Từ hiện trường vụ sạt lở ở Hà Tĩnh: Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hiện trường nham nhở trên núi cùng đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh đặt ra nhiều vấn đề về phương án thi công, an toàn lao động, nguy cơ sạt lở, môi trường sinh thái, vùi lấp cây rừng, bồi đắp khe suối… Đó là những hiểm họa tiềm ẩn trong quá trình thi công tại Dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Lực lượng cứu hộ phải vất vả lắm mới vượt qua được quảng đường lên, xuống hiện trường vụ sạt lở.

Hiện trường xót thương

Khoảng 14h30 ngày 6/5, trên dãy núi Hoành Sơn (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trận mưa lớn đổ xuống cuốn theo nhiều đất, đá, vùi lấp lán tạm của nhóm công nhân thi công trụ móng số 28 công trình Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Sự cố thiên tai bất ngờ làm 18 người bị ảnh hưởng, trong đó 3 người chết, 4 người bị thương.

Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi được các cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự thị xã Kỳ Anh kể lại quá trình cứu hộ các nạn nhân. “Tại hiện trường lúc đó công nhân hoang mang, máu và đất, đá, vật dụng cá nhân của công nhân hỗn độn, trông hết sức xót thương”, Trung tá Nguyễn Thái Sơn - Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự thị xã Kỳ Anh nói và cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, nhận được lệnh điều động từ lãnh đạo thị xã Kỳ Anh, Ban Chỉ huy quân sự thị xã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ đem theo tư trang bộ binh nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Đến chân núi Hoành Sơn ở phường Kỳ Liên, các lực lượng khác như công an, dân quân tự vệ, công nhân cũng có mặt phối hợp triển khai công tác cứu hộ.

Sau vụ sạt lở vùi lấp lán trại công nhân ở phường Kỳ Liên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo khẩn trương xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người lao động và nhân dân, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật. UBND thị xã Kỳ Anh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án triển khai ngay các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thi công.

Đứng dưới chân núi nhìn lên, lực lượng cứu hộ không thể định hình được nơi xảy ra sự cố. “Chúng tôi phải liên hệ với tổ trưởng tổ công nhân, nhờ họ ra hiệu, lấy khăn, mũ vẫy lên mới biết hướng đi nhưng địa hình phức tạp nên một số anh em vẫn đi lạc hướng, sau phải quay lại”, Trung tá Nguyễn Thái Sơn chia sẻ.

Từ chân núi lên hiện trường, lực lượng cứu hộ phải leo gần 1 tiếng đồng hồ. Khi tiếp cận hiện trường, việc đầu tiên của lực lượng cứu hộ là xác định xem tốp công nhân có tất cả bao nhiêu người. Lúc đó, công nhân hoảng loạn nên lực lượng cứu hộ phải trấn an anh em công nhân, sau một lúc mới xác định được chính xác là có 18 người. Trong đó, 11 công nhân đã thoát nạn, 4 người bị thương được đồng nghiệp dìu xuống trước, lực lượng chức năng đưa đi bệnh viện cấp cứu, còn lại 3 nạn nhân đã chết…

Trung tá Đậu Minh Hưng - Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Lán của nhóm công nhân ở ngay cạnh khe suối. Nói là lán nhưng thực ra là mấy nhánh cây rừng được công nhân buộc bạt tứ phía che tạm. Những người bị chết có lẽ đang nghỉ trưa trên võng, sạt lở kèm theo đất, đá đổ xuống bất ngờ làm họ không kịp quay trở”, Trung tá Đậu Minh Hưng nhận định.

Để đưa được thi thể 3 nạn nhân xuống là cả quá trình hết sức vất vả. Đầu mỗi cáng được bố trí 2 đến 3 người và có người cầm tay hỗ trợ đưa qua những đoạn cheo leo, nguy hiểm. Chính trị viên Nguyễn Thái Sơn yêu cầu lực lượng cứu hộ, nếu mệt quá thì đứng nghỉ, thay người tại chỗ chứ không được đặt thi thể nạn nhân xuống đất. “Họ đã chịu đau đớn quá rồi, không thể để họ phải chịu đau thêm tí nào nữa”, Trung tá Sơn nói.

Là một trong những người trực tiếp gánh thi thể nạn nhân xuống núi, Thiếu tá Nguyễn Quốc Hương cho biết: Anh em chúng tôi phải cởi bỏ giày chuyển sang đi dép quai cho thuận tiện chứ đi giày rất dễ vấp ngã. Đồng chí nào mà không kịp thay giày thì từ trên núi xuống cũng hỏng luôn đôi giày đó. Cứu người là việc cấp bách nên chúng tôi phải làm sao càng nhanh càng tốt.

