Từ kinh nghiệm nước Đức cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng xã hội

Những thông tin thất thiệt, bịa đặt, thông tin xấu, độc hại… đang xuất hiện ngày càng tràn lan trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, khiến các quốc gia không thể không có biện pháp hữu hiệu để đối phó.

Facebook đang tăng cường kiểm soát những thông tin giả, xấu và độc hại gia tăng ngày một nhiều trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này 

Trang mạng xã hội có số người dùng lớn nhất thế giới hiện nay là Facebook đang lên kế hoạch tăng cường nhân sự cho đội ngũ của công ty tại Đức phụ trách việc giám sát và dỡ bỏ những nội dung trực tuyến vi phạm một đạo luật mới về nghiêm cấm các phát ngôn mang tính thù địch. Facebook cho biết một “trung tâm xóa bỏ” mới với 500 nhân viên sẽ được thành lập tại thành phố Essen của Đức vào mùa thu năm nay.

Ngoài ra, số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng ở Thủ đô Berlin (Đức) của Facebook cũng sẽ tăng lên 700 người. Thay vì tuyển dụng nội bộ như thường thấy, Facebook đang ký hợp đồng phụ với các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu ở châu Âu là Arvato và Competence Call Center để gấp rút tuyển dụng thêm đội ngũ nhân sự chất lượng nhằm “dọn dẹp rác rưởi” liên quan tới nước Đức trên mạng xã hội này.

Kế hoạch tăng cường giám sát trên của Facebook được đưa ra sau khi Quốc hội Đức (Bundestag) hồi tháng 7 vừa qua đã thông qua đạo luật “Cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng”. Theo đạo luật còn được gọi với cái tên nôm na dễ hiểu “Luật Facebook” này, các công ty truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter và YouTube… có thể phải đối mặt với một khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro (khoảng 58,5 triệu USD) nếu không kịp thời xóa bỏ các nội dung mang tính chất thù hận, phỉ báng và kích động bạo lực trên các trang mạng của mình.

Theo đó, các trang mạng xã hội phải dỡ bỏ các nội dung xấu và độc hại này trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận những lời phàn nàn của người dùng (report). Đối với một số trường hợp nội dung chưa rõ ràng, khó phân biệt các nội dung có thực sự xấu, độc hay không, các hãng truyền thông xã hội sẽ có khoảng thời gian 1 tuần để phát hiện và loại bỏ.

Với đạo luật “Cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng”, Đức là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đã có hành động để ứng phó với vấn nạn ngày càng nghiêm trọng trên mạng xã hội đó là xuất hiện ngày càng nhiều các thông tin giả (fake news) xấu - độc. Ngay Facebook cũng đã phải tung ra một số chỉ dẫn nhằm giúp người dùng tố cáo (report) những tin tức giả được chia sẻ trên mạng xã hội.

Facebook đã thêm một công cụ cảnh báo ở trên phần News Feed của mỗi trang Facebook cá nhân. Với tính năng mới này, người dùng dễ dàng kiểm chứng địa chỉ trang mạng hay các nguồn thông tin, các bài viết liên quan đến chủ đề được đăng tải, qua đó biết được thông tin được đăng tải là thất thiệt hay không.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng những nỗ lực trên là chưa đủ và đang tiếp tục gia tăng áp lực buộc Facebook cùng các mạng xã hội khác như Google và Twitter… sửa đổi các điều khoản sử dụng dịch vụ để bảo vệ người dùng tốt hơn trước những thông tin xấu và độc hại, nghiêm trọng nhất là những thông tin kích động hằn thù, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, đang không ngừng gia tăng.

Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang giám sát chặt chẽ Facebook, Google và Twitter từ vấn đề bảo mật cho đến các quy định gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp và những thông tin độc hại hoặc mang tính cực đoan nhằm đảm bảo những thông tin độc hại phải được gỡ bỏ kịp thời sau khi nhận được các “report”.

Thông tin xấu và độc hại thực sự đã trở thành một thứ “dịch bệnh truyền nhiễm thông tin” nguy hiểm trên mạng xã hội mà nếu không được ngăn chặn nó sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường trong đời sống xã hội các quốc gia.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tu-kinh-nghiem-nuoc-duc-cuong-che-hanh-vi-sai-pham-tren-mang-xa-hoi/738052.antd