Tử huyệt có thể khiến tăng Nga bị nướng chín

Trang Topwar.ru vừa đăng tải bài viết của chuyên gia quân sự Mỹ đã chỉ ra những điểm yếu chết người trên xe tăng Nga có thể khiến chúng trả giá.

Theo bài viết, một trong những lợi thế lớn nhất của Quân đội Mỹ chính là hệ thống định vị được các lực lượng cơ giới sử dụng và thường được biết tới với tên gọi "thiết bị phát hiện quân xanh" (BFT). Nhờ nó mà các phương tiện cơ giới trên chiến trường có thể xác định được vị trí của các xe chiến đấu đồng đội hoạt động xung quanh chúng.

Tính năng tối tân mà hệ thống này mang lại có thể nói là rất lớn: Các chỉ huy chiến trường có khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi của tình hình bởi họ sẽ biết rõ vị trí của binh lính thuộc quyền; tốc độ hành quân được đẩy lên nhanh hơn do các đơn vị chỉ mất ít thời gian xác định hướng tập hợp với lực lượng kế bên; và đặc biệt là vị trí chiến đấu của đối phương.

Với tính năng không thể phủ nhận của hệ thống này, liệu xe tăng Nga có được trang bị? Trên thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều. Về lý thuyết, mỗi một xe tăng Nga đều có thể sở hữu khả năng định vị quân xanh như vậy nhưng những nguồn lực ngân sách hạn hẹp đã giới hạn việc triển khai nó.

Nếu vậy, thiết bị tiêu chuẩn cho các xe tăng Nga là gì? Nó có tiệm cận với hệ thống mà Quân đội Mỹ trang bị? Tín hiệu vô tuyến (radio) là trái tim của bất cứ mạng lưới thông tin chiến trường nào. Không có radio thì một phương tiện đơn lẻ chẳng có cách nào thu hoặc phát được mệnh lệnh chỉ huy hoặc bất cứ dữ liệu nào khác.

Radio tiêu chuẩn trang bị cho hầu hết các xe tăng tiền tuyến của Nga là tổ hợp vô tuyến R-168. Đây là thiết bị giao tiếp thoại cũng như kết nối dữ liệu giữa tất cả các xe tăng Nga chiến đấu theo đội hình ở khoảng cách lên tới 30 km trong quá trình hành tiến. Riêng với dữ liệu, nó có thể chuyển tải tới 16 kilobit/s.

Một thiết bị chủ chốt nữa cũng thường được sử dụng rộng rãi là hệ thống định vị Azimuth, gồm một bộ thu GLONASS, một la bàn điện tử và một vài cảm biến khác. Hệ thống tương tác với R-168 để phát đi thông tin về vị trí xe, hướng hành tiến và một số tham số khác trên mạng lưới thông tin chiến trường.

Hoàn toàn có thể biến Azimuth thành một màn hình hiển thị vị trí cho kíp lái nhưng việc này thường không được vận dụng. Với cách thức của Nga, vị trí xe tăng nhiều khả năng được theo dõi và xác định tại một trạm chỉ huy, có thể là T-90AK hoặc một biến thể xe tăng chỉ huy khác. Việc kết hợp giữa Azimuth và khả năng truyền dữ liệu của R-168 cho phép Nga có thể theo dõi được xe tăng bạn bè ở mức độ có giới hạn, tất nhiên trong trường hợp cả hai được lắp đặt.

Các thông tin cập nhật về vị trí do Azimuth phát qua mạng vô tuyến cho phép một trạm chỉ huy hoặc xe tăng chỉ huy theo dõi được vị trí của các phương tiện trên bản đồ di chuyển. Cấu hình này phù hợp với nguyên lý chỉ huy từ trên xuống mà Nga áp dụng nhưng lại thiếu tính linh hoạt mà Quân đội Mỹ có được nhờ những thiết bị theo dõi quân xanh lắp đặt trên hầu hết các xe tăng chiến đấu.