Khoảng 17h40, trời nhá nhem tối, công tác cứu hộ hoàn thành. Lực lượng cứu hộ là những người rời khỏi hiện trường cuối cùng hôm đó. Bước chân rời đi nhưng mọi người vẫn nghe tiếng đá cuội văng vẳng phía sau… “Tối đó anh em chúng tôi rất khó ngủ. Hình ảnh các nạn nhân cứ hiện lên trong đầu, thương xót lắm. Có lẽ, vì miếng cơm manh áo, vì hoàn cảnh họ mới phải đi làm ở công trình xa xôi, hiểm trở như vậy…”, Trung tá Đậu Minh Hưng chia sẻ.

Lán tạm, nơi 18 công nhân trú ngụ.

Hiểm họa rình rập

Dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là dự án trọng điểm quốc gia. Dự án phải thi công cấp bách, dự kiến đến ngày 30/6/2024 phải đóng điện đưa vào sử dụng. Qua địa bàn thị xã Kỳ Anh, dự án có 42 móng trụ với diện tích hơn 16 ha rừng tự nhiên.

Tham gia trực tiếp cứu hộ tại sự cố sạt lở vừa qua, Trung tá Nguyễn Đức Bình (Bộ Chỉ huy quân sự thị xã Kỳ Anh) cho biết: Khi đến hiện trường, chúng tôi nhận định khu vực này nguy hiểm luôn rình rập. Ngay phía trên lán tạm của công nhân có một khối lượng đất, đá khổng lồ nhô ra. Đất, đá đó được móc từ trong núi ra để thi công trụ móng số 28, dự án Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Lượng đất, đá này có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Anh em cứu hộ phải nhanh chóng rút ra khỏi điểm trọng yếu đó.

Là người chỉ huy công tác cứu hộ và quan sát kỹ hiện trường, Trung tá Nguyễn Thái Sơn cho rằng, dự án triển khai ở những khu vực hiểm trở như thế, phương án thi công phải coi việc đảm bảo an toàn là trên hết.

Đường xuống núi trơn trượt, dốc cheo leo.

Trong khi đó, công nhân thi công tại móng trụ số 28, nơi xảy ra sự cố đa phần còn rất trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi lao động. Điều tra của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, trong nhóm công nhân thi công ở trụ móng số 28, có nạn nhân đã chết là Nguyễn Ngọc H. (ở xóm 9, xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) mới 17 tuổi và vừa đến công trường được 2 ngày thì gặp nạn. Câu hỏi đặt ra là các bên liên quan đã đảm bảo quy trình tuyển dụng lao động hay chưa? Rà soát lại việc đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại dự án trọng điểm này là việc khẩn thiết.

Năm 2022, báo chí đã phản ánh Dự án đường điện 500kV băm xẻ nhiều diện tích núi đồi ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gây nguy cơ sạt lở. Nhà thầu không có phương án hoàn trả mặt bằng, chống sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, môi trường mà dự án trên gây ra.

Mặt khác, quá trình kiểm tra, bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (chủ rừng) thường xuyên kiểm tra và phát hiện một số sai phạm tại các địa điểm thi công của dự án. Cụ thể: Ngày 6/3/2024, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã phát hiện, lập biên bản một cán bộ thuộc Công ty CP Sông Đà 5 mở đường trái phép trên đất rừng phòng hộ với tổng diện tích 603m2, tại Khoảnh 2, Tiểu khu 388A (địa bàn phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh). Ngoài ra, đơn vị thi công còn “đốn hạ” 25 cây gỗ tự nhiên có đường kính 8 - 25cm, chiều cao 5 - 7m.

Ông Trần Ngọc Lâm - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết, thời điểm phát hiện đơn vị thi công vi phạm mở đường trên diện tích rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi, đơn vị đã có ý kiến ngay với chủ đầu tư, ngành chức năng và các nhà thầu thi công liên quan yêu cầu chấn chỉnh.

“Khi thi công dự án, đơn vị thi công sẽ dùng đường công vụ cũ của đường dây 500 KV đã làm trước đó. Tuy nhiên, một số đơn vị xây lắp đã mở đường công vụ ngoài diện tích dự kiến xin chủ trương chuyển đổi mục đích. Ngoài ra, số lượng lâm sản bị ảnh hưởng do dự án chưa được chủ đầu tư phối hợp với chủ rừng để tận dụng như cam kết, gây thất thoát tài sản Nhà nước cũng như ảnh hưởng môi trường sinh thái...”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cũng nhấn mạnh: Dự án Đường dây 500 KV xây dựng ở các vị trí trọng yếu trên núi cao, địa hình hiểm trở. Đặc thù thời tiết ở địa phương hết sức phức tạp, mưa to, gió lớn, lốc xoáy diễn ra thường xuyên, đặc biệt mùa mưa bão đang cận kề.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-hien-truong-vu-sat-lo-o-ha-tinh-con-tiem-an-nhieu-nguy-co-10279588.html