Từ năm 2020, Trái đất sẽ có bốn mặt trăng?!?

Trái đất của chúng ta sẽ có… bốn mặt trăng kể từ năm 2020 nhờ vào tiến bộ của chương trình không gian của Trung Quốc.

Thành Đô sẽ đẹp lung linh trong đêm như Bắc Kinh từ năm 2020... (Ảnh: Shutterstock)

Trong dự án kéo dài 5 năm, một công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc sẽ phóng lên không gian ba vệ tinh để thực hiện kế hoạch chiếu sáng toàn phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên về đêm.

Ông Ngô Tuấn Phong, Chủ tịch của Học viện Khoa học Không gian Thành Đô (Casc) và Học viện nghiên cứu công nghệ vi điện tử, trình bày ý tưởng này tại hội nghị phát minh và kinh doanh đa quốc gia tại Thành Đô tuần trước.

Ông Ngô cho biết việc thử nghiệm vệ tinh phát sáng đã tiến hành nhiều năm trước và công nghệ đang ở giai đoạn hoàn thiện trước khi phóng lên vào năm 2020.

“Ánh sáng của vệ tinh này và thời gian phát sáng sẽ có thể điều chỉnh được, và độ chính xác của ánh sáng cũng có thể được kiểm soát trong phạm vi hàng chục mét”, ông Ngô cho biết.

Mặt trăng chỉ có độ sáng bằng 1/400.000 độ sáng của mặt trời. (Ảnh: Reuters)

Độ sáng và lợi ích của mặt trăng giả

Vệ tinh được làm bằng vật liệu đặc biệt có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời đủ chiếu sáng diện tích có bán kính 10 - 80km, tức có thể bao trùm cả Thành Đô. Ông Ngô nói ba mặt trăng nhân tạo sẽ thay phiên nhau hoạt động, nhằm tiết kiệm lượng điện đáng kể cho các công trình trong thành phố. Mặt trăng giả có thể dùng để chiếu sáng những vùng bị mất điện do thiên tai như động đất.

Ánh sáng của mặt trăng thật vào những ngày trăng tròn và tỏ chỉ bằng 1/400.000 ánh sáng mặt trời, không đủ sức xua tan màn đêm. Tờ Nhân Dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói ánh sáng của mặt trăng nhân tạo sẽ mạnh gấp 8 lần ánh sáng của mặt trăng thật, tương đương ánh sáng đèn đường. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã lại nói rằng độ sáng của trăng giả chỉ bằng 1/5 ánh sáng của đèn đường.

Ông Ngô nói rằng vệ tinh chiếu sáng này sẽ đem lại thứ "ánh sáng vào thời điểm chạng vạng". Và chỉ với độ sáng này, Thành Đô sẽ tiết kiệm khoảng 240 triệu USD tiền được mỗi năm.

Mặt trăng thật tạo ra ánh sáng tự nhiên, tốt cho hệ sinh học. Tuy nhiên, nếu có thêm ba mặt trăng nhân tạo, đời sống về đêm của vạn vật có thể bị ảnh hưởng. (Ảnh: NASA)

Và những lo ngại…

Trên mạng xã hội Weibo, người dân Trung Quốc đã lo ngại phát minh này có thể ảnh hưởng giấc ngủ. “Tại sao lại tạo ra mặt trăng nhân tạo và tại sao chúng ta đi ngược lại quy luật tự nhiên?” Tô Triệu Lâm, một nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng với gần 1,5 triệu người theo dõi, viết trên Weibo.

Cũng có lo ngại rằng ánh sáng nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến các quan sát thiên văn. Tiến sĩ Khang Vy Dân chuyên về ngành quang học thuộc Học viện Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân nói rằng ánh sáng trăng nhân tạo chỉ tương đương ánh sáng ngày rằm và không đủ mạnh để gây thiệt hại đến bất cứ hệ sinh thái nào.

Báo chí Trung Quốc không nói rõ chi phí cho chương trình tham vọng này sẽ từ nguồn kinh phí của địa phương hay chính phủ trung ương. Nhưng việc phóng ba vệ tinh cho một dự án lớn vậy thì số tiền đầu tư sẽ không nhỏ.

Bước đầu thành công của chương trình không gian Trung Quốc?

Công ty của ông Ngô là nhà thầu chính chương trình không gian của chính phủ Trung Quốc vốn được đầu tư mạnh và trưởng thành nhanh chóng kể từ năm 2015. Trong những năm sắp tới, Chính phủ Trung Quốc dự định thực hiện gấp đôi số vụ phóng vệ tinh của năm 2017.

Theo nhật báo Guardian của Anh, chương trình mặt trăng nhân tạo này tương tự như dự án của người Nga trước đây. Năm 1993, Nga đã phóng lên không gian “gương không gian” – một thiết bị phản chiếu ánh sáng - để kéo dài ngày trên mặt đất. Các nhà khoa học và kỹ sư Nga đã sử dụng một tấm plastic khổng lồ gắn dính vào phi thuyền không gian để phản chiếu ánh sáng mặt trời xuống đất. Chỉ trong tích tắc, thiết bị này đã chiếu luồng sáng từ trên không trung xuống một vùng trên lãnh thổ Nga. Nhưng từ dưới đất nhìn lên, luồng sáng này trông giống như... sao xẹt. Chương trình này hủy bỏ vào năm 1999.

Thành công của chương trình vẫn còn là dấu hỏi lớn vào thời điểm này. Tờ Business Insider của Anh đã nói rằng "chuyện giống như khoa học viễn tưởng".

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/tu-nam-2020-trai-dat-se-co-bon-mat-trang-d71027.html