Từ Mường Păng nghĩ về một quyết định nhân văn

(Vanhien.vn) Trân trọng giới thiệu bài thở của Nguyễn Hữu Tình và lời bàn của Nhà văn Vũ Bình Lục "Từ Mường Păng nghĩ về một quyết định nhân văn" tại Hội thảo "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc" do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Du khách tham quan tại Sở Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Có một địa danh nào đó, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó, mà suốt đời ta không đến thăm nơi đó được, thì có lẽ ta sẽ phải ôm hận suốt đời. Với tôi,Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy!

Tôi được nghe tin vui chiến thắng Điện Biên năm 1954 khi mới vừa 6 tuổi. Cái ngày tưng bừng trọng đại ấy ở quê tôi còn găm mãi vào ký ức suốt một đời chìm nổi. Tất nhiên, ngày ấy, cái cảm xúc vô cùng náo nức với tất cả mọi người từ già đến trẻ, chính là ngày vui đón nhận một sự kiện vĩđại chưa từng có: HÒA BÌNH…

Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, chấn động địa cầu, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, sau hàng chục năm ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi ai mà chẳng thấm vào gan ruột. Chúng tôi mang theo niềm tự hào một dân tộc bất khuất, mấy nghìn năm anh dũng chống giặc ngoại xâm mà “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đó có niềm tự hào về chiến công oai hùng đánh bại đội quân viễn chinh xâm lược Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ của cha anh. Cái tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gắn với tên tuổi vị chỉ huy chiến dịch, đồng thời là Tổng tư lệnh của quân đội ta làđại tướng Võ Nguyên Giáp, thì càng về sau mới càng thấy thấm thía.

Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, thương binh, từng trải qua những năm tháng chiến đấu vô cùng gian nan vất vả với giặc Mỹ và tay sai dưới bóng quân kỳ và vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

Xe đi từ Hà nội, qua ngả Hòa Bình, rồi tạm nghỉ ở ngã ba Cò Nòi của tỉnh Sơn La. Ở đây mà quan sát, mà ngẫm nghĩ về một địa danh lịch sử vô cùng nổi tiếng, trong kết cấu tổng thể của chiến dịch Điên Biên năm xưa. Hình dung thấy như đang rầm rập những đoàn quân đi suốt đêm ngày, miên man như nước chảy vô tận, từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa tới đây. Lại hình dung như thấy rầm rập những đoàn quân trai trẻ, hăm hởtừ đồng bằng sông Hồng, mải miết vượt qua bến Âu Lâu của tỉnh Yên Bái mà hành quân lên Tây Bắc tới ngã ba này, rồi nhắm tới đèo Pha Đin hiểm trở mà tiến lên, tiến thẳng vào Tây Bắc, vào cái lòng chảo rực lửa Điện Biên Phủ, để trực tiếp đối đầu với đội quân chủ lực thiện chiến của thực dân Pháp, thực hiện một trận quyết chiến chiến lược và tất nhiên, phải thắng! Hình dung như thấy từng đoàn, từng đoàn dân công hỏa tuyến rầm rập xe thồ gồng gánh vượt qua ngã ba Cò Nòi suốt cả ngày đêm, bất chấp máy bay giặc Pháp ném bom dữ dội, bất chấp hy sinh gian khổ.“Quân đi điệp điệp trùng trùng? Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan / Dân công đỏ đuốc từng đoàn / Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay / Nghìn đêm thăm thẳm sương dày / Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”…Rồi thì“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô anh hò chị hát / Dù bom đạn xương tan thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”…Những câu thơ hào sảng của nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện rất sinh động hào khí của một thời Điện Biên thấm máu, mồ hôi và nước mắt, biết bao kiêu hãnh tự hào…

Chúng tôi dừng lại ở Mường Păng, nơi đóng đại bản doanh của Bộ tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây, giờđã trở thành một điểm du lịch quan trọng, trong chuỗi liên kết các điểm du lịch của toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, rừng Mường Păng chắc còn hoang sơ lắm. Cây cối ngút ngàn xanh che phủ một khoảng trời. Mường Păng được chọn làm đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch, đương nhiên nó hội đủ các tiêu chí cần thiết, vừa đảm bảo bí mật tuyệt đối, vừa đủ cự ly và độ cao để quan sát, theo dõi diễn biến của cuộc chiến và để người chỉ huy chiến dịch ra nhật lệnh cho các đơn vị bộ đội tham gia tác chiến.

