Tự hào về tình bạn với Ngọc Tân

Nhà văn Trần Thị Trường sau khi nghỉ công tác bản quyền âm nhạc với nhạc sĩ Phó Đức Phương chuyển sang cộng tác với nhạc sĩ Dương Thụ, hàng tuần nói chuyện về phim tại Cà phê Thứ Bảy. Thời gian còn lại bà toàn tâm toàn ý vẽ sơn dầu, chưa được nửa năm đã có khách mua. Triển lãm đầu tay của họa sĩ U70 Trần Thị Trường khai mạc ngày 21/12 tại Hà Nội.

Viết tiểu thuyết xoay quanh những người làm nhạc, làm việc lâu năm với những ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi, bà có tiếc mình không dan díu với âm nhạc?

Cả nhà tôi hát rất hay, từ các anh em ruột đến con cháu. Riêng tôi đau khổ vì không hát được, trong khi rất mê âm nhạc. Cũng có thể vì thế, tôi đâm ra mê một vài người làm nhạc.

15 tuổi tập guitar. Đi xuất khẩu lao động, những người đàn ông Bulgaria cũng khiến cho tôi muốn mình phải khác đi, phải cố lên một chút. Hình như tôi lúc nào cũng cố lên một chút để cho xứng với cái mà tôi đang yêu, chứ không hẳn là yêu một anh nào.

Vì thế hơn 5 năm ở Bulgaria, tôi sống rất phong phú, vừa đi làm vừa học piano. Bên đó, cường độ lao động rất căng thẳng. Muốn phiên dịch cho thợ hàn, tôi phải tập hàn. Tôi đạt tới bậc 4, có thể hàn leo - trên mặt phẳng dựng đứng như người ta hàn sà-lan. Mà chỉ cần bậc 5 thôi đã có giải thưởng rồi (vì người Tây vốn hàn bằng máy móc, ít khi cầm mỏ hàn). Dường như tính tôi thế, làm cái gì thì mê cái đó luôn, và quyết phải làm đến mức khiến cho người ta thú vị. Vì thế mà đi lao động xuất khẩu nhưng tôi lại trở thành phiên dịch cho nhóm thợ hàn.

Trong khi đỗ trường Mỹ thuật là mơ ước của bao người, bà lại bỏ đi xuất khẩu lao động?

Đấy là một câu chuyện dài và đau khổ. Tôi lập gia đình sớm, đỗ ĐH khi đã có hai con, chồng tôi là họa sĩ, nhà điêu khắc, với tôi, anh ấy rất giỏi. Nhưng nếu cả hai đều theo đuổi nghệ thuật, con sẽ không ai nuôi. Giai đoạn đấy xã hội còn gia trưởng, chả ông chồng nào thích vợ dính dáng tới nghệ thuật. Hơn nữa, hồi đó ai cũng nghèo, tranh tượng làm ra chả ai mua ngoài bảo tàng Mỹ thuật - cánh cửa quá hẹp. Tác phẩm của các “mét” (bậc thầy) hồi đó cũng chỉ đổi được ly cà phê thôi. Hội họa không có cửa ra. Các họa sĩ chỉ có thể vẽ những bức tranh bằng bàn tay thường gọi là tranh Bờ Hồ bán ở Hàng Ngang, Hàng Đào hay đi “găng” (chép lại, phóng to) pa-nô, áp-phích cho nhà nước, minh họa cho các báo. Những việc đó cũng phải chui qua cánh cửa rất nhỏ, không phải ai cũng được làm. Mà lúc đấy truyền thông chỉ có một kênh. Văn học nghệ thuật không ai được tranh luận, bàn cãi, giới thiệu gì. Không phải Hội viên Hội Mỹ thuật mang tranh đi nước ngoài cũng không được… Vả lại, tính tôi đã làm cái gì phải làm đến cùng, không thì bỏ. Tôi cũng luyện từ lúc 15 tuổi thi mới đỗ chứ có phải tự nhiên vẽ một phát ăn ngay đâu.

Nhà văn Trần Thị Trường yên hưởng đời “độc thân” từ chục năm nay. Ảnh: N.M.Hà

Bà khó trở thành nghệ sĩ nổi tiếng còn vì để cho sự say mê nghệ thuật và những người làm nghệ thuật lấn át cái tôi của mình?

