Từ nay đến năm 2021, không tăng biên chế nào

Giám đốc công an tỉnh, thành được phong quân hàm Thiếu tướng nhưng không vượt quá số lượng 11, trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có Trung tướng. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), chiều 6/11.

Hàm Thiếu tướng không vượt quá số lượng 11

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, vấn đề phong tướng còn có ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị) cho ý kiến.

UBTVQH cũng cho rằng, Bộ Công an vừa điều chỉnh tổ chức, bộ máy, cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá và có thể tiếp tục điều chỉnh, nên đề nghị quy định về cấp bậc hàm chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng, vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao UBTVQH quy định cụ thể.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Quốc hội

Liên quan đến cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, một số ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với vị trí này là đại tá, bảo đảm tương đương với quân hàm của chỉ huy quân sự địa phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng “là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Theo đó, dự thảo luật quy định Bộ Công an sẽ có tối đa 201 tướng, trong đó có 1 Đại tướng, là bộ trưởng; tối đa 6 Thượng tướng là thứ trưởng. Với Trung tướng, Bộ Công an sẽ có không quá 35, được áp dụng với cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I (không quá 11 người); Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, số lượng không quá 3; Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị không quá 3…

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an khẳng định, từ khi trình dự án luật này đã cam kết là không tăng biên chế. “Từ nay đến năm 2021, không tăng biên chế nào, chủ yếu là sắp xếp trong lực lượng”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phải tính sao cho hợp lý

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cơ bản đồng thuận với quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với lực lượng chiến sĩ chức vụ sĩ quan công an nhân dân. Song, ông cũng lưu ý số lượng phong hàm theo quy định là nhiều.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại hội trường

"Trên thế giới, có một số quốc gia Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ là dân sự, mà họ có những chỉ đạo cao nhất trong ngành. Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có ngạch, phải có cấp hàm là điều không bàn cãi. Nhưng, phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta ở thời bình được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội. Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu?" - đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Đánh giá lực lượng công an đi đầu trong tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, song đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, giảm đầu mối, đi cùng với đó là giảm biên chế, giảm số lượng cấp tướng nhưng trong dự thảo luật này lại tăng. Do đó, cần phải cân nhắc thận trọng. “Về vị trí, chức năng của từng cục trong Bộ Công an đã được quy định rõ về nguyên tắc, tiêu chí nhưng quy định như trong dự thảo luật sẽ gây khó cho việc điều động luân chuyển lãnh đạo giữa các cục. Bởi có cục trần cấp hàm của cục trưởng là trung tướng, có cục trần cấp hàm của cục trưởng chỉ là thiếu tướng”- đại biểu Trần Hồng Hà phân tích.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cũng chỉ ra, việc quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 chưa thuyết phục khi chỉ căn cứ vào đơn vị hành chính loại I. “Đơn vị hành chính loại I có thể sẽ biến động, nếu quy định “cứng” là 11 thì sẽ phải sửa luật khi có số lượng đơn vị hành chính loại I tăng lên”, đại biểu Minh Sơn lý giải.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào sáng ngày 21/11.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-nay-den-nam-2021-khong-tang-bien-che-nao-111366.html