Chỉ còn lại những di tích được duy tu bảo dưỡng cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm, liên tục năm này qua năm khác. Mường Păng giờ được bàn tay con người biến nó thành một cái bảo tàng lịch sử rất lớn ngoài trời. Nhiều, rất nhiều nữa các thế hệ người Việt, người nước ngoài, đặc biệt là những người Pháp từ dân thường đến các vị Tổng thống và Thủ tướng đến đây để ngắm nhìn và suy ngẫm về lịch sử và đặc biệt, từ đây mà rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.

Vẫn còn nguyên đó những căn hầm và những căn nhà. Hầm trú ẩn vànơi làm việc của các cơ quan tham mưu, hậu cần, thông tin liên lạc…quây quần xung quanh hầm trú ẩn và nhà làm việc của Đại tướng tư lệnh chiến dịch. Cũng không thể không nói đến căn hầm và nhà làm việc của các vị cố vấn người Tàu. Tất cả đều gỗ rừng và tranh tre nứa lá.

Tôi đặc biệt chúý quan sát căn hầm và nơi làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Căn nhà lá được phục dựng như nguyên bản bên căn hầm kiên cố từng là nơi làm việc của vị tư lệnh chiến dịch. Tại đây, hơn nửa thế kỷ trước, từng diễn ra những cuộc tranh luận quyết liệt của các sĩ quan tham mưu, lại thêm những ý kiến quan trọng của các vị cố vấn quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Bộ đội ta đã cơ bản hoàn thành những cuộc hành quân bao vây cụm cứđiểm Điện Biên Phủ. Pháo lớnđãđược bộ đội ta kéo lên đồi cao, sẵn sàng nhảđạn. Giờ nổ súng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng đã được bàn thảo và quyết định. Các vị cố vấn Trung Quốc thì bảo ta nên thực hiện phương án đánh nhanh thắng nhanh. Thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch cũng đã được minh định.

Tuy nhiên, tướng Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp lòng vẫn chưa yên. Đánh nhanh, thắng nhanh, nếu như phương án chiến thuật này diễn ra một cách suôn sẻ, thì đó là thượng sách. Nhưng các yếu tố đảm bảo cho thắng lợi tuyệt đối thì sao? Ai dám chắc thắng trong tình hình địch lại vừa mới tăng thêm quân, đã củng cố vững chắc các hệ thống phòng thủ trong các cứ điểm, sẵn sàng chờ đối phương tớ? Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương tuyên bố” “Điện Biên Phủ là một căn cứ quân sự bất khả xâm phạm”. Trong khi đó, các đơn vị pháo binh của chúng ta đã kéo pháo vào trận địa, đã đặt vị trí các khẩu pháo ở sư ờ núi trống trải, cũng chưa hẳn đã được an toàn? Nếu trận địa pháo bị lộ, bị đối phương phản kích nhanh bằng bom pháo và cả bộ binh nữa, tình hình chiến sự sẽ ra sao ? Trong hoàn cảnh bất lợi với so sánh lực lượng như thế, đánh nhanh thắng nhanh, có thể sẽ biến thành hạ sách !

