Từ năm học 2020-2021: Phải có chuyển biến rất căn bản về việc khen thưởng học sinh tiểu học

Ngày 25-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019- 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020- 2021 đối với cấp tiểu học với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, kết thúc năm học 2019-2020 toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) cấp tiểu học, với 14.545 điểm trường. So với năm học trước, số lượng trường và điểm trường khá ổn định.

Năm học 2019-2020, toàn quốc có tổng số 8.756.621 học sinh tiểu học (tăng 276.644 em so với năm học trước); tổng số lớp là 282.968 (tăng 4.583 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31. Năm học 2019 – 2020, trước diễn biến của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh, từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Đến nay, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của cả nước là 60,1%.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên giáo dục tiểu học sẽ triển khai song song hai chương trình là giáo dục phổ thông hiện hành và giáo dục phổ thông mới. Cấp tiểu học sẽ tập trung các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, năm học vừa qua, học kỳ 2 bị tác động nặng của dịch Covid-19 làm đảo lộn kế hoạch năm học, trong đó có tiểu học. Tuy nhiên, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh, trong đó có dạy học online, dạy trên truyền hình, chất lượng giáo dục cơ bản được đảm bảo.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai SGK lớp 1 mới, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là rất thận trọng, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Lớp 2-5 năm nay tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành; năm học 2021-2022 lớp 2 sẽ thực hiện CTGDPT mới. Đối với các lớp 2,3,4,5 Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tiếp tục tinh giản chương trình hiện hành theo hướng tiếp cận CTGDPT mới. Tinh gọn, tinh giản nhưng không phải cắt bỏ cơ học mà sắp xếp các kiến thức theo hướng tích hợp, phân hóa khoa học, để các mạch kiến thức thiết thực, gọn gàng, sát với đời sống thực tiễn, đặc biệt là cấp học. Tới đây sẽ tiếp tục tinh giản để chương trình thực sự khoa học, thực tiễn, sát yêu cầu chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận CTGDPT mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019- 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020- 2021 đối với cấp tiểu học

Song song đó, tới đây bộ sẽ ban hành Thông tư mới về đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phẩm chất năng lực, đánh giá, vì sự tiến bộ của người học, kết hợp đánh giá thường xuyên với định kỳ. Khen thưởng học sinh phải thực chất, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa đúng dẫn đến hiệu ứng ngược. Các thầy cô phải cùng nhau có giải pháp, cách thức để công tác khen thưởng học sinh và thi đua giữa các giáo viên, nhà trường đi vào thực chất và phù hợp. Làm tốt việc khen thưởng thì sẽ tạo động lực lớn cho các cô thầy cũng như các học sinh. Việc khen thưởng phải tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội, tránh tình trạng đâu đó chỉ một số giáo viên không nhận thức đầy đủ dẫn đến làm sai lệch hình ảnh, chủ trương của ngành. “Thông tư mới tới đây có bổ sung hình thức thư khen, giấy khen, nhưng cần hiểu đúng thế nào là thư khen, giấy khen. Giấy khen phải xứng đáng, chứ không phải có chút thành tích đã tặng giấy khen dẫn đến lạm phát giấy khen. Từ năm học tới đây phải có chuyển biến rất căn bản về việc khen thưởng, trao khen thưởng cho học sinh”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bên cạnh đó, giáo dục tiểu học không dừng lại ở đổi mới phương pháp dạy học mà phải rộng hơn nhiều là phương pháp giáo dục, nhất là với tiểu học – bậc nền tảng để giáo dục học sinh có nhân cách toàn diện, phát triển tốt. Đổi mới phương thức giáo dục, cần nhân rộng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, để các học sinh ngay từ nhỏ đã được tiếp cận phương pháp sáng tạo, dạy học gắn với thực tiễn. Đẩy mạnh giáo dục STEM để chất lượng dạy học nâng lên, học đi đôi với hành, gắn lý thuyết gần với thực tiễn hơn, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức học được vào giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngoài chuyên môn cần tăng cường giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, bởi tiểu học là bậc nền tảng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ tương lai của học sinh. Do đó, mỗi thầy cô tiểu học phải là tấm gương về đạo để học sinh nhìn vào, học tập, noi gương. Đó cũng là cơ hội để thầy cô đóng góp cho thế hệ tương lai của đất nước.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-nam-hoc-20202021-phai-co-chuyen-bien-rat-can-ban-ve-viec-khen-thuong-hoc-sinh-tieu-hoc-681559.html