Tự hào 'Những người thầy trong sử Việt'

Cuốn sách 'Những người thầy trong sử Việt' do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2017 đã giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của những người thầy lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam.

Người đọc dễ dàng tìm thấy những gương mặt thân quen, ngoài là nhà giáo, mỗi người còn khẳng định tên tuổi của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Lương Thế Vinh, ông trạng đa tài, người thầy của nhiều tên tuổi lớn; Đoàn Thị Điểm, nhà thơ, nhà giáo Hồng Hà nữ sỹ; Lê Quý Đôn, nhà bác học nổi tiếng, thường được gọi “túi khôn của thời đại”; Đặng Thai Mai, bậc danh sư thời hiện đại... Mỗi người dù ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng đều chung niềm đam mê học tập, có tư chất thông minh hơn người, “học một biết mười”. Nhờ đó, đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò những kiến thức, kỹ năng để ngày càng trưởng thành, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước.

Lương Thế Vinh sinh năm 1441, mất năm 1496. Những giai thoại về ông rất nhiều, chỉ nhờ quan sát mà ông biết vận dụng định luật của tự nhiên mà không hề được ai mách bảo. Khoa thi năm Quý Mùi, ông đã “lèo một mạch” từ anh khóa sinh lần đầu lều chõng đến thẳng “ghế” Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Đệ nhất danh - Tức Trạng nguyên khi mới 22 tuổi. Rồi ông ra làm quan, dù ở vị trí nào ông cũng thường xuyên đi thực tế, dùng tài năng của mình để giúp đỡ mọi người. Ông được giao đứng đầu Viện hàn lâm, kiêm nhiệm Đổng bí thư giám trông coi kho sách của nhà vua và dành nhiều thời gian dạy học ở Quốc Tử Giám. Quan điểm giáo dục của ông không giống những bạn đồng liêu. Ông chủ trương học tập phải chuyên tâm, nhưng cũng phải biết kết hợp giải trí thoải mái, gần gũi với người dân, hòa mình với thiên nhiên và phải tìm mọi cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Chính vì vậy học trò của ông nhiều người đã đỗ đạt cao.

Đặng Thai Mai sinh năm 1902, mất năm 1984, quê ở làng Lương Điền, Thanh Chương (Nghệ An). Say mê đọc sách là một thói quen tự học từ nhỏ giúp ông sau này trở thành một học giả có kiến thức phong phú và đồ sộ hiếm có. Năm 15 tuổi, ông rời quê nhà ra Vinh học tiểu học và cao đẳng tiểu học. Tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, anh lại lên đường ra Hà Nội học trường Cao đẳng Đông Dương. Ông đã từng tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, đồng thời bí mật tham gia Tân Việt đảng. Sau khi tốt nghiệp, năm 1928 ông về dạy tại trường Quốc học Huế. Qua những bài giảng văn chương, ông đã gieo vào lòng học sinh tinh thần yêu nước thương nòi. Sau đó ông có nhiều tác phẩm trên văn đàn, viết bài cho một số tờ báo; tích cực tham gia truyền bá chữ Quốc ngữ. Với kiến thức uyên thâm, sự hiểu biết sâu rộng, ông được xếp vào bốn học giả nổi tiếng mà giới tinh hoa truyền tụng hồi bấy giờ, gồm: Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy và Đặng Thai Mai.

Cuộc đời và sự nghiệp mỗi người thầy đã được các tác giả thể hiện lại một cách cô đọng, súc tích. Qua đó, giúp người đọc thêm tự hào về những người thầy đã có những đóng góp tích cực cho nền giáo dục nước nhà.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/tu-hao-nhung-nguoi-thay-trong-su-viet-125125.html