Tù mù quản lý nhập khẩu phế liệu

5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017 đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý, đe dọa môi trường…

Kiểm tra phế liệu nhập khẩu

Cố tình khai sai, làm giả giấy tờ

Trong buổi họp báo chuyên đề về Công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu chiều 30/7, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Trong quá trình thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã phát hiện một số hãng tàu khai rất chung chung là phế liệu hay hàng đã qua sử dụng (như màng nhựa qua sử dụng, bao tải dứa qua sử dụng…) nhằm trốn tránh quy định về nhập khẩu phế liệu. Thậm chí, Tổng cục Hải quan phải cử cán bộ xuống túc trực tại các cửa khẩu lớn để phát hiện sai phạm của doanh nghiệp.

Không dừng ở việc cố tình khai sai, khai chung chung thông tin, nhiều doanh nghiệp còn làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu. Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thông tin: Cục đã điều tra và vừa khởi tố một trường hợp làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu là Công ty TNHH Đức Đạt. Sau 3 tháng điều tra, ngày 17/7 vừa qua, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố Công ty TNHH Đức Đạt với tội danh buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới; đồng thời bàn giao hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Đức Đạt là trường hợp đầu tiên và duy nhất bị khởi tố liên quan tới nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan này vẫn đang tiếp tục thu thập thông tin, điều tra tích cực trong toàn ngành bởi số lượng doanh nghiệp làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu là phổ biến.

Tù mù số liệu sao quản lý?

Sở dĩ, số lượng doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu trở nên phổ biến bởi công tác quản lý chưa sát sao. Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Ngành Hải quan đang rất khó khăn bởi không phát hiện ngay được doanh nghiệp nào được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu phế liệu “vì hiện không có thông tin nào trên cổng thông một cửa quốc gia nên Hải quan không đối chiếu được”.

Ông Thành cung cấp thông tin: Năm 2017 có 254 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu, 6 tháng 2018 có 240 doanh nghiệp nhưng đây mới chỉ là các doanh nghiệp do Bộ TN&MT cấp phép. Còn mấy năm qua, số lượng doanh nghiệp do các Sở cấp phép hoàn toàn không rõ. Trong khi đó, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT chỉ quy định cần bản sao chứng thực xác nhận là đủ điều kiện nhập khẩu và một bản phô tô giấy thông báo lô hàng để thông quan nên dẫn tới kẽ hở doanh nghiệp lợi dụng để làm giả giấy tờ và vi phạm các quy định về nhập khẩu phế liệu.Ông Thành cũng cho biết, đã kiến nghị với Bộ TN&MT cung cấp số liệu lên cổng thông tin một cửa quốc gia danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho sản xuất.

PV đặt câu hỏi: Việc phế liệu ồ ạt nhập khẩu vào nước ta thời gian qua có phải do việc cấp phép tràn lan, quản lý lỏng lẻo hay không, ông Thành từ chối bình luận. “Hải quan thực hiện đúng quy định bộ quản lý chuyên ngành, chỉ làm thủ tục đảm bảo cho phế liệu nhập khẩu đúng tiêu chuẩn và theo giấy phép được Bộ và Sở TN&MT cấp”, ông Thành nói ngắn gọn và cho biết thêm, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và được Chính phủ chỉ đạo một loạt biện pháp nhằm quyết liệt chỉ đạo và quản lý trong việc nhập khẩu phế liệu này.

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tu-mu-quan-ly-nhap-khau-phe-lieu-d266365.html