Hầu hết các xe tăng lắp Azimuth sẽ không có thiết bị tiếp nhận thông tin vị trí chuyển đến từ các xe tăng khác cũng trang bị Azimuth vì màn hình hiển thị dùng cho theo dõi quân xanh không được lắp đặt trên các xe tăng tiền tuyến khiến những cỗ tăng Nga trở thành những chiếc xe riêng lẻ khó có thể liên kết với nhau - dù chúng có thể độc lập tác chiến. Và chính điều này khiến xe tăng Nga gặp nguy hiểm.

Cùng với nhận định trên, trang IHS Jane's cũng cho rằng, dù được trang bị loại giáp cực tốt cùng hệ thống phòng thủ nhiều tầng nhưng trên hầu hết các dòng tăng của Nga vẫn tồn tại những tử huyệt. Theo nguồn tin này, không chỉ T-72 mà trên hầu hết các phiên bản của tăng T-90 của Nga, phía sau, gầm xe và trên nóc luôn bị coi là tử huyệt một khi chúng bị vũ khí chống tăng đối phương tấn công vào.

Để khắc phục nhược điểm chết người này, Nga đã bổ sung cho tăng T-72 lớp giáp phức hợp composite, hay thông dụng nhất là đắp xung quanh thân xe nhiều phiến giáp phản ứng nổ, khiến mức độ an toàn của T-72 được tăng thêm đáng kể. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ khiến chiếc xe này có thể an toàn hơn trước đòn đánh từ phía sau, hoặc trên nóc. Và điểm yếu này đã bị các tay súng khủng bố IS phát hiện và không ít lần xe tăng Nga đã phải trả giá dù những vũ khí chống tăng không phải loại mới.

Không chỉ chỉ rõ tử huyệt trên những dòng tăng chủ lực hiện có trong quân đội Nga, theo IHS Jane's, ngay cả trên dòng tăng thế hệ mới Armata Moscow đang trong giai đoạn thử nghiệm cũng đang tồn tại những điểm yếu chưa thể khắc phục. IHS Jane's dẫn nguồn tin nội bộ của Viện nghiên cứu vật liệu thép (Nga) cho biết, lớp giáp bảo vệ của tăng T-14 Armata được đánh giá rất cao khi chúng có thể chống lại tất cả các loại đạn chống tăng có cỡ 100-150mm.

Thậm chí, với loại giáp phản ứng nổ (ERA) với lỗ rỗng chứa chất nổ để kích nổ chống lại khả năng khoan sâu của đầu đạn tấn công, giúp tăng T-14 Armata vô hiệu hóa các loại đầu đạn chứa uranium nghèo cỡ 120 mm M829 của Mỹ. Đối với đạn thanh xuyên, chuyên gia Nga có thể khẳng định, ở khoảng cách tới 2km, không loại đạn thanh xuyên nào trên thế giới có thể xuyên thủng được giáp xe tăng Nga ở mặt chính diện.

Với thông tin được Nga công khai, tăng Armata chỉ có thể an toàn khi đối phương khai hỏa từ khoảng cách từ 2km trở lên. Và chính thông tin này đã để lộ điểm yếu của siêu tăng Armata. Theo nhận định của IHS Jane's, dù chiến tranh hiện đại được ứng dụng những công nghệ tối tân nhưng phần lớn các trận chiến đối kháng của xe tăng sẽ vẫn diễn ra ở khoảng cánh dưới 2km, đặc biệt trong các cuộc chiến đô thị.

Và như vậy, Nga đã gián tiếp thừa nhận Armata sẽ khó có cơ hội tồn tại nếu bị tăng đối phương tấn công ở khoảng cách từ 2km trở xuống. Nếu thực sự như vậy, thì không cần tăng thế hệ mới mà bất cứ dòng tăng nào hiện nay của Mỹ, Đức, Pháp... đều có thể khiến Armata bị tổn thương. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/tu-huyet-co-the-khien-tang-nga-bi-nuong-chin-3369578/