Tứ Kỳ hướng tới nông nghiệp xanh

Với đích đến là nền nông nghiệp xanh, an toàn và hiệu quả, huyện Tứ Kỳ đang từng bước thay đổi cung cách sản xuất, lựa chọn mô hình phù hợp để nâng cao giá trị và khai thác bền vững tài nguyên nông nghiệp.

Vùng trồng lúa, chuối hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên ở xã An Thanh

Vùng trồng lúa, chuối hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên ở xã An Thanh

Điểm nhấn An Thanh

Nằm ở hạ lưu sông Thái Bình, được phù sa sông bồi đắp vùng đất bãi màu mỡ với nguồn rươi, cáy tự nhiên nên xã An Thanh được kỳ vọng tạo ra đột phá trong canh tác hữu cơ, phát triển nông nghiệp sinh thái của huyện Tứ Kỳ. Ngoài 137 ha đất bãi đã sản xuất theo hướng hữu cơ trồng lúa kết hợp khai thác rươi, cáy đã lâu thì từ năm nay, khi cống Sồi mới đưa vào sử dụng, người dân bắt đầu “nuôi dưỡng” nguồn lợi trên ở đồng trong. Vụ mùa này, địa phương thí điểm trồng 68,75 ha lúa theo hướng hữu cơ ở 2 thôn An Định và Thanh Kỳ tại khu vực thượng lưu cống Sồi. Mới được 1 vụ lúa nhưng khi xắn đất lên đã thấy có rươi. Đây là kết quả khả quan để xã mở rộng diện tích khai thác rươi, cáy trong đồng lên 214 ha trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, địa phương cũng đang tích cực phối hợp cơ quan chuyên môn thực hiện các thủ tục chứng nhận sản xuất hữu cơ cho khu vực ngoài bãi sông.

Từ điểm tựa canh tác theo hướng hữu cơ, tại xã An Thanh cũng đang dần hình thành vùng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Khu cống Sồi được người dân cải tạo trồng hoa, cây xanh và đặt ghế đá xung quanh. Những bờ vùng, bờ thửa trên đồng ruộng hay vệ đường cũng được trồng dừa, mít, chuối. Đặc biệt, địa phương đang cải tạo, nâng cấp tuyến đường trục xã nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách. Để có sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, xã đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cho sản phẩm rươi đốt, chả rươi, mắm rươi. Trước đó địa phương có 2 sản phẩm là rươi cấp đông và cáy cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, việc thiết kế bao bì, nhãn mác hỗ trợ nhận diện thương hiệu sản phẩm cũng được địa phương và ngành chức năng quan tâm thực hiện.

Ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: “Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa phương đang theo đuổi hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Đây là xu thế tất yếu, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, vừa làm thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng phương thức sản xuất phù hợp.

 Cống Sồi mở ra nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp xanh cho xã An Thanh nói riêng và huyện Tứ Kỳ nói chung

Cống Sồi mở ra nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp xanh cho xã An Thanh nói riêng và huyện Tứ Kỳ nói chung

Phát triển đa dạng

So với các địa phương khác, huyện Tứ Kỳ có ưu thế hơn hẳn trong việc xây dựng nông nghiệp xanh. Bên cạnh yếu tố khách quan thuận lợi thì bản thân người dân cũng nhận ra tầm quan trọng của sản xuất sạch, an toàn. Huyện hiện có 7 vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên với diện tích hơn 300 ha ở các xã An Thanh, Hà Thanh, Cộng Lạc, Quang Trung… Đến năm 2025, địa phương sẽ mở rộng diện tích trên lên gần 630 ha. Ngoài cấy lúa, các xã có vùng sản xuất hữu cơ tiếp tục duy trì trồng chuối hữu cơ trên bờ vùng, bờ thửa một cách bài bản để phục vụ xuất khẩu. Huyện cũng ưu tiên đầu tư những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ bằng việc hỗ trợ quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại.

Phát triển nông nghiệp xanh, huyện Tứ Kỳ không chỉ đơn thuần xây dựng những sản phẩm trồng trọt mà địa phương cũng thử nghiệm trong chăn nuôi. Trang trại An Thắng Farm nuôi gà và bò 3B của anh Nguyễn Quyết Thắng ở xã Dân Chủ được lựa chọn để thực hiện. Quy trình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ đã tạo ra khác biệt về chất lượng sản phẩm. Theo anh Thắng, tuy hiện tại vẫn chưa phổ biến nhưng thời gian tới người tiêu dùng sẽ tin dùng những thực phẩm hữu cơ, bảo đảm sức khỏe. Đây là xu hướng tất yếu nên phải sớm nắm bắt để giành lợi thế. “Tôi tin rằng nếu quyết tâm, kiên trì hướng phát triển hữu cơ thì ngành nông nghiệp và người làm nông sẽ được đặt ở vị thế mới, không còn bế tắc trong vòng luẩn quẩn về chuỗi cung cầu như trước”, anh Thắng khẳng định.

Dù có nhiều thuận lợi trong sản xuất hữu cơ song để phát triển nền nông nghiệp xanh đúng nghĩa thì vẫn là cả chặng đường dài đối với huyện Tứ Kỳ. Tuy vậy, những định hướng cũng như các cách làm mà huyện đang triển khai thì mục tiêu nông nghiệp xanh sẽ không nằm ngoài tầm với. Theo ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2020-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, bài bản. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, là thế mạnh riêng có của địa phương. Từ đó sẽ dần gây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh đồng bộ, toàn diện. Huyện coi đây là giải pháp then chốt để vừa khai thác hiệu quả sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường bền vững.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/tu-ky-huong-toi-nong-nghiep-xanh-181495