Từ lễ hội Đào Nương nhớ về tổ nghề Ca trù

Hằng năm, cứ đến đầu tháng 2 âm lịch là lễ hội Đào Nương lại được tổ chức tại làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên). Lễ hội không chỉ nhằm tưởng nhớ đến nữ anh hùng 'phù Lê' giết giặc mà còn là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống quý báu của cha ông.

Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, sống vào khoảng thế kỉ XV. Nàng là cô gái vô cùng xinh đẹp, hát hay, múa khéo, nổi tiếng tài hoa khắp tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu (nay là làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên). Đầu thế kỉ XV, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” đem quân xâm lược nước ta. Khi quân xâm lược kéo đến làng Đào Đặng thì dân chúng bỏ chạy, Đào Nương cùng một số chị em chậm chân không trốn được đành phải ở lại múa hát, hầu hạ giặc trong các dịp yến tiệc. Nhờ tài sắc hơn người, Đào Thị nhanh chóng chiếm được tình cảm của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng biến ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi mà không có đề phòng gì.

Nghi thức cúng tế trong lễ hội.

Ngày ấy, Hưng Yên còn là vùng sinh lầy, lau sậy um tùm, muỗi nhiều vô kể. Quân giặc không quen với thổ nhưỡng nơi đây, vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt. Chúng nảy ra “sáng kiến” làm những chiếc túi bằng bao tải gai, đêm đến chui vào đó ngủ, vừa tránh được muỗi lại vừa ấm thân. Đào Thị nhiều lần được giao cho việc thắt - mở nút túi. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, nàng đã nảy ra kế giết giặc. Nàng cùng các trai tráng trong làng đợi lúc quân giặc ngủ say đến khiêng từng bao ném xuống sông. Cứ thế, quân số của giặc ngày một hao hụt mà không biết vì sao. Tướng giặc thấy vậy, vội ra lệnh kiểm điểm quân số và giật mình khi thấy quân sĩ vơi ít hẳn đi mà không biết duyên cớ tại đâu. Cuối cùng chúng sợ hãi rút quân và nhân dân làng Đào Đặng lại trở về làm ăn sinh sống.

Khi Đào Thị mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của bà, dân làng đã lập đền thờ bà ở ngay làng Đào Đặng, có tên là đền Mẫu hay đền Đào Nương. Đền trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

Ông Vũ Đình Chính, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Lễ hội đền bà Đào Nương được tổ chức từ mùng 1 - 4 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức tế, lễ được diễn ra trang nghiêm, thành kính. Đặc sắc nhất là nghi thức rước kiệu bà Đào Nương từ đền Mẫu vào đình làng mà chỉ có phái nữ đảm nhiệm. Còn phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống như đánh cờ tướng, kéo co, thi sàng gạo, làm cỗ chay…”. "Vì bà Đào Nương được suy tôn là sư tổ của nghề hát Ca trù nên trong ngày hội không thể thiếu lời ca tiếng hát", ông Chính chia sẻ.

Tham dự lễ hội không chỉ có đông đảo nhân dân trong làng mà còn có rất nhiều du khách thập phương. Đến với lễ hội, mọi người sẽ thấy truyền thống quý báu của cha ông xưa được tái hiện qua những cuộc thi như: sàng gạo, gói bánh tẻ, bánh nếp, thi làm cỗ chay… Cuộc thi sàng gạo phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Đó không chỉ là trò diễn thể hiện lòng quý trọng hạt gạo mà còn giúp người dân trong làng nhớ về nghề truyền thống của làng Đào Đặng – nghề “hàng xáo”. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức hát Ca trù ở sân đền Mẫu để loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với mọi người, nhằm phát huy những giá trị nghệ thuật của Ca trù Việt Nam.

Bùi Thị Hương

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tu-le-hoi-dao-nuong-nho-ve-to-nghe-ca-tru-post10173.html