Từ Hong Kong và Singapore, Thaksin bày mưu giành lại ảnh hưởng

Việc cựu thủ tướng lưu vong Thái Lan Thaksin Shinawatra gặp những lãnh đạo đảng Pheu Thai cho thấy ông đang cố vận dụng sức ảnh hưởng với cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra năm sau.

Ông Thaksin gây chú ý lớn hồi tuần trước khi ông xuất hiện bên cạnh một số thành viên cấp cao của đảng Pheu Thai tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Những người này đã bay từ Thái ra nước ngoài chỉ để gặp mặt người mà họ tôn thờ.

Dù những lãnh đạo “phe áo đỏ” ở Thái Lan cố hạ thấp ý nghĩa của những cuộc gặp mặt trên, các nhà quan sát tình hình Thái Lan tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông Thaksin đang từ xa tác động lên chiến dịch giành giật phiếu bầu, trước khi tổng tuyển cử diễn ra vào đầu năm sau theo lời hứa của chính quyền quân sự.

. Ảnh: SCMP.

Sức ảnh hưởng không thay đổi

Bản chất “nửa công khai” của những cuộc gặp trên thể hiện sức ảnh hưởng của đảng Pheu Thai, dù ở chừng mực nào đó, trong bối cảnh nhiều ý kiến bất mãn với chính quyền quân sự hiện nay vì nhiều cáo buộc tham nhũng.

“Các diễn biến như muốn chứng tỏ với những cử tri nông thôn rằng đảng Pheu Thai vẫn là của ông Thaksin, chứ không phải của chính trị gia xoàng xĩnh nào khác”, Patrick Joyce, nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan ở Đại học Queensland, Australia, nói.

Đầu tháng 2, ông Thaksin và em gái Yingluck đến Nhật Bản, rồi Trung Quốc để gặp gỡ các cử tri trung thành. “Anh phải hiểu được thương hiệu Thaksin mạnh mẽ như thế nào đối với người dân. Với những người ủng hộ là dân lao động của ông Thaksin, họ xem ông là người hùng thực sự, luôn làm những điều đã hứa, cho đến khi bị giới thượng lưu lật đổ”.

Những đảng phái liên quan đến ông Thaksin đều giành chiến thắng vang dội trong 6 cuộc bầu cử tổ chức từ năm 2001; nhưng họ vấp phải sự thù hằn sâu sắc của phe bảo hoàng và tầng lớp cao cấp thành thị. Sự thống trị của nhóm này trùng với một thập kỷ biến động chính trị Thái Lan. Lực lượng quân sự thuộc giới tinh hoa đã phát động 2 cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2004.

Ông Thaksin giữ chức thủ tướng giai đoạn 2001-2006 cho đến khi bị lật đổ. Ông buộc phải sống lưu vong và bị kết án tù vắng mặt vào năm 2008 vì tội danh lạm dụng quyền lực, một bản án mà Thaksin cáo buộc là có “động cơ chính trị”.

Thương hiệu Thaksin giúp ông và người em gái duy trì sự ảnh hưởng lớn đối với những cử tri nghèo ở vùng nông thôn. Ảnh: SCMP.

Người anh vợ của Thaksin, ông Somchai Wongsawat cũng từng làm thủ tướng một giai đoạn ngắn trong năm 2008. Sau đó người em gái ruột là bà Yingluck tiếp nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Pheu Thai để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011, cho đến khi bà lại rơi vào kết cục tương tự như anh trai sau khi bị lật đổ năm 2014.

Sau khi bị cấm tham gia chính trị, bà Yingluck bị tòa án tuyên 5 năm tù giam vào năm 2017 do chương trình mua gạo trợ giá gây thiệt hại lớn. Cuối năm này, bà đào thoát ngoạn mục rời khỏi Thái Lan và bắt đầu cuộc sống lưu vong như anh trai.

Ông Duncan McCargo, đồng tác giả quyển “Sự ‘Thaksin hóa’ ở Thái Lan” nói dù ông Thaksin sống ở nước ngoài đã hơn 10 năm qua nhưng hình ảnh đảng Pheu Thai vẫn gắn chặt không rời với ông Thaksin trong tâm trí các cử tri.

“Dù ông ấy không thể ra tranh cử năm 2007 và 2011, sức ảnh hưởng của Thaksin vẫn vô cùng to lớn. Pheu Thai về cơ bản chính là đảng của ông ta”, vị giáo sư Đại học Leeds nói.

Xóa bỏ nghi vấn chia rẽ

Một mục tiêu khác từ cuộc hội ngộ của ông Thaksin với các lãnh đạo đảng Pheu Thai là nhằm chứng tỏ sự đoàn kết nội bộ, giữa những lo ngại chính quyền quân sự đang âm mưu chia rẽ đảng này trước kỳ bầu cử.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, vị tướng dẫn đầu cuộc đảo chính năm 2014, được cho là sẽ nỗ lực duy trì nắm giữ quyền lực sau bầu cử. Một biện pháp của ông là vận dụng những luật lệ bầu cử mới, cho phép đảng chiến thắng áp đảo được bổ nhiệm một thủ tướng không cần qua dân cử.

Bà Sudarat có thể trở thành chủ tịch kế tiếp của đảng Pheu Thai nhờ sự trợ giúp của ông Thaksin. Ảnh: SCMP.

Kevin Hewison, một nhà quan sát chính trị Thái Lan lâu năm, dự đoán đảng Pheu Thai có thể xảy ra một số rạn nứt. “Phe quân sự đang tích cực chiêu mô những cựu nghị sĩ ‘áo đỏ’ gia nhập các đảng mới được thành lập theo luật bầu cử mới”.

Do vậy, những lãnh đạo Pheu Thai đã gặp Thaksin truyền lại lời kêu gọi của ông rằng mọi người hãy đồng lòng ủng hộ đồng minh trung thành lâu năm, Sudarat Keyuraphan, trở thành chủ tịch đảng.

Bà Sudarat và Thaksin đều từng có giai đoạn làm bộ trưởng trong chính phủ liên minh những năm 1990. Sudarat chính là một trong những người sáng lập đảng Thai Rak Thai, tổ chức chính trị đầu tiên ủng hộ Thaksin xuất phát từ nông thôn. Xuất thân gốc Bangkok của bà cũng được kỳ vọng là lợi thế giúp đảng Pheu Thai cạnh tranh với sự ủng hộ của đảng Dân chủ, đảng của giới tinh hoa thành thị.

Một lý do khác mà ông Thaksin rất ủng hộ Sudarat là do bà này duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền quân sự, bao gồm phó tổng tư lệnh Prawit Wongsuwon. Điều này có tác động rất lớn đối với sự nghiệp chính trị của Sudarat cũng như đảng Pheu Thai, nếu như chính phủ hiện tại vẫn giữ lời hứa và tổ chức bầu cử.

Quyền tổng thư ký đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai từng khẳng định cuộc gặp giữa ông Thaksin với những lãnh đạo “áo đỏ” là không liên quan đến chương trình hành động của đảng này. Tuy nhiên, chuyên gia Patrick Jory nói “việc ông Thaksin có thể tự do đi lại và gặp gỡ người của Pheu Thai chính là bằng chứng về sự bất lực của chính quyền quân sự”.

Nữ thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan và sự nghiệp sóng gió Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan với tham vọng cải cách đất nước, bà Yingluck Shinawatra nhanh chóng vướng vào những bê bối chính trị và đối mặt hàng loạt cáo buộc.

Minh Anh (Theo SCMP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-hong-kong-va-singapore-thaksin-bay-muu-gianh-lai-anh-huong-post821406.html