Tự mình ngay chính

Tâm có sáng thì danh mới chính, danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì mới đoàn kết được lực lượng và thu phục được nhân tâm.

Không có lễ và nhân thì không thể hành pháp suôn sẻ. Không liên tục trau dồi phẩm chất đạo đức để luôn giữ cho mình tính quang minh chính đại thì không thể xây dựng được một chính quyền thực sự vững bền, mang lại lợi ích ngày một nhiều hơn cho tất cả dân tộc. Bác Hồ vĩ đại ngay từ những ngày đầu đi tìm đường cứu nước đã đinh ninh quán triệt những tư tưởng cổ truyền này của phương Đông. Và đấy cũng là điều mà Người đã nhiều lần nhắc nhở các công bộc sau khi Cách mạng Mùa thu năm 1945 thành công và Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Theo những tư liệu còn lưu giữ được, trong một lá thư viết vào những năm cuối đời, kèm theo bản Di chúc chính thức, dự đoán thắng lợi sắp tới gần của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ cũng đã nhắc nhở: "Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”…

Đề cao phẩm hạnh

Trong nhìn nhận của Bác Hồ, nhiệm vụ cách mạng không bao giờ là không khó khăn và nặng nề; các thách thức, trong và ngoài, không bao giờ là không to lớn và phức tạp… Chính vì thế trong cả việc to lẫn việc nhỏ, để xứng đáng với những thành quả tự do dân chủ, để đảm đương được những trọng trách trong dựng nước và giữ nước, những người cách mạng, những người công dân đích thực của nước Việt Nam mới, Dân chủ Cộng hòa, cũng cần phải liên tục cẩn trọng, cố gắng, liêm chính, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" mỗi khi gặp sự gì đó bất như ý. Giành được nền độc lập không dễ, nhưng bảo vệ được nền độc lập đó và xây dựng một hiến pháp dân chủ thích ứng với trình độ phát triển và nền độc lập đang có lại là việc gian nan hơn gấp nhiều lần. Và muốn thực hiện thành công những nhiệm vụ đó, trước hết và hơn hết là cần phải có một phẩm chất công dân xứng đáng, một đức liêm chính ngời sáng, đặc biệt là ở đội ngũ cán bộ, có chức có quyền, ở tất cả các cấp. Là người có học vấn Nho học uyên thâm, hẳn Bác Hồ không bao giờ quên những lời trong sách Luận Ngữ: "Người cầm quyền mà thân mình không ngay chính thì làm sao làm nổi việc chính trị".

Tu thân tích đức mới là việc cần làm thường xuyên của những người cán bộ cách mạng chứ không phải là những ham muốn vinh thân phì gia. Bác Hồ đã rất chân thành khi viết trong thư trả lời các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em nhỏ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng dài lâu của Bác, có thể thấy rằng, những lời răn của Khổng Tử ngày xưa có lẽ cũng là suy nghĩ của Bác, khi nói tới ý niệm công danh của người cán bộ cộng sản: "Chớ lo mình không có chức vị, chỉ lo mình chẳng đủ tài đức để lãnh lấy chức vị mà thôi. Chớ lo người ta chẳng biết mình, chỉ cần cho mình trở nên giỏi giang và có đức đáng cho người ta biết không thôi"…

Đạo đức công dân

Một xã hội thực sự văn minh là một xã hội mà trong đó tất cả các công dân, bất kể ở cương vị hay làm công việc gì, cũng cần nghiêm ngắn thực hiện những quy tắc đạo đức và sinh hoạt của mình. Cán bộ phải làm đúng chức trách của cán bộ, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì chớ bày đặt ra. Còn các công dân bình thường cũng cần phải rèn luyện cho mình đủ những phẩm hạnh của những thành viên không thể thiếu và không thể yếu trong một quốc gia tự do, độc lập. Không ngẫu nhiên mà ngay trong bài viết "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" ngày 3/9/1945, tức là chỉ một ngày sau Tết Độc lập, Bác Hồ đã nhấn mạnh tới "nhiệm vụ cấp bách" là: "Phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động. Một dân tộc xứng đáng với một nước Việt Nam độc lập". Trong thư gửi các cháu học sinh, tháng 9/1945, Bác Hồ cũng nhấn mạnh tới vai trò của một nền giáo dục mới, "một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Các công dân bình thường của một nước Việt Nam độc lập đã cần phải có những phẩm chất không tầm thường như thế, nên các công dân được phân công làm "công bộc" cho nhân dân lại càng cần phải tu thân để có thể đảm đương được tốt sứ mệnh của mình. Và toàn bộ bộ máy chính quyền mới cũng cần phải được tổ chức, vận hành theo "một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra" (trích từ bài "Các tổ chức Ủy ban Nhân dân", ngày 11/9/1945), tức là theo những tiêu chí đạo đức và hành chính cao để hoàn thành sứ mệnh của mình. Bản thân Bác trong công việc hàng ngày cũng đã luôn nghiêm ngắn và mực thước, có cương, có nhu tùy theo hoàn cảnh (đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945 tới năm 1947 có lần đã nhắc lại lời dạy của Bác: Chính sách phải có cương, có nhu. Nói nên nhu. Làm nên cương…). Đấy chính là nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Bác. Đó cũng là bí quyết giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam ngay cả trong những tình huống nước sôi lửa bỏng, nguy nan nhất.

Nền móng nhân nghĩa

Một nền chính trị chân chính phải là nền chính trị dựa trên nền tảng của tư tưởng nhân nghĩa, biết phân biệt rành rẽ bạn thù, ai thực sự là kẻ thù và ai có thể là bạn bè, đồng minh. Làm gì thì trước hết cũng vì những con người, những con người bình thường, lương thiện. Cho tới phút cuối của cuộc sống trần thế, Bác Hồ vẫn chỉ canh cánh một nỗi niềm: "Đầu tiên là công việc đối với con người". Bác căn dặn rất kỹ về những việc cần làm đối với từng đối tượng, từng lực lượng, từng cảnh ngộ sau ngày chiến thắng: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã và hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”…

Đối xử với người tốt một cách đàng hoàng không khó, khó hơn là đối xử thỏa đáng với cả những người còn chưa tốt, còn lầm lạc, còn bị cuốn theo những cơn sóng u mê tội lỗi. Trong những ghi chú của mình kèm theo Di chúc, Bác dặn: "Đối với các nạn nhân của chế độ cũ… thì Nhà nước vừa phải dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".

Ngay cả với đối phương, Bác Hồ vẫn luôn nhất quán nhìn nhận đúng mực, rành rẽ, không vơ đũa cả nắm. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể chính danh. Ngay trong lá thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên bảo vệ nền độc lập tự do còn non trẻ đang bị quân đội thực dân Pháp đe dọa, ngày 26/9/1945, Bác Hồ cũng đã cẩn trọng dặn dò "Phải làm cho thế giới… biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước". Còn trong diễn văn đọc trong “Ngày kháng chiến toàn quốc” (5/11/1945), Bác Hồ cũng đã nhấn mạnh: "Vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta. Chúng ta không ghen ghét gì dân Pháp, nước Pháp, chúng ta chỉ kiên quyết chống lại chế độ nô lệ và chính sách tàn nhẫn của bọn thực dân Pháp".

Tâm có sáng thì danh mới chính, danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì mới đoàn kết được lực lượng và thu phục được nhân tâm. Đó là bài học quý báu mà Bác Hồ để lại và cho tới hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với cách mạng nước ta, dù tình hình trong nước và quốc tế có biến đổi thế nào đi chăng nữa.

Đàm Quân Sự

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tu-minh-ngay-chinh-tintuc448959