Từ khoảng cách 1.000 km, siêu tàu sân bay Mỹ đe dọa Iran

Bốn tháng kể từ khi được triển khai đến Trung Đông, siêu hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln của Mỹ vẫn đe dọa Iran từ khoảng cách gần 1.000 km mà không tiến vào eo biển Hormuz.

5.600 thủy thủ trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln vẫn không mạo hiểm tiến tới vùng biển Iran dù trước đó Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao tuyên bố chiến hạm Mỹ ở Trung Đông để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran. Ảnh: Reuters.

Trong 4 tháng kể từ khi được triển khai đến Trung Đông, tàu sân bay Lincoln chỉ lởn vởn quanh biển Arab. Siêu hàng không mẫu hạm Mỹ không đi vào Vịnh Ba Tư, hay eo biển Hormuz, tuyến thương mại biển quan trọng mà con tàu được cho là sẽ bảo vệ. Ảnh: New York Times.

Các kỹ thuật viên bảo trì máy bay bên trong nhà chứa. Hải quân Mỹ nhận lệnh từ tổng thống để đối phó với Iran ở Trung Đông, nhưng theo cách ít khiêu khích nhất. Thuyền trưởng William Reed, chỉ huy không quân trên tàu Lincoln, nói với New York Times: "Chúng tôi không muốn leo thang với Iran". Ảnh: New York Times.

Các kỹ thuật viên chuẩn bị vũ khí cho tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet làm nhiệm vụ. Hải quân Mỹ nhận thấy rằng việc điều động tàu sân bay đi qua eo biển Hormuz khi Tổng thống Trump tăng sức ép với Tehran có thể kích động cuộc xung đột mà Lầu Năm Góc muốn tránh. Ảnh: New York Times.

James G. Stavridis, đô đốc Mỹ nghỉ hưu, cho biết bất cứ khi nào một tàu sân bay di chuyển gần bờ, hoặc vùng biển hẹp, mối nguy hiểm đối với nó tăng lên rất nhiều lần. Nó trở nên dễ bị tổn thương bởi tàu ngầm diesel, tên lửa hành trình phóng từ bờ biển, chiến thuật bầy đàn với xuồng tên lửa tốc độ cao của Iran. Ảnh: New York Times.

Các chỉ huy Hải quân Mỹ đã chọn giải pháp an toàn là cho tàu sân bay Lincoln hoạt động ở biển Arab, có lúc cách eo biển Hormuz hơn 600 hải lý. Thông thường, tàu sân bay Lincoln hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Oman, cách không xa thành phố Muscat. Người Iran sẽ không phải lo lắng về việc nhìn thấy Lincoln ở đường chân trời. Ảnh: New York Times.

Kỹ thuật viên bảo trì trực thăng bên trong nhà chứa máy bay. Tuy tàu sân bay Lincoln ở cách Iran gần 1.000 km, các quan chức Hải quân Mỹ khẳng định rằng họ có thể đáp ứng mọi nhiệm vụ trên Vịnh Ba Tư hoặc eo biển Hormuz từ biển Arab. Ảnh: New York Times.

Tàu sân bay Mỹ nhiều lần đến Vịnh Ba Tư ở những thời điểm không căng thẳng. Tháng 3/2017, tàu sân bay USS John C. Stennis hoạt động trên Vịnh Ba Tư trong chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố IS ở Iraq. Những lúc như vậy, tàu sân bay Mỹ được theo dõi rất sát sao bởi tàu tuần tra, máy bay và radar dọc theo bờ biển Iran. Ảnh: New York Times.

Các thủy thủ tập thể dục bên trong nhà chứa máy bay của tàu. Tuy nhiên, ở thời điểm căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang, việc điều động một tàu sân bay đi vào Vịnh Ba Tư hoặc eo biển Hormuz là sự khiêu khích quá mức, có thể dẫn đến sự đụng độ ngoài ý muốn. Ảnh: New York Times.

Vào thời điểm Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, tàu sân bay Lincoln đã được lệnh chuẩn bị tấn công đáp trả. Các chỉ huy tàu cũng đã lên kế hoạch phòng thủ. Sự căng thẳng bao trùm toàn bộ tàu, đặc biệt là với các thủy thủ trẻ. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, đèn xanh đã bật và chỉ còn đợi lệnh khai hỏa, nhưng Tổng thống Trump cuối cùng đã rút lại mệnh lệnh. Ảnh: New York Times.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-khoang-cach-1000-km-sieu-tau-san-bay-my-de-doa-iran-post982208.html