Tự hào những chiến sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam

'Nếu bạn thực sự quan tâm đến cuộc sống, hãy làm cho nó thành một nơi tốt hơn, cho bạn và cho tôi, cho toàn bộ loài người...', câu hát trong bài Heal the World (Hàn gắn thế giới) tại Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng nay (13-11) cũng chính là thông điệp khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn sẵn sàng chung tay hành động vì một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn, đặc biệt là tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ).

Đáp ứng theo chuẩn Liên hợp quốc

Suốt 2 năm qua, 63 cán bộ, y bác sĩ BVDC 2.2 đã miệt mài chuẩn bị, không chỉ trau dồi về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, mà họ đã nỗ lực hết mình trang bị ngôn ngữ, rèn luyện thể lực và học các kỹ năng sinh tồn để có thể sống và làm việc ở một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và xung đột. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng với hành trang đầy đủ để lên đường tham gia sứ mệnh GGHB ở CH Nam Sudan, một trong những quốc gia đói nghèo nhất thế giới và cần sự chung tay góp sức hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

 Cán bộ, nhân viên BVDCC2.2 cùng thân nhân chụp ảnh cùng Tùy viên quân sự quốc phòng Australia tại Việt Nam.

Cán bộ, nhân viên BVDCC2.2 cùng thân nhân chụp ảnh cùng Tùy viên quân sự quốc phòng Australia tại Việt Nam.

Trải qua những khóa huấn luyện nghiêm ngặt cả trong nước và quốc tế, đến nay, có thể khẳng định, tất cả các cán bộ của BVDC 2.2 đều đáp ứng các yêu cầu và quy chuẩn của LHQ để hoàn thành nhiệm vụ ở địa bàn Bentiu đầy thử thách và khó khăn.

Chia sẻ cảm xúc khi thời gian lên đường không còn xa, Trung tá, TS Bác sĩ Trương Uyên Cường, sĩ quan Quản lý hồ sơ bệnh án, bác sĩ nha khoa của BVDC 2.2 cho biết ai nấy đều thấy hồi hộp, háo hức, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho.

Trung tá Trương Uyên Cường vẫn không quên được cảm xúc cách đây 2 năm khi nhận quyết định tham gia BVDC2.2. Một cảm giác khá lo lắng vì lần đầu tiên nhận một nhiệm vụ quốc tế. Tuy nhiên đây là vinh dự và tự hào của một quân nhân vì được đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình cho Việt Nam và nền hòa bình thế giới.

Trung tá, TS Bác sĩ Trương Uyên Cường chụp ảnh cùng bố là GS Trương Uyên Thái tại lễ xuất quân.

Còn Trung uý Từ Quang, Đội trưởng Đội Cấp cứu đường không (AMET), BVDCC 2.2, nhiệm vụ của anh là ở tuyến đầu. Đó là vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến lên các bệnh viện cấp cao hơn ở thủ đô Juba. Và nếu phái bộ có yêu cầu, đội sẽ thực hiện tìm kiếm-cứu nạn, tùy theo tình hình thực địa.

“Với nhiệm vụ như thế, tôi nghĩ đầu tiên phải làm tốt là khả năng ngoại ngữ. Hiện nay, các đồng chí trong bệnh viện đều rất tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, đây là điều quan trọng”, Trung uý Từ Quang chia sẻ.

Tuy là “em út” trong 10 bóng hồng mang Mũ nồi xanh tại BVDC 2.2, nhưng Đại úy Cao Thùy Dung lại gánh vác một công việc khá nặng, đó là Điều dưỡng trưởng, kiêm Hành chính trưởng bệnh viện. Xác định rõ nhiệm vụ của mình khi tham gia BVDC 2.2, Thùy Dung sau một năm miệt mài học tập, đến nay trình độ tiếng Anh đã đạt mức 7.0 IELTS, hoàn toàn có thể đáp ứng công việc giao tiếp và làm việc chuyên môn tại Phái bộ.

Vợ chồng bác sĩ Lê Thị Hồng Vân cùng bố mẹ.

Dung cho biết, suốt những tháng qua cô và các đồng nghiệp đã được trang bị nhiều kiến thức quan trọng như các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ, luật giao tranh của Liên hợp quốc, luật nhân đạo theo Công ước quốc tế, các chuẩn mực hành xử trong chống lạm dụng tình dục và các khoa mục quân sự khác phục vụ cho hoạt động ở môi trường độc lập.

