Tư lệnh giao thông thúc lãnh đạo PMU đẩy mạnh giải ngân

Lãnh đạo các ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ Giao thông - Vận tải sẽ bị đánh giá là chưa hoàn thành nhiệm vụ nếu kết quả giải ngân năm 2019 dưới mức bình quân chung cả nước.

Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến giúp ngành Giao thông - Vận tải giải ngân một lượng vốn lớn từ nay đến cuối năm.

Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến giúp ngành Giao thông - Vận tải giải ngân một lượng vốn lớn từ nay đến cuối năm.

Chiều 4/11, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án giải ngân vốn đầu tư công do bộ này quyết định đầu tư.

Toàn bộ 5 thứ trưởng và các chủ đầu tư, PMU trực thuộc đã được triệu tập tham dự cuộc họp nhằm tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện đang thấp hơn mức bình quân chung cả nước.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải), đến hết tháng 10/2019, các chủ đầu tư trực thuộc mới giải ngân được 9.405 tỷ đồng, tương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng) và tương đương 37,6% kế hoạch đã giao (25.017 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả giải ngân đạt thấp hơn 5.731 tỷ đồng (đến hết tháng 10/2019 cần đạt 15.136 tỷ đồng, tương đương 57,5% kế hoạch); so với cùng kỳ năm 2018 giải ngân được 14.750 tỷ đồng, đạt 55,5% kế hoạch.

Bày tỏ sự sốt ruột với sự chậm trễ này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngay từ tháng 8/2019, lãnh đạo Bộ đã rốt ráo tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

“Tuy nhiên, kết quả giải ngân chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân đạt vẫn không đạt kế hoạch giải ngân tháng và chưa kéo bù đủ số giải ngân chậm của các tháng đầu năm và có nguy cơ không đạt được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch. Trong khi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành”, ông Thể cho biết.

Những nút thắt lớn nhất dẫn đến việc dòng vốn chưa được khơi thông chính là việc giải ngân vốn công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và tiến độ triển khai 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách có tổng mức đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong quá trình truy vấn với các đầu mối quản lý vốn lớn, Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải lại nhận được các cam kết chắc nịch của các giám đốc PMU lớn.

Theo ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, năm 2019, đơn vị này được giao 1.626 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.100 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm.

“Hiện nay đối với Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn sử dụng vốn đầu tư công sau khi khởi công 2 gói thầu, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ chọn nhà thầu cho các gói thầu còn lại. Dự kiến đến đầu tháng 12/2019 sẽ ký được hợp đồng và giải ngân các khoản tạm ứng cho nhà thầu. Hiện dự án này công tác giải phóng mặt bằng tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cũng khá thuận lợi dự kiến sẽ vượt kế hoạch giải ngân”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, đối với dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vốn được giao 2019 là 156 tỷ đồng, đến nay, giải ngân được 56 tỷ đồng, còn lại 100 tỷ đồng sẽ giải ngân trong các tháng cuối năm. “Chúng tôi cam kết với Bộ trưởng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao theo yêu cầu”, ông Hoàng nói.

Ngoài PMU đường Hồ Chí Minh tại cuộc họp, 12 giám đốc PMU, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải khác cũng cam kết với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ đảm bảo hoàn thành kết quả giải ngân đạt 90 - 95% vốn kế hoạch 2019 được giao. Hai PMU gặp khó khăn về giải ngân là Đường sắt và đường thủy nhưng khối lượng giải ngân không nhiều so với các đơn vị khác.

Theo lãnh đạo một PMU, tình trạng dồn toa giải ngân vào cuối năm không phải là câu chuyện mới trong ngành Giao thông - Vận tải. Riêng năm nay khối lượng đọng lại trong 2 tháng cuối khá lớn là do việc giao vốn muộn; nhiều dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa thể có khối lượng.

Nhắc nhở lãnh đạo các PMU tuyệt đối không chủ quan, phải tăng cường bám sát địa phương, bám sát nhà thầu, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, các PMU phải giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên, lãnh đạo ban mới được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những Chủ đầu tư/PMU giải ngân đạt dưới 95% và thấp hơn mức bình quân của cả nước, toàn bộ ban giám đốc của ban quản lý dự án đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và Bộ Giao thông - Vận tải sẽ xem xét điều chuyển cán bộ.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-lenh-giao-thong-de-manh-tay-voi-cac-lanh-dao-pmu-giai-ngan-kem-d110331.html