Tự hào nét đẹp văn hóa Chăm

Nhiều hoạt động sôi nổi đã và đang diễn ra trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019 do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức tại TP Tuy Hòa.

Với chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch”, ngày hội là nơi để đồng bào Chăm ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, tại các gian trưng bày, cộng đồng người Chăm ở mỗi địa phương trình diễn, giới thiệu nét đặc sắc riêng trong văn hóa của mình.

Các hoạt động chính của ngày hội gồm: Thi biểu diễn liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm của các tỉnh, thành tham gia ngày hội và giới thiệu nghề truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực; giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian; thi các môn thể thao truyền thống… Trong đêm khai mạc, các tiết mục nghệ thuật Chăm tái hiện đời sống văn hóa Chăm các vùng miền cùng nhịp điệu trống đôi, cồng ba rộn ràng, hòa vào đó là vũ điệu múa uyển chuyển sinh động của các cô gái Chăm đã thực sự lay động khán giả.

Ngày hội là hoạt động văn hóa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng. (Ảnh tư liệu)

Được biết, đồng bào Chăm H’roi ở tỉnh Phú Yên hiện còn gìn giữ phong tục các lễ cúng như: Cúng bến nước, lễ mừng tuổi cho con cháu trưởng thành, cúng ăn mừng lúa mới, lễ cầu mưa… Tại ngày hội lần này, một phần nghi lễ cúng lúa mới đã được các nghệ nhân dân gian tái hiện trên sân khấu để giới thiệu đến đồng bào Chăm trong cả nước và du khách. Những hiện vật mang dấu ấn kiến trúc Chămpa mới được khai quật từ Đồng Miễu (huyện Phú Hòa) có niên đại từ thế kỷ IV đến VI cũng được giới thiệu đến công chúng.

Sự đa dạng, khác biệt mà đồng bào Chăm của 9 tỉnh, TP gồm Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Đà Nẵng và TP HCM mang đến ngày hội đã thu hút sự quan tâm của du khách và những người nghiên cứu văn hóa dân gian. Là người được trải nghiệm đời sống văn hóa nhiều dân tộc, anh Hoàng, du khách đến từ Đắk Lắk chia sẻ: “Văn hóa Chăm ở mỗi địa phương có nét khác nhau. Riêng về âm nhạc, dân tộc Chăm có nhiều điều khiến anh thích thú. Đây là sự trải nghiệm thực sự khác biệt với những gì đã được học trong trường lớp…”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh, ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào Chăm trong sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại các địa phương; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam. Ngày hội cần tiếp tục được duy trì tổ chức trong những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL các địa phương cần đẩy mạnh công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên nguyên tắc vừa đảm bảo lưu giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của từng dân tộc anh em, vừa củng cố, nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam; xây dựng những giá trị văn hóa mới, tích cực, phù hợp với sự phát triển của thời đại...

Phó Thủ tướng chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Bộ VH-TTDL; các địa phương đã đạt được trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngoài các di tích đã được vinh danh như: Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), các kiến trúc tháp Chăm ở Ninh Thuận được ghi nhân, việc Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn (di tích kiến trúc - nghệ thuật thuộc nền văn hóa Chăm pa có niên đại từ thế kỷ XI) được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là sự ghi nhận đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên trong thời gian qua.

Nguyễn Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-hao-net-dep-van-hoa-cham-159688.html