Với nữ bác sĩ sản khoa, Đại úy Lê Thị Hồng Vân, BVDCC 2.2, để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, thì một điều có lẽ đi suốt theo hành trang từ lúc nhận nhiệm vụ đến lúc lên đường sang Nam Sudan là sức khỏe. Thế nên ngoài thời gian làm việc chuyên môn, Hồng Vân tranh thủ thời gian rèn luyện sức khỏe như bơi, chạy bộ, để có một thể lực để làm việc tốt hơn.

Trung tá Võ Văn Hiến, Giám đốc BVDCC2.2 chụp ảnh cùng vợ tại lễ xuất quân.

Một thử thách đối với các y bác sĩ tham gia lực lượng GGHB LHQ phải học cách thích nghi và làm quen với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Nam Sudan. Bác sĩ, Thiếu tá Quản Thu Thủy cho biết, 2 năm cứ vào thời điểm nóng nhất trong ngày, đội lại “phơi mình” dưới cái nóng hoàn thành giáo án tập huấn. Giờ đây, chúng tôi đã quen với điều kiện làm việc nắng nóng và thể lực cũng được nâng lên rất nhiều để sẵn sàng hoàn thành tốt 1 năm nhiệm kỳ.

An lòng hậu phương

Làm lính quân y, mạnh mẽ là vậy nhưng khi nhắc về gia đình, họ cũng như bao người khác, vẫn còn đó chút băn khoăn khi nhận nhiệm vụ xa nhà. Tuy nhiên, nhờ sự hẫu thuẫn từ gia đình, nhiều người đã trút bỏ gánh lo, yên tâm lên đường.

Chị Lê Thị Kim Như chụp ảnh cùng chồng - Thượng úy, dược sĩ Nguyễn Văn Khởi trước lễ xuất quân.

Đại úy Cao Thùy Dung phấn khởi cho biết: Em may mắn có chồng công tác trong lực lưỡng vũ trang nên hai vợ chồng luôn cố gắng chia sẻ khó khăn, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Điều Dung yên tâm nhất là đứa con hơn 6 tuổi của cô đã rất có ý thức về công việc của mẹ. Bé đã tìm hiểu về đất nước Nam Sudan qua những clip trên mạng và biết được ở đó có nhiều bạn bằng tuổi em phải hứng chịu chiến tranh và nghèo khổ. Bé đã gửi mẹ mang đến Nam Sudan những giấy màu, bút vẽ, các bạn ở đó có thể vẽ nên ước mơ của mình.

Tự hào về người con Từ Quang lên đường làm nhiệm vụ GGHB quốc tế, Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc trung tâm thông tin Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Tôi luôn nhắc Từ Quang cố gắng giữ vững, phát huy truyền thống gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là thế hệ thứ 3 liên tiếp, gia đình tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Thời bố tôi tham gia chiến dịch Thượng Lào (1953), sau đó thế hệ chúng tôi tham gia chiến trường K, đến giờ con tôi tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới”.

Các thành viên Đội Cấp cứu đường không (AMET), BVDCC 2.2

Ngắm nhìn những bức ảnh về những người lính mũ nồi xanh đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan tại sảnh hội trường, chị Lê Thị Kim Như biết rằng, chỉ ít ngày nữa thôi, chồng Như – Thượng úy, dược sĩ Nguyễn Văn Khởi cũng sẽ có mặt ở đây. Và có lẽ không kịp để đón đứa con đầu lòng của họ!

Chị Như chia sẻ: “Hai vợ chồng đã xác định đây là cơ hội để chúng tôi cống hiến tài năng và trí tuệ cho nhà nước nên tinh thần hiện giờ rất thoải mái. Tôi động viên chồng cứ yên tâm lên đường, ở nhà đã có gia đình nội ngoại và lãnh đạo cấp trên chăm lo, giúp đỡ”.

Thượng úy Trần Sĩ Toàn tự hào giới thiệu với vợ những hình ảnh về người lính mũ nồi xanh Việt Nam.

Có mặt tại lễ xuất quân, bé Hoàng Đình Hùng, con trai đồng chí Bạch Thúy Hằng cho biết, từ một năm về trước khi mẹ nhận nhiệm vụ công tác ở nước ngoài, hai mẹ con tâm sự khá nhiều và mẹ đã dạy Hùng cách tự lập. “Để mẹ không phải lo lắng quá nhiều về con, con sẽ cố gắng học tập và tự chăm lo. Con rất tự hào về mẹ và mong ước sau này sẽ như mẹ, được tham dự vào nhiệm vụ bảo vệ hòa bình của quốc tế, Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: THU HÀ – MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/tu-hao-nhung-chien-si-quan-y-mu-noi-xanh-viet-nam-599839