Phương án tác chiến đã được vị Tư lệnh chiến dịch vàban tham mưu tính toán kỹ lưỡng. Công việc còn lại là thời điểm vị Tổng chỉ huy ra lệnh tiến công. Đánh nhanh, thắng nhanh, nghĩa là toàn bộ binh lực của chúng ta từ các hướng tiến công đổ ào xuống lòng chảo Điện Biên. Người người lớp lớp xông lên, bất chấp mưa bom bão đạn. Số lượng binh sĩ của ta có thể nhiều gấp ba bốn lần, thậm chí gấp năm sáu lần đối phương. Nhưng đối phương cũngđã sẵn sàng ứng chiến, bằng tất cả sức mạnh vũ khí và niềm tin “bất khả xâm phạm” của họ. Lòng chảo Điện Biên chắc chắn sẽ là nơi núi xương sông máu. Có thể ra lệnh liên tụ ctăng cường thêm quân, thêm nữa. Các đơn vị chủ lực của ta có thể sẽ bị nghiền nát trước họng súng quân thù. Phải thắng, nhưng không phải là thắng bằng bất cứ giá nào. Mỗi chiến sĩ của chúng ta ngã xuống, nghĩa là thêm một người mẹ mất con, một người vợ mất chồng, con mất cha, gia đình tan nát… Tiến hành một cuộc chiến đấu tốn quá nhiều máu xương chiến sĩ mà phần thắng cũng chưa dám chắc là đảm bảo, phải cân nhắc thế nào, đó chính là thời điểm cam go nhất, căng thẳng nhất trước trận đánh của vịtướngTư lệnh chiến trường. Một đêm thức trắng, cuối cùng, sau khi đã tham khảo một vài cán bộ tham mưu thân cận và tài năng, tướng Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến. Phải chắc thắng. Phải tiết kiệm tối đa máu xương chiến sĩ. Phương án bao vây địch, tiến chậm, đánh lấn, đánh chắc đã được quyết định.

Và thế là các đơn vị pháo binh được lệnhkéo pháo ra. Các đơn vị bộ binh được lệnh rút ra. Có đơn vị được điều động quay sang Thượng Lào, thực hiện chiến dịch nghi binh… Trận đánh công kiên vĩ đại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh cách mạng ở nước ta được chuẩn bị lại, kỹ lưỡng hơn, chu đáo hơn. Các khẩu pháo lớn đã được cất giấu vàocác căn hầm trên triền núi, đảm bảo bí mật và an toàn, có thể làm đối phương bất ngờ khi chúng ta đánh đòn phủ đầu, uy hiếp đối phương, mở màn chiến dịch...

Cuộc chiến mở màn đã thành công rất lớn. Đồi Him Lam không chịu nổi sức công phá dữ dội của pháo binh ta. Và cứ thế, ta lấn dần, bao vây xiết chặt cổ họng quân địch. Ngày 7-5-1954, sở chỉ huy và toàn bộ quân Pháp còn lại ở Điện Biên Phủ phải kéo cờ trắng đầu hàng. Vậy là:“Năm mươi chín ngày đêm khoét núi núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng, chí không mòn”…

Và thế là:

Chín năm làm một Điện Biên,

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

(Tố Hữu)

Chúng ta nghĩ gì về quyết định thay đổi phương án tác chiến của vị tướng chỉ huy chiến dịch Điện Biên năm xưa? Đương nhiên, đó chính là một quyết định sáng suốt. Quyết định ấy đã dẫn đến thành công vĩ đại, như ta đã thấy. Tuy nhiên, ở bề sâu của chiến thắng, chúng ta còn thấy hiện lên rất rõ tinh thần vàý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp, toát lên từ quyết định lịch sử này. Võ Nguyên Giáp là vị tướng thiên tài của nhân dân, người Anh Cả hết sức gần gũi thân thương của bộ đội ta. Chính ông đã tạo nên cảm hứng lớn cho những chiến thắng iên tiếp của các lực lượng vũ trang của chúng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối ! Thần tốc ! Thần tốc ! Nhằm thẳng Sài Gòn xốc tới giành chiến thắng cuối cùng! Đó cũng chính là mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nhưng đó lại là mệnh lệnh cuối cùng, kết thúc ba mươi năm ngoan cường chiến đấu chống thực dân xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất non sông. Hai thời điểm khác nhau và bối cảnh khác nhau, vị thế chiến lược và tương quan lực lượng khác nhau, nhưng ý nghĩa lịch sử và nhân văn của nó thì không hề khác nhau vậy !

Hà Nội tháng 11-2018

V.B.L

Nhà văn Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-muong-pang-nghi-ve-mot-quyet-dinh-nhan-van-66403