/1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập, Đoàn Thanh Xuyên được tách ra từ Đoàn Tân Trào xây dựng thành đơn vị cơ động chiến đấu mạnh duy nhất của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên trong những năm 1960

Cũng từ đây, bước chân hành quân tiễu phỉ, bắt gián điệp biệt kích, bắn máy bay... của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên in đậm trên khắp mọi miền đất nước. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, núi rừng Đông Bắc, điệp trùng Tây Bắc tới duyên hải miền Trung...

Từ năm 1959 đến năm 1964, Đoàn Thanh Xuyên phối hợp với các đơn vị bạn và lực lượng địa phương tham gia hàng chục trận chiến đấu, bắt sống 75 tên gián điệp, biệt kích và thổ phỉ; vận động được 234 tên thổ phỉ ra hàng, thu hồi 32 súng các loại, 5 radio, 4 điện đài và nhiều quân trang, quân dụng. Tiêu biểu là truy tận cùng hang ổ của bọn phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang), bắt gọn toán biệt kích “Gió lốc” xuống Mộc Châu (Sơn La); toán biệt kích 26 tên do Trịnh Kỳ Thiệu cầm đầu tại Quảng Ninh; dẹp phỉ xưng vua ở Nghệ An…

Trong giai đoạn 1965-1968, Đoàn Thanh Xuyên thực hiện kế hoạch huấn luyện quân sự gắn với chiến đấu thực tế nhằm tăng cường khả năng hoạt động độc lập. Từ năm 1968, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, để giúp đỡ cách mạng Lào và ổn định tình hình biên giới nước ta ở phía Tây Quân khu 4, Đoàn Thanh Xuyên nhận nhiệm vụ đi phối thuộc chiến đấu với Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An tiêu diệt các toán gián điệp, biệt kích đang hoạt động trên khu vực biên giới Việt - Lào (chiến trường K5).

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền trao tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” của Bộ Tư lệnh BĐBP cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên

Can trường bảo vệ chủ quyền

Ngày 4/2/1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định nâng tổ chức Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12. Đoàn Thanh Xuyên bước vào thời kỳ chiến đấu mới góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Ngay sau ngày thành lập, Trung đoàn 12 hành quân lên Cao Lạng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 25/8/1978, Lê Đình Chinh, người chiến sĩ ưu tú của Trung đoàn 12 đã anh dũng hi sinh tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Tấm gương đó đã thôi thúc tuổi trẻ cả nước sục sôi hưởng ứng phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”.

Trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên đã kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ở điểm cao 583 (chốt Pò Pùn, Léo Cao), 23 chiến sĩ Trung đội 8 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Huy Liệu đã bình tĩnh bẻ gãy 7 đợt tiến công của đối phương trong vòng 6 giờ liền. Trung sĩ Đỗ Đình Dũng, chiến đấu liên tục suốt ngày 17/2, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của đối phương, tối đến lại cùng đồng đội đưa 3 đồng chí bị thương luồn rừng tìm về đơn vị. Với ý chí quyết tâm cao, qua 5 đêm 4 ngày nhịn đói, nhịn khát, Đỗ Đình Dũng đã đưa được thương binh về đơn vị an toàn.

Những hiện vật của liệt sĩ Lê Đình Chinh được lưu giữ tại Bảo tàng Biên phòng

Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Công Thuận mưu trí, táo bạo, dũng cảm vừa chỉ huy đơn vị vừa tham gia chiến đấu, dù bị thương nặng nhưng vẫn không rời trận địa, cùng đồng đội bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Ngày 17/2, trong tình thế bị bao vây, cả trận địa chỉ còn khoảng 1 trung đội nhưng dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 2 Nguyễn Đình Thuần và Chính trị viên trưởng Trần Đức Thịnh, 5 đợt tiến công của quân Trung Quốc bị đập tan. Những tấm gương chiến đấu đó đã tô thắm thêm khí phách anh hùng của CBCS Đoàn Thanh Xuyên.

Nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt tại biên giới Lạng Sơn trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Thiếu tá Tống Văn Nếp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 anh hùng của Đoàn Thanh Xuyên tự hào nói: “Trong những ngày chiến đấu với cùng ác liệt, cái chết luôn cận kề nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn đều kiên cường chiến đấu, không ai đào ngũ. Đó là điều tự hào nhất của tôi”.

Buổi gặp mặt đã ôn lại truyền thống hào hùng, dũng cảm của Đoàn Thanh niên trong chặng đường 65 năm

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng, ngày 26/4/1980, Trung đoàn 12 được điều chuyển về Quân khu Thủ đô, nằm trong đội hình Sư đoàn 301 và chuyển phiên hiệu từ Trung đoàn 12 thành Trung đoàn bộ binh 692, là đơn vị chủ lực cơ động chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô.

Trong hành trình 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy gian khổ, hy sinh, Đoàn Thanh Xuyên có 3 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ Lê Đình Chinh, liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần và đồng chí Nguyễn Công Thuận; Đảng, Nhà nước đã trao tặng 156 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân của đơn vị.

Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” cho 120 cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP.

Cũng tại buổi gặp mặt, Ban Liên lạc truyền thống Đoàn Thanh Xuyên đã tổ chức trao Kỷ niệm chương 40 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc của Đoàn Thanh Xuyên cho các đại biểu, trao tặng quà cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tu-hao-linh-thanh-xuyen-1392842.tpo