Điểm yếu lớn nhất cho đến bây giờ tôi vẫn không khắc phục được và không bao giờ lấy làm bài học kinh nghiệm, đó là tính đa cảm, nói vui một tí là đa tình, hơi tí là thương người, hơi tí là yêu (cười). Nhưng trước hết là yêu chồng, thương con… Mặc dù chồng tôi chưa chắc đã ghi nhận tình yêu thương của tôi. Vì chồng tôi quá hiểu tính cách của tôi, mê từ nhân vật tiểu thuyết mãi tận nước Nga xa xôi đến tác giả của nó, mê về tới những áng thơ Việt... Mê đến mức, thuộc cả bộ tiểu thuyết. Bây giờ mọi người thấy lạ nhưng ngày xưa là như thế. Tôi đọc sách ở thư viện, có thể kể lại tỉ mỉ cho các em tôi từng chương Bố già hay Anna Karenina

“Không ai yêu tôi cả. Tôi có thể đang yêu ai đó, chỉ giời mới biết. Và giời luôn gửi cho tôi những bức thiên thư bằng mật mã, ví như một cái lá rơi. Nhặt lên, tôi nhận ra, vì sao cái lá ấy lại rơi đúng chỗ tôi ngồi. Và tôi yêu điều đó”.

Nhà văn Trần Thị Trường

Để thuộc như thế, bà phải đọc mấy lần?

Dăm ba lần, không ít. Những quyển như Bố già đọc bao nhiêu lần cũng không chán. Trong đó chứa đựng cả một triết lý nhân sinh đấy. Cứ đọc kỹ, người ta sẽ hiểu nước Mỹ, hiểu đời sống Mỹ đầu thế kỷ trước, thậm chí cả bây giờ. Nói thế vì tôi cũng không ít thời gian sống với gia đình con gái tôi ở Mỹ, đủ hiểu nước Mỹ và văn hóa Mỹ.

Bà cũng “cầm kỳ thi họa” đấy chứ?

Thế hệ chúng tôi không có nhiều phương tiện giải trí, nên trí tưởng tượng được phát triển. Mà tôi nghĩ, nghệ thuật dựa trên nền tảng của trí tưởng tượng. Khi trí tưởng tượng phong phú đến một mức nào đó không có đường ra, nó có thể khiến cho người ta rồ dại. Tôi may mắn, đường ra hơi muộn, nhưng còn hơn không. Ở nước ngoài về, gần 40 rồi, tôi mới viết cuốn tiểu thuyết nhỏ Lời cuối cho em. Ở nhà tôi, anh em giai đều rất hiền, khi có va chạm với bên ngoài bao giờ bố tôi cũng bảo tôi đi can thiệp. Bố tôi hiểu phẩm chất “hai mặt” của tôi, một mặt rất kiên cường, không chịu lùi, nhưng mặt khác lại rất khéo léo, biết hóa giải, thế là chuyện đánh nhau không diễn ra nữa... Còn đánh cờ, tôi luôn thắng trong các ván “đấm tốt, chiếu tướng” đấy.

Bà có thể kể thêm đôi chút về gia đình mình?

Bố tôi đưa gia đình tản cư lên Tuyên Quang và sinh tôi ở đó, cho nên người ta tưởng tôi là gái Tuyên nhưng tôi là người Hà Nội, ở phố Hàng Đồng. Thấy đất Tuyên Quang dễ sống, có dòng Lô rất đẹp, bố tôi bèn ở lại lập nghiệp bằng nghề may. Nhờ khéo léo, hoạt bát (có lẽ đó là đức tính của cụ mà tôi học được) nên nhanh chóng trở nên giàu có. Khi suýt nữa bị “quy thành phần” thì bố tôi bỏ của chạy lấy người, quay về Hà Nội...

Hồi ở Bulgaria, tôi may quần bò, làm giả gần giống các hãng nổi tiếng như Lee, Levis Strauss... Quần bò của các hãng ấy là của tư bản, chỉ bán trong các cửa hàng ngoại giao (gọi là cô-rê-côm), khối XHCN muốn mua phải có sổ. Mỗi lần về phép, tôi mang những “mác mỏ” khuy đồng mua ở Hà Trung sang để đóng vào. Ngày đấy chưa hiểu gì về sở hữu trí tuệ, nên tôi cứ làm. Một tay tôi, cắt, may, đóng nhãn mác. Tôi mua 3 cái máy khâu, cái thật khỏe để may và vắt sổ vải bò, cái vừa phải để may đồ mỏng… Đành bỏ dở học đàn, vì quần bò phát tài quá. Tôi đã về nước với một số vốn không đến nỗi nào.

Tranh sơn dầu của Trần Thị Trường. Ảnh: NVCC

Lời cuối cho em của bà khắc họa hơn một chân dung ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng theo nguyên mẫu có thật?

Tôi lấy hình mẫu anh Ngọc Tân làm nhân vật nhưng biến đổi đi nhiều để làm nổi bật bi kịch của văn nghệ sĩ, trí thức nói chung trong đó có tôi và những người đàn ông mà tôi biết. Họ mơ ước rất đẹp nhưng không có đất diễn. Ví dụ như Phó Đức Phương còn phải đi nông trường Hòa Bình, Dương Thụ phải đi dạy học trên Tuyên Quang, Chu Hoạch chả phải làm công ty vệ sinh chuyên móc cống là gì… Tôi cho nhân vật Ngọc Hùng đi đào đường, ăn cắp và giết người.

Chuyện thật hồi đó: cậu sinh viên nghèo, không có nổi tiền để mời người yêu uống nước. Một lần đến nhà người yêu, thấy không có ai, cậu ta đã ăn trộm đồ của nhà cô gái, bỗng nhiên em của cô gái về. Sợ quá, xấu hổ quá, bản năng xui dại, cậu đã giết chết đứa em của người yêu những mong bịt đầu mối… Tôi lồng họ vào nhau, đều cùng quẫn mà phạm tội, mà đi tù.

Nhưng Ngọc Tân của đời thực có giai đoạn thăng hoa trên sân khấu, cũng nhờ bàn tay bầu sô của bà?

Tôi không dám nhận là bầu sô của anh Tân. Nhưng chúng tôi có một tình bạn đẹp. Đến bây giờ tôi vẫn tự hào về điều đó. Chúng tôi cũng “kích hoạt” được nhau mà không làm ai tổn thương. Vợ anh Ngọc Tân là em Kim Thoa xinh đẹp thân với tôi từ ngày đó đến tận bây giờ.

Sau khi cuốn sách xuất bản, bà gặp khó dễ gì từ những nguyên mẫu ngoài đời?

Anh Tân không để ý mấy đến những gì tôi viết. Thậm chí còn không biết đến cuốn sách. Sau anh kể với tôi, hôm đi tàu Thống Nhất từ Nam ra Hà Nội để biểu diễn, có người trông thấy anh nói: “Tao tưởng mày chết rồi cơ mà?!” Hỏi ra, mới biết do nhân vật trong tiểu thuyết của tôi (Ngọc Hùng) bị tử hình. Họ ôm vai nhau cười. Anh Tân bảo, là nhân vật của em mà phải chết thế, khổ nhỉ… Nói khổ, nhưng anh lại cười tươi.

Lần hợp tác sâu đậm gần đây nhất của bà với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong công tác bản quyền có trên cơ sở tình yêu?!

Giời ơi. Khổ thân cho cả hai chúng tôi quá. Giá mà yêu được nhau. Âm nhạc của Phó Đức Phương thì quá quyến rũ, trông ông cũng đậm chất đàn ông, nhưng công việc dính dáng đến luật pháp, hai chữ đó như một bức tường. Công việc thì ngập đầu ngập cổ, nhìn nhau đã thấy… chán. Chưa kể nhà thiết kế thời trang Lê Lan Anh, phu nhân của nhạc sĩ quá thân với tôi, quá trẻ đẹp, sao tôi lại rắp tâm được nhỉ?! Vả lại, tôi vẫn nói, tình bạn cũng hấp dẫn lắm. Bây giờ vợ chồng ông Phương vẫn đến nhà tôi chơi, hát cho nhau nghe, nói đủ chuyện từ sửa nhà, vẽ tranh, đến trưng diện…

Loạt tranh tĩnh vật gần đây của bà hình như cũng đắt hàng. Bà có định vẽ cái gì khác?

Tôi nghĩ, vẽ cái gì không quan trọng, quan trọng là vẽ thế nào, thế giới tĩnh vật cũng có linh hồn, miêu tả ra được linh hồn của nó chính là sự sinh động của bức tranh. Hiện tôi chưa thấy chán. Vẽ con người mà đẹp, mà sinh động đạt tới độ làm người thưởng ngoạn mê đắm đâu dễ. Nên tôi cần chuẩn bị đủ nội lực…

Giai đoạn này không còn lý do gì để trì hoãn việc “tận hiến” cho nghệ thuật, bà đang ấp ủ những dự án gì?

Hiện thời, tôi vẫn đang mê đắm phải nói là hơi quá mức với hội họa. Hằng ngày, tôi không thể rời khỏi ý nghĩ vẽ cái gì, vẽ như thế nào, nên khó nói là khi nào tôi có thể viết một cuốn sách dày và đáng kể như tôi mong đợi. Nhưng viết những bài báo dài cho những vấn đề đang “giày vò” cuộc sống của chúng ta thì tôi vẫn. Và dường như, chưa bao giờ tôi ngừng viết…

Còn tình yêu, bà vẫn quyết giữ trạng thái mơ màng?

Giời ơi, “đàn bà xấu thì không có quà”, nhà văn Y Ban đã bảo thế. Tình yêu là một món quà, nên tôi không có (cười).

Nguyễn Mạnh Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tu-hao-ve-tinh-ban-voi-ngoc-tan-1476